VĐV, người mẫu Aimee Mullins: “Sự tự tin quyến rũ hơn cả đường cong nóng bỏng"

26/04/2016 - 09:54

PNO - Nghịch cảnh không quyết định số phận. Aimee Mullins đã chứng minh điều đó ngay từ khi định mệnh vĩnh viễn tước mất đôi chân của cô.

Với Aimee Mullins, tương lai trong tay mình. Khi còn dám bước tiếp thì mọi rào cản sẽ bị xóa nhòa. Cô không tạo sự khác biệt từ đôi chân giả. Cô khác biệt vì nghị lực phi thường, tạo nguồn cảm hứng vô tận cho bất cứ ai.

Liên tiếp phá nhiều kỷ lục trong làng thể thao thế giới, là một trong những gương mặt người mẫu ấn tượng nhất trên các sàn diễn thời trang quốc tế. Chưa hết, Aimee còn được biết đến là nữ diễn viên thông minh, tài năng, được tạp chí People đưa vào danh sách “50 phụ nữ có gương mặt đẹp nhất thế giới”, vinh dự nhận danh hiệu “Người phụ nữ Mỹ vĩ đại nhất thế kỷ XX” cùng vô số danh hiệu khác từ sự nỗ lực vượt bậc của mình…

VDV, nguoi mau Aimee Mullins: “Su tu tin quyen ru hon ca duong cong nong bong
Vận động viên, người mẫu Aimee Mullins

* Trong vai trò nào Aimee Mullins cũng tỏ ra nổi trội và dường như không có gì là khó khăn với chị. Nguồn năng lượng mạnh mẽ ấy đến từ đâu?

- Có lẽ nhờ đôi chân không giống mọi người của tôi. Từ lúc một tuổi, tôi gặp vấn đề với hai chân. Bố mẹ và bác sĩ quyết định cắt bỏ chúng đi, tính cho tôi phương án có một đôi chân giả, có thể mang vào và gỡ ra bất cứ lúc nào. Nói nghe có vẻ đơn giản nhưng thực sự, mỗi lần vào bệnh viện kiểm tra, thay chân, với tôi là mỗi lần đau đớn và nỗi đau ấy bùng lên trong tôi quyết tâm phải thích nghi với đôi chân mới, phải khuất phục bất cứ sự kháng cự nào từ cơ thể.

Tôi học cách phớt lờ những câu nói giới hạn khả năng của mình. Nếu bác sĩ nói tôi phải mất ba tháng mới quen với đôi chân giả, tôi sẽ chỉ mất 20 phút. Chẳng ai có thể vạch ra được hạn mức cho người khác. Đôi chân giả nhắc tôi nhớ một điều, không phải tôi không thể đi lại mà tôi phải học cách vượt qua chính mình từng ngày.

* Còn những trở ngại từ bên ngoài?

- Ngày nhỏ, bố mẹ và người thân không nhìn tôi với ánh mắt xót xa, tội nghiệp, thay vào đó là những lời động viên, khuyến khích tôi tập luyện. Tôi lao vào bất cứ môn thể thao nào, miễn là đôi chân giả chịu “hợp tác”, từ bơi lội, đạp xe, trượt tuyết… Nhưng không phải lúc nào xung quanh mình cũng là người thân yêu. Trở ngại lớn nhất là khi tôi cảm thấy mình bị tổn thương bởi những lời nói, ánh nhìn. Với nhiều người, tôi là dị biệt, là gánh nặng của xã hội. Bạn bè có người yêu thương tôi, cũng có người ném cho tôi ánh mắt xem thường, họ cố vượt qua tôi trong những giờ rèn luyện thể chất, chỉ để nói với tôi rằng, tôi chẳng thể nào bằng họ.

Tôi có con đường riêng của mình và không việc gì phải nỗ lực chứng minh hơn thua với người khác. Tôi lao vào sách vở với niềm vui nghiên cứu. Sau khi tốt nghiệp trường trung học Parkaland với tấm bằng danh dự, tôi vượt qua 40.000 ứng viên, nhận học bổng của trường Georgetown (nơi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton theo học), trở thành người trẻ tuổi nhất được Lầu Năm Góc mời về làm chuyên gia phân tích tình báo. Tôi là phụ nữ duy nhất nhận vị trí ấy trong khi số đồng nghiệp nam áp đảo, 249 người.

* Đây vẫn chưa phải là công việc làm cho chị thỏa mãn niềm đam mê chinh phục bản thân?

- Tôi phải luôn vận động, dù lẽ ra, như cách nghĩ tự nhiên của mọi người, tôi không thể. Càng bị bó buộc bởi định kiến giới hạn bao quanh mình, tôi càng cảm thấy cơ thể mình “ngứa ngáy” khi nghĩ đến các môn thể thao. Nhờ luyện tập từ nhỏ, tôi chẳng mấy khó khăn, ngại ngùng dù người đối diện tôi hoàn toàn không có bất thường nào về thể chất. Vào học trường Georgetown là cơ hội để tôi thể hiện niềm đam mê của mình. Ở đây, mọi người được khuyến khích tập luyện thể chất và tình yêu dành cho những môn mang tính đối kháng của tôi lại trỗi dậy. Tôi rèn luyện không biết mệt mỏi nhưng chưa bao giờ thử qua môn điền kinh vì hạn chế từ đôi chân.

Tôi không muốn mọi người nhìn thấy mình loay hoay trên đường chạy khi đôi chân giả văng ra khỏi cơ thể. Còn nhớ lần ấy, chuẩn bị cho giải thể thao vô địch các trường học trên toàn nước Mỹ (NCAA), huấn luyện viên nổi tiếng Frank Gagliano tìm tôi và thuyết phục tôi tham gia chạy. Tôi đã từ chối vì lúc ấy tưởng tượng có đến 5.000 khán giả sẽ thất vọng nếu tôi té ngã. Nhưng huấn luyện viên Gagliano đã nói rằng: “Em hoàn toàn có thể té, rồi gắn chân lại, chạy tiếp. Hãy chạy vì tôi biết, đó là điều em mong muốn từ rất lâu rồi”. Tôi đồng ý thử sức. Không thể tin nổi, không chỉ chạy được mà tôi còn giành chiến thắng, phá kỷ lục quốc gia ở đường chạy 100m.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI