Ứng dụng, tổng đài đặt lịch đi chợ cho người dân TPHCM

21/07/2021 - 17:17

PNO - Sở Công thương TPHCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động các chợ truyền thống.

Theo đó, mô hình “App đặt lịch đi chợ dành cho người dân” đang được thí điểm tại chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12) và “Tổng đài đặt lịch đi chợ” thí điểm tại chợ Bình Thới (quận 11). Sau thời gian thử nghiệm sẽ được đánh giá, hiệu chỉnh (nếu cần) và triển khai nhân rộng đến các chợ truyền thống trên địa bàn TP.

Sở Công thương cũng khuyến khích TP. Thủ Đức và quận, huyện chủ động nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp trong tổ chức hoạt động của chợ, đảm bảo phân bổ số người đến chợ theo từng khung giờ, kiểm soát được số lượng người ra - vào chợ theo từng thời điểm, mật độ người đến chợ, khai báo y tế điện tử... và lưu trữ thông tin liên quan nhằm phục vụ công tác khoanh vùng, truy vết khi cần thiết.

Các sạp được bố trí tấm chắn nhựa để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 .
Các sạp trong chợ được lắp tấm chắn nhựa để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19

Sở đề nghị ban quản lý các chợ nghiên cứu, áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực với việc áp dụng “Thẻ ra vào chợ” để kiểm soát số lượng, phân bổ số người đến theo khung giờ, đảm bảo khống chế lượng khách ra vào chợ phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng và hạn chế tình trạng tập trung đông người. 

TP. Thủ Đức và quận, huyện căn cứ điều kiện thực tế tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn để phân chia tần suất đi chợ: cách 2 hoặc 3 ngày/lần; theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10-15 thẻ vào chợ/30 ngày...

Để người dân tiện mua sắm, địa phương thông tin về việc tổ chức các điểm bán đến người dân sinh sống trên địa bàn (thời gian, mặt hàng, quy cách, giá bán...) và hướng dẫn để người dân ưu tiên đi chợ trong khu vực gần. Đồng thời, thông tin đến các hộ dân trên địa bàn và đề nghị người dân chỉ đi chợ theo đúng ngày được quy định trên thẻ ra vào chợ/app đặt lịch hoặc tổng đài đặt lịch đi chợ và gửi thẻ vào chợ/quét mã QR Code khai báo cho đơn vị quản lý chợ tại cổng vào chợ.

Đồng thời, các đơn vị quản lý chợ nghiên cứu, khuyến khích các thương nhân tổ chức bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại, chuyển hàng trực tiếp đến các đầu mối tiêu thụ, hoặc đặt hàng trước qua điện thoại và liên hệ lấy hàng tại điểm bán; các hình thức phù hợp khác để hạn chế tình trạng tập trung đông người tại chợ; nghiên cứu các mô hình đã triển khai hiệu quả tại các đơn vị (như: các đoàn thể Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... tổ chức “Đi chợ thay”, “Đi chợ online”...) và các hình thức phù hợp khác để hạn chế tình trạng tập trung đông người tại chợ hay điểm bán.

Trong công văn hỏa tốc gửi UBND TP. Thủ Đức và quận, huyện; 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn (TPHCM) ngày 21/7, Sở Công thương TPHCM nhấn mạnh việc ưu tiên bảo vệ hệ thống phân phối nói chung, đặc biệt đối với chợ đầu mối, chợ truyền thống để duy trì, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân được ổn định, đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Về việc sắp xếp các quầy, sạp, Sở đề nghị các đơn vị hữu trách rà soát, bố trí khu vực để giãn cách vị trí giữa các tiểu thương, tận dụng các khu vực trống trong chợ như: khu kinh doanh thức ăn, sân chợ... để tổ chức khu vực kinh doanh phù hợp, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc, giao dịch hàng hóa.

Đồng thời, nghiên cứu, bố trí vách ngăn, màn ngăn trong suốt giữa các hộ tiểu thương, gian bán hàng, giữa người bán và người mua; đề nghị tiểu thương treo bảng niêm yết giá, giá cả niêm yết rõ ràng, phù hợp để khách hàng thuận tiện trong mua sắm. Quản lý người lao động, tiểu thương, người bán hàng tại chợ về các thông tin (họ tên, năm sinh, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, địa chỉ nơi ở, số điện thoại, địa chỉ quê quán); yêu cầu người lao động, người bán hàng thông báo kịp thời khi có tiếp xúc với các trường hợp F0 hoặc F1.

Đối với các điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời tại các chợ đầu mối, các chợ tuân thủ các nội dung về địa điểm bố trí, tổ chức phân luồng giao thông, các điều kiện kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo kết quả xét nghiệm âm tính đối với người ra vào điểm trung chuyển, thời gian triển khai và ưu tiên bố trí nơi ăn, nghỉ cho người lao động tại điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời tại các chợ đầu mối...

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI