Ứng dụng công nghệ vào giáo dục: Cần quyết liệt và hiệu quả

11/11/2022 - 07:50

PNO - Ứng dụng công nghệ số vào giáo dục là chiến lược dài hơi đòi hỏi sự đầu tư lớn về mọi mặt, từ tài chính đến thời gian và con người. Nếu như giáo dục đại học dễ dàng “đi trước” trong cuộc đua chuyển đổi số thì ở bậc giáo dục phổ thông, xu hướng này còn diễn ra khá chậm rãi. Đại diện EMG Education, một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của ngành giáo dục thành phố, đã có những chia sẻ xung quanh hành trình này.

* Được biết, EMG Education đã đưa blockchain vào giảng dạy trong 1 tiết/tuần đối với các lớp tiếng Anh tích hợp. Một tiết học có sự “hiện diện” của blockchain, Metaverse đã khác biệt như thế nào?

- Ông Nguyễn Đức Trung, Giám đốc phát triển công nghệ của EMG Education: Trong năm học 2022-2023, EMG Education đưa vào triển khai việc giảng dạy trên môi trường Metaverse được xây dựng trên nền tảng công nghệ blockchain. Các tiết học này được các giáo viên nước ngoài giảng dạy trực tiếp trong môi trường  học tập ứng dụng công nghệ. Một trong những ưu điểm nổi bật của công nghệ Metaverse là giáo viên và học sinh có thể học tập và tương tác với nhau trong không gian 3D, một bước tiến lớn trong công nghệ giáo dục. Khi tham gia vào môi trường Metaverse, người dạy và người học có thể tương tác với nhau và với các tài liệu học tập 3D đồng thời.

Ví dụ như trong các tiết học Sinh học, học sinh được khám phá và thực hành về các cơ quan trong cơ thể với mô hình trực quan trong môi trường 3D. Công nghệ thực tế ảo cũng giúp xóa bỏ những giới  hạn nhất định của môi trường học truyền thống, bao gồm giới hạn về khoảng cách vật lý và điều kiện vật chất. Khi học tập trong môi trường Metaverse, học sinh sẽ được quyền truy cập và sử dụng tất cả các nguồn tài nguyên có sẵn trên hệ thống để phục vụ cho mục đích và nhu cầu học tập của bản thân.

Công nghệ Metaverse mở ra cho chúng ta những cơ hội để áp dụng các phương pháp học  tập mới, thú vị và hiệu quả. Học sinh có thể dành thời gian tự nghiên cứu một bài thí nghiệm trong không gian 3D và có thể xem lại từng công đoạn thí nghiệm nhiều lần cho tới khi đã hiểu rõ cách vận hành của thí nghiệm cụ thể đó. Trong môi trường này, học sinh tự do khám phá và sử dụng các nguyên liệu khác nhau trong phòng thí nghiệm như các hóa chất nguy hiểm hay các dụng cụ thí nghiệm đắt tiền để tìm tòi và thử  nghiệm một cách thoải mái và qua đó hiểu rõ về phương pháp thực hành thí nghiệm và lý do vì sao thí nghiệm được thực hiện theo phương pháp cụ thể này mà không bị giới hạn bởi những hạn chế mà các lớp học truyền thống có thể gặp phải.

Một lớp học sử dụng công nghệ Metaverse
Một lớp học sử dụng công nghệ Metaverse

Bên cạnh các thí nghiệm, học sinh cũng được tiếp cận với những mô hình mô phỏng các khái niệm khoa học phức tạp trong không gian 3D. Ví dụ khi học về nhịp tim, so với việc học trên sách và xem hình minh họa trong không gian 2D của lớp học truyền thống, học sinh sẽ cảm thấy thích thú hơn và sẽ có thể nắm được kiến thức nhanh và sâu hơn khi được nhìn thấy trực quan mô hình một quả tim đang đập với vô số dây thần kinh và hiểu được nhịp đập của tim thay đổi ra sao qua các giai đoạn vận động. Sau khi hoàn thành các thí nghiệm, học sinh có thể tương tác trực tiếp với dữ liệu của các biểu đồ, thay đổi các thông số và nhìn thấy sự thay đổi này được thể hiện ngay lập tức qua đồ thị, từ đó tìm ra mối quan hệ giữa các biến số trong một thí nghiệm.

Một ưu điểm của việc sử dụng môi trường Metaverse là sự kết nối giữa con người với con người. Học sinh không chỉ có thể tương tác với giáo viên và  các học liệu trong không gian 3D mà còn có thể tương tác với các bạn học khác có thể đang ở một vị trí địa lý khác, qua đó giúp phát triển kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và mang giá trị kết nối.

Học sinh tham gia hoạt động quiz trong lớp học Metaverse
Học sinh tham gia hoạt động quiz trong lớp học Metaverse

* Học sinh cảm nhận và thích nghi được với những thay đổi đó?

- Một thực tế trong quá trình triển khai là mặc dù Metaverse còn mới lạ với nhiều người lớn chúng ta nhưng các em học sinh đã rất  nhanh chóng làm quen và hòa nhập với công nghệ mới một cách vô cùng tự nhiên. Học sinh đang theo học các cấp phổ thông đều là công dân của thế kỷ XXI, giai đoạn bùng nổ của công nghệ trên toàn cầu. Hầu hết các em đều được tiếp cận với công nghệ từ rất sớm dưới nhiều hình thức khác nhau, từ máy tính tới điện thoại thông minh, từ mạng internet tới các ứng dụng mạng xã hội. Có thể nói Việt Nam đang có những thế hệ học sinh “digital native” (sinh ra và lớn lên trong môi trường kỹ thuật số) đầu tiên. Đây là cột mốc quan trọng mở ra cơ hội tuyệt vời cho các nhà giáo dục thực hiện cuộc cách mạng đổi mới. Chúng ta cần nhanh chóng nắm bắt để chuyển mình bằng cách thay đổi phương pháp dạy và học theo chiều hướng ứng  dụng những công nghệ tiên tiến, bắt kịp với những quốc gia có nền giáo dục phát triển trên thế giới.

Một lợi thế của việc giảng dạy trên môi trường Metaverse là các học liệu và nội dung bài học được thể hiện một cách trực quan và sinh động trong không gian 3D, giúp học sinh luôn cảm thấy hứng thú với việc học và dễ dàng tiếp thu kiến thức. Quan trọng hơn là hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu.

* Việc ứng dụng công nghệ hoàn toàn mới vào giảng dạy có những thuận lợi và khó khăn gì?

- Nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ trong những năm vừa qua, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để có thể chuyển mình và biến công nghệ trở thành bàn đạp để nhanh chóng phát triển toàn diện về mọi mặt kinh tế - xã hội. Trong đó, ngành giáo dục đóng một vai trò vô cùng quan trọng để có thể xây dựng một  nguồn nhân lực chất lượng cao chuẩn bị cho tương lai xã hội kỹ thuật số của Việt Nam một ngày không xa. Các cấp lãnh đạo đã đưa ra những chủ trương vô cùng đúng đắn, trong đó xác định chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ được xem như nhiệm vụ tiên quyết phải làm.

Bên cạnh những thuận lợi về chủ trương, việc triển khai ứng dụng công nghệ trong giảng dạy tại trường học cũng gặp phải một số thách thức về cơ sở hạ tầng. Cụ thể, một số trường học chưa đáp ứng được điều kiện về đường truyền internet ổn định hay còn chưa được trang bị những trang thiết bị phù hợp cho việc tổ chức các lớp học ứng dụng công nghệ như loa, máy chiếu hay TV thông minh… Để khắc phục những khó khăn này, EMG Education đã và đang tiếp tục làm việc với từng đơn vị trường học để hỗ trợ lắp đặt đường truyền internet tốc độ cao hoặc đầu tư những hạng mục cơ sở vật chất và trang thiết bị phù hợp khác (loa, máy chiếu, TV...) nhằm đảm bảo chất lượng và độ hiệu quả của các tiết học ứng dụng công nghệ.

* So với các nước phát triển, trình độ tiếp cận công nghệ của người dạy và học sinh Việt  Nam vẫn còn hạn chế, chưa đồng đều. Theo ông, giải pháp để rút ngắn khoảng cách này là gì?

- Chúng tôi xin khẳng định dựa trên kinh nghiệm triển khai thực tế rằng học sinh Việt Nam có khả năng tiếp thu rất nhanh chóng và có độ tiếp cận cao với công nghệ. Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ truy cập internet tại Việt Nam ở mức cao so với khu vực và trong đó 78,1% dân số Việt Nam có sử dụng mạng xã hội, cao hơn cả những quốc gia phát triển nhất thế giới như Hoa Kỳ. Điều này vừa nói lên sự phát triển rất mạnh mẽ của các công nghệ mới tại Việt Nam cũng như tốc độ hòa nhập và thích nghi nhanh chóng của người Việt Nam với các công nghệ này. Thế hệ trẻ của Việt Nam ngày nay, cụ thể hơn là  các em học sinh trong độ tuổi phổ thông, rất nhanh nhạy và có khả năng nắm bắt công nghệ rất tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh tinh thần sẵn sàng đón nhận công nghệ mới và khả năng nắm bắt nhanh nhạy của học sinh, các em cũng cần được tạo cơ hội và có môi trường để phát triển hơn nữa những kỹ năng của bản thân để có thể ứng dụng vào những mục đích thiết thực trong cuộc sống. Để làm được điều đó cần có sự chủ động và tinh thần dám đột phá ứng dụng những công nghệ mới trong công tác giảng dạy đến từ những nhà giáo và những đơn vị giáo dục, để người học có thể bắt kịp với những yêu cầu của công việc tương lai đang thay đổi từng ngày.

Các giải pháp về công nghệ giáo dục của EMG Education trong những năm qua như hệ thống học liệu trực tuyến EMG LMS, hay ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp học sinh luyện phát âm, phát triển các trò chơi trực quan và sinh động có giá trị giáo  dục cao, hay triển khai giảng dạy trong môi trường Metaverse đều nhắm tới mục tiêu nâng cao độ thú vị và hấp dẫn của việc học, qua đó lôi cuốn sự tham gia một cách toàn diện của học sinh trong quá trình học để nâng cao hiệu quả dạy và học. Chúng tôi tin rằng đây là một bước đi cần thiết để học sinh Việt Nam có thể bứt phá và vượt ra khỏi những giới hạn đang hiện hữu, nhờ đó thu hẹp khoảng cách với các cường quốc trên thế giới trong tương lai không xa.

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI