Ủ phân trồng rau xanh, lợi ích kép và hơn thế nữa

09/03/2020 - 08:57

PNO - Bề ngoài, căn nhà 4 tầng của chị Bùi Thị Châu cũng bình thường như bao căn nhà khác, thế nhưng sân thượng của căn nhà thì rất đặc biệt.

Phân loại rác tại nguồn và tận dụng không gian trong gia đình để trồng rau sạch là hai cách làm đã và đang được triển khai tại TP.HCM. Gần đây, hai cách làm này còn được lồng ghép để tạo ra lợi ích kép: tận dụng rác làm phân để bón cây trồng nhằm tạo mảng xanh và giảm thải rác ra môi trường.

Đi học ủ phân để trồng rau 

Bề ngoài, căn nhà 4 tầng của chị Bùi Thị Châu (khu phố 4, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng bình thường như bao căn nhà khác, thế nhưng sân thượng của căn nhà thì rất đặc biệt. Đó là một khu vườn xanh mát với đủ loại rau, bầu, bí, khổ qua lủng lẳng trái. Những luống chùm ngây, bồ ngót, mồng tơi, cà chua... được gia chủ chăm bón trong những thùng xốp, chậu sành lá xanh non mơn mởn. "Vườn rau này vừa là nơi thư giãn, lao động chân tay, vừa là nguồn cung cấp rau sạch hằng ngày cho gia đình gần 10 thành viên. Nhiều khi ăn không hết, chị còn mang cho” - chị Châu cho biết. Cũng theo chị Châu, vườn rau của chị được bón bằng phân hữu cơ, một phần trong số đó được gia đình làm từ nguồn rác phân loại tại nhà.  

Không riêng gì gia đình chị Châu, tại tuyến hẻm còn có vài chục hộ cũng đang thực hiện vườn rau dinh dưỡng trên sân thượng.

Đoàn cán bộ Hội LHPN đi khảo sát vườn rau sạch tại P.15, Q.Tân Bình
Đoàn cán bộ Hội LHPN đi khảo sát vườn rau sạch tại P.15, Q.Tân Bình

Gần đây, tại TP.HCM, số gia đình gầy dựng được vườn rau sạch như chị Châu không ít, nhưng cũng chẳng phải là quá nhiều. Cây giống, hạt giống, vật liệu để làm vườn và trồng rau củ không khó tìm, nhưng kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân và đặc biệt là làm sao để tự tạo ra nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng thì phải có người hướng dẫn. Và đó là lý do để Hội Phụ nữ P.15 tổ chức lớp dạy cách trồng rau sạch tại nhà, đồng thời giúp chị em được mục sở thị mô hình trồng rau sạch organic ở đường Tân Sơn của bác sĩ Trần Thị Ngọc Diệp và thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Viên. 

Bác sĩ Ngọc Diệp cũng chính là người đứng lớp hướng dẫn dạy trồng rau sạch cho các khu phố 4, 8 và 10 (P.15, Q.Tân Bình) về cách bố trí vật liệu trồng rau sao cho hợp không gian tại nhà, hệ thống tưới tiêu sao cho vừa tiết kiệm nước vừa đạt hiệu quả cao nhất, xử lý đất trồng, cách trồng, chọn giống, luân canh và bón phân, cách tạo phân vi sinh bằng chính nguồn rác hữu cơ tại nhà...

Hơn cả lợi ích kép

Ở ấp Thới Tứ, xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn, bà Phan Thanh Thảo, cựu Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, được xem là "bà đỡ" của mô hình "Xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ" tại nhà. 

Tháng 3/2018, khi còn đương chức Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, hưởng ứng phong trào chống rác thải và bảo vệ môi trường, bà Thảo đã về miền Tây học tập kinh nghiệm xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ tại một gia đình. Nhận thấy cách làm này quá hữu ích, khi trở về bà Thảo đã lập dự án và hướng dẫn quy trình “biến” rác thành phân bón hữu cơ để trồng rau sạch cho 25 hộ gia đình.

Hiện nay, dù đã về hưu được hơn một năm nhưng bà Thảo vẫn kiên trì với dự án trồng rau sạch từ nguồn phân bón "tự làm". Vườn rau của bà có đủ các loại rau xanh và thảo dược. Nhiều hộ gia đình khác cũng đã tự ủ phân hữu cơ để bón cho rau màu, cây cảnh. "Phân hữu cơ có độ mịn, tơi xốp, màu đen không mùi, khi đem bón cho cây, hoa, rau màu rất tốt, rau xanh mướt, hoa nở to đẹp, cây mau lớn, cho nhiều trái" - chị Thảo khoe. 

Theo chị Đặng Thị Trúc Dao - Chủ tịch Hội LHPN H.Hóc Môn - mô hình “biến” rác thải thành phân hữu cơ để trồng rau xanh tại xã Thới Tam Thôn đang cho thấy không chỉ thu được lợi ích kép mà còn hơn thế nữa. Chúng ta tận dụng được nguồn rác hữu cơ để làm phân bón cho cây trồng, giảm lượng rác thải ra môi trường, đồng thời tác động đến ý thức phân loại rác tại nguồn đối với các hộ gia đình, giúp hạn chế dịch bệnh do ô nhiễm môi trường gây ra. 

Ngày 28/2, Hội LHPN TP.HCM đã có chuyến khảo sát thực tế để ghi nhận, đánh giá hiệu quả của mô hình kết hợp “phân loại rác tại nguồn, tạo nguồn phân hữu cơ để trồng rau sạch, cây cảnh”. Đoàn đã tìm hiểu mô hình trồng rau trên sân thượng của một số hộ dân ở khu phố 4, P.15, vườn rau sạch an toàn của bác sĩ Trần Thị Ngọc Diệp, khảo sát mô hình ủ phân hữu cơ tại xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn. Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cho biết, sau khi khảo sát thực tế, Hội sẽ đánh giá hiệu quả các mô hình, từ đó nghiên cứu việc triển khai nhân rộng ra các địa bàn.

Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI