Tuyển sinh thời COVID-19: Bộ GD-ĐT tính toán đề thi, trường thu hút thí sinh bằng học bổng

10/03/2021 - 06:24

PNO - Đi liền với thông tin về phương thức xét tuyển vào đại học, ngành đào tạo, thì đề thi, học phí, học bổng là vấn đề được phụ huynh, thí sinh quan tâm, nhất là sau khi trải qua hai năm dịch bệnh khó khăn.

Đề thi sát... điều kiện dịch bệnh

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đề tham khảo thi THPT quốc gia đang được rà soát để công bố trong tháng Ba. Chỉ đạo tại cuộc họp về chuẩn bị cho kỳ thi, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, yêu cầu các đơn vị chuyên môn rà soát thật kỹ và dự báo các tình huống có thể xảy ra để chủ động phương án, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn.

Đặc biệt, phải bảo đảm đúng mục đích là đánh giá được chất lượng đầu ra của giáo dục phổ thông, và là căn cứ quan trọng để sử dụng xét tuyển vào đại học (ĐH)… Trong đó, cấu trúc đề giữ ổn định để thuận lợi cho việc dạy học của giáo viên và ôn tập của học sinh. Đặc biệt, đề thi phải sát với việc dạy học trong điều kiện dịch bệnh. 

Học bổng sẽ giúp nhiều thí sinh, phụ huynh bớt khó khăn
Học bổng sẽ giúp nhiều thí sinh, phụ huynh bớt khó khăn

Thực tế, thí sinh lớp 12 dự thi THPT 2021 không chỉ chịu tác động bởi tình hình dịch bệnh của năm nay, mà còn chịu ảnh hưởng từ năm lớp 11. Mỗi khi tình hình dịch bệnh phức tạp, học sinh nhiều địa phương phải tạm dừng đến trường một thời gian khiến việc học trực tiếp ở lớp bị gián đoạn, ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả học tập.

Đó cũng là lý do để Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đưa ra yêu cầu nội dung đề thi phải gắn rất sát với hoạt động dạy và học trong điều kiện dịch bệnh, đồng thời gắn với chuẩn đầu ra chương trình phổ thông.

Ngoài ra, đại diện Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT khẳng định, về cơ bản kỳ thi sẽ giữ ổn định, chỉ thay đổi một số khâu kỹ thuật để chặt chẽ hơn, không gây ảnh hưởng đến thí sinh.

Phụ huynh khó khăn, trường tung ngay học bổng

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nỗi lo về tài chính tác động lớn đến quyết định chọn trường, chọn ngành học. Khó khăn tài chính có thể tạo nên rào cản cho nhiều học sinh không dám theo đuổi trường ĐH yêu thích. Lúc này, chính sách học bổng tại các trường phần nào giúp giải quyết bài toán khó.  

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: Năm nay, trường dành 40 tỷ đồng để trao học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên (SV) với trị giá 100%, 75%, 50% và 30% học phí. Trường sẽ xét học bổng theo từng học kỳ để SV có động lực học tập và nghiên cứu. Với số tiền này, có khoảng 35% SV của trường sẽ được thụ hưởng.

Ngoài ra, trường còn có học bổng dành cho SV có hoàn cảnh khó khăn, gia đình ở khu vực xảy ra thiên tai…

Còn tiến sĩ Trần Ái Cầm, Quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay: Năm 2020 và 2021, nhiều gia đình SV chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Vì vậy, ngoài các chương trình học bổng thường niên, trường còn đưa ra nhiều suất học bổng giá trị dành cho tân SV. Tất cả SV mới trúng tuyển đều sẽ nhận được học bổng 3 triệu đồng cùng nhiều học bổng tùy thuộc vào ngành nghề và điểm thi đầu vào.

Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) dành trên 37 tỷ đồng (tương đương 8% tổng kinh phí của trường) để cấp học bổng cho SV, học viên. Học bổng dựa trên thành tích học tập của SV, gồm: học bổng toàn phần (100% học phí, từ 108 triệu đến 156 triệu đồng) và học bổng bán phần (50% hoặc 25% học phí, từ 27 triệu đến 78 triệu đồng).

Phụ huynh, thí sinh tìm hiểu thông tin về ngành nghề, học phí, học bổng tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM
Phụ huynh, thí sinh tìm hiểu thông tin về ngành nghề, học phí, học bổng tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM

Tương tự, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng dành 36 tỷ đồng để cấp học bổng cho SV trong năm 2021. 

Một trong những trường tung ra gói học bổng “khủng” là ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, với hơn 50 tỷ đồng cho các suất học bổng trị giá từ 25%, 50%, cho đến 100%. 

Nhiều trường còn lập quỹ cho SV vay không lãi suất để không có SV nào không thể đến trường vì khó khăn tài chính. Tiến sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, cho biết: trường giảm 50% học phí cho thí sinh giỏi ba năm học THPT và giảm 25% học phí cho học sinh giỏi năm lớp 12. Còn với SV có hoàn cảnh khó khăn, trường có quỹ tín dụng 7 tỷ đồng để hỗ trợ cho SV vay vốn học tập toàn khóa với lãi suất 0%. 

Cũng với mục đích giảm bớt khó khăn cho người học, thạc sĩ Quảng Cao Tư, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, thông tin: Trường tăng quỹ học bổng với tổng trị giá dự kiến khoảng 67,5 tỷ đồng. Những khoản kinh phí này sẽ được trao cho học sinh xuất sắc của các trường THPT. Thí sinh chọn học ngành kế toán, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, tâm lý học sẽ được hỗ trợ 30% học phí toàn khóa; học ngành luật kinh tế quốc tế hoặc khoa học máy tính có học bổng toàn phần gồm học phí bốn năm…

Đối với SV, học bổng không chỉ là động lực khuyến khích học tập mà còn giúp các bạn tự tin hơn trong quá trình chọn con đường học tập phù hợp. Phạm Văn Thịnh, SV năm thứ ba ngành kinh doanh quốc tế Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết từng nhận học bổng 100%. Số tiền này đã giúp Thịnh không phải bỏ dở việc học khi gia đình gặp khó khăn. n

Các nhà sư phạm cũng khuyến cáo người học cần cân nhắc học phí của các trường một cách thấu đáo trước khi vào học để tránh đứt gánh giữa đường.

“Trường học thường dành rất nhiều suất học bổng đầu vào để thu hút thí sinh. Nhưng kèm theo đó là điều kiện điểm số, kết quả học tập. Vì thế, với những thí sinh không quá giỏi, điều kiện kinh tế gia đình không cao thì cần phải tỉnh táo chọn trường có mức học phí phù hợp để có đủ khả năng học đến khi ra trường. Có không ít trường hợp thí sinh “nhắm mắt” bước vào các trường ĐH có học phí cao khi thấy miễn giảm học phí đầu vào quá hấp dẫn. Đến khi không duy trì được kết quả học tập, mất học bổng thì không đóng nổi học phí, dẫn đến dang dở việc học”, hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM khuyến cáo.

Gia Tuệ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI