Tuyển sinh đại học 100% trực tuyến: Mục tiêu "bóng lộn", nhưng thực tế ra sao?

25/08/2022 - 11:33

PNO - Tôi và nhiều đồng nghiệp (cùng là nhà giáo) không khỏi thảng thốt khi biết tin có đến hơn 320.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học.

Trực tuyến hóa 100% công tác tuyển sinh liệu có phù hợp với tình hình chung của đất nước?
Trực tuyến hóa 100% công tác tuyển sinh liệu có phù hợp với tình hình chung của đất nước?

Số thí sinh không đăng ký chiếm hơn 34% số thí sinh dự kiến đăng ký xét tuyển đại học. Dẫu lạc quan đến đâu cũng không mấy ai tin nhiều thí sinh trong số ấy đã chủ động phân luồng sau tốt nghiệp THPT. 

Có dạy học sinh lớp 12 mới thấy hết những vụng về, lúng túng của các em - ngay cả những điều khá quen, như tô và ghi trên tờ giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm. Có năm, tôi được một lãnh đạo sở GD-ĐT cho biết, khi làm bài trắc nghiệm, ban chấm thi phải can thiệp bằng tay hàng ngàn lỗi của thí sinh. Bởi, nếu phó thác cho máy chấm thì những em này có thể rớt tốt nghiệp.

Mở màn kỳ tuyển sinh đại học 2022 là “mưa” phương thức xét tuyển, với 20 phương thức, đến giáo viên chưa thông tỏ hết, nói chi phụ huynh, học sinh. Đã thế, dường như quản lý ngành giáo dục không lường hệ lụy, cho nên, có phương thức làm thầy trò hụt hơi theo các lớp luyện thi chứng chỉ tiếng Anh (IELTS, TOEFL iBT, TOEFL ITP...). Rồi điểm học bạ THPT được “làm đẹp” đến nỗi có em quy đổi ra 29, 30 điểm (theo phương thức xét tuyển học bạ) cũng ngậm ngùi... hẹn mùa thi sau! Mục tiêu “bóng lộn”, nhưng tổ chức thực hiện đang gây hiệu ứng ngược, vô hình trung “kích hoạt” việc chạy theo những giá trị thực dụng, giả dối.

Đã thế, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 6/6/2022, tức là khi năm học 2021-2022 đã kết thúc và chỉ còn 30 ngày là gần 1 triệu học sinh cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bộ làm thế, cơ sở giáo dục xoay sao kịp? Nhiều trường không kịp quán triệt một cách đầy đủ, sâu sắc đến tất cả thầy trò cùng phụ huynh. Quy chế tuyển sinh (gồm 3 chương và 27 điều), có những điều như Điều 18 - Tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm, Điều 19 - Đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo kế hoạch chung... rất mới và khả năng đáp ứng từ 3 nhà “Bộ - các trường đại học - trường THPT” không thể kết nối suôn sẻ cả nghĩa đen và bóng. Học sinh không biết, không nắm vững thì làm sao vận dụng? Phải chăng đây là nguyên nhân cơ bản của việc 1/3 thí sinh cả nước không đăng ký xét tuyển đại học? 

Trở lại câu chuyện tuyển sinh đại học năm 2022, do phải chờ đưa lên hệ thống chung “lọc ảo” nên các trường đại học (nhất là những trường “dưới top”) khác nào ngồi trên đống lửa? Mà nào có phải do các trường đâu, họ nhanh chóng xây dựng đề án tuyển sinh, nhưng Quy chế tuyển sinh Bộ GD-ĐT lại ban hành sau rất nhiều ngày. Thế nên, hy vọng mùa tuyển sinh chủ động tắt ngấm, và bây giờ chuyển sang trạng thái... “bao giờ cho đến tháng 9?”. Nhưng, cũng không biết đến đó thì sẽ ra sao!

Quy định thí sinh sử dụng hoàn toàn công nghệ thông tin các bước đăng ký nguyện vọng và sắp tới là thanh toán lệ phí trực tuyến, có lẽ người chắp bút và ban hành điều ấy chưa thấy hết bức tranh toàn cảnh giáo dục phổ thông. Những “ngọt ngào” ấy chỉ gắn với vùng thuận lợi, chứ vùng sâu, vùng xa, có nơi, tan lớp là học sinh lên rẫy cách nhà vài chục kilomet, sóng di động chập chờn và “chủ thể” cặm cụi cuốc cày thì làm sao bắt kịp bạn bè học ở nơi trung tâm? Và, ngay cả ở những vùng tương đối thuận lợi, không phải em nào cũng rành công nghệ thông tin như người lớn nghĩ.

Khi biết tin Bộ GD-ĐT tiếp tục mở cổng thông tin cho thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, giáo viên chúng tôi đùa nhau: “Bộ đang cho đá bù giờ”. Thế nhưng, nếu Bộ ban hành Quy chế tuyển sinh đại học sớm, giá mà Bộ sâu sát tình hình cơ sở để có quy định hợp lý, hợp tình thì tuyển sinh năm nay có rối thế không? 

Cải tổ công tác tuyển sinh đại học là yêu cầu thực tế nhằm tạo thuận lợi cho các bên tham gia, đơn giản hóa quy trình, thủ tục để thí sinh có nguyện vọng, đạt yêu cầu về kiến thức được rộng đường vào đại học. Trong điều kiện hiện nay, và thậm chí vài năm tới, cần bình tâm để chọn lọc những biện pháp tuyển sinh trước đây, tuy “cũ” nhưng nếu làm nghiêm túc sẽ cho kết quả tích cực. Những đổi thay, xin hãy từ từ. Cứ nắm chắc tình hình thực tiễn và xu thế tuyển sinh đại học của các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới, kết hợp những thành tựu trong nhiều năm qua, rồi từ đó có quyết sách phù hợp cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học với thế hệ học sinh học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. 

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trần Nhã 26-08-2022 23:22:37

    Cám ơn tiến sĩ về bài viết sâu sắc này. Bạn học cùng lớp con tôi học rất giỏi, đủ điều kiện đậu vô ngành công nghệ thông tin của trường đại học KHTN - ĐHQG TP HCM bằng cả hai phương thức: đánh giá năng lực (cháu thi được 965 điểm) và học bạ. Nhưng khi đăng danh sách đủ điều kiện trúng tuyển, trường KHTN đăng cháu trúng tuyển theo phương thức học bạ, cháu bộp chộp đăng ký theo phương thức đánh giá năng lực. Khi kết thúc thời gian đăng ký cháu mới phát hiện ra nó đăng ký sai tên phương thức. Đậu bằng cả hai phương thức với số điểm khá cao mà giờ thành rớt, thiệt đau lòng. Trong số những em học sinh chưa đăng ký kia, tôi nghĩ có nhiều em cũng phạm lỗi đăng ký như cháu này. Cầu mong Bộ Giáo dục mở lại cổng đăng ký nguyện vọng cho các cháu sửa sai.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI