Tương lai của... học từ xa

04/09/2020 - 07:37

PNO - Lần đầu tiên, Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành dự thảo thông tư quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến. Nhưng yếu tố quan trọng nhất, khiến không ít giáo viên trăn trở là làm thế nào để tất cả học sinh đều có phương tiện học trực tuyến thì lại không được nhắc đến.

Lần đầu tiên, Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành dự thảo thông tư quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến. Theo đó, kết quả học trực tuyến sẽ được công nhận đối với bậc học phổ thông. Nhưng yếu tố quan trọng nhất, khiến không ít giáo viên trăn trở là làm thế nào để tất cả học sinh đều có phương tiện học trực tuyến thì lại không được nhắc đến. 

Với những khó khăn cơ bản, đồng thời cũng là điều kiện tối thiểu đó, thì tương lai nào cho việc học trực tuyến kết hợp với học trực tiếp?

“Không được đến trường, không lên được lớp thì… bỏ học thôi”

Hình ảnh học sinh vùng cao học online khơi nhiều cảm xúc, song, còn rất nhiều học sinh không có điều kiện tối thiểu để học trực tuyến
Hình ảnh học sinh vùng cao học online khơi nhiều cảm xúc, song, còn rất nhiều học sinh không có điều kiện tối thiểu để học trực tuyến

 Với dự thảo thông tư này, học sinh (HS) sẽ không vì không thể đến trường mà “tiến độ” học tập bị gián đoạn - kết quả học trực tuyến sẽ được công nhận. Thoạt đầu, thấy rõ đây là thuận lợi rất lớn. Thế nhưng, đó chỉ thực sự là thuận lợi với đa số chứ không phải toàn bộ HS. Xin được đưa ra các con số rất chênh lệch thế này: 

Từ tháng 2/2020, HS cả nước phải nghỉ ba tháng để phòng dịch, các địa phương đã lần lượt triển khai chương trình học trực tuyến. Tại tỉnh Yên Bái, với cấp học THCS, tỷ lệ HS tham gia học trực tuyến ở H.Văn Chấn là 8,5%, H.Trạm Tấu 5,2%, H.Mù Cang Chải chỉ 1,8%.

Tỉnh Lai Châu, đặc thù 85% HS từ các cộng đồng thiểu số. Ví như xã Tà Mung của H.Than Uyên, chỉ 20% HS trong trường THCS có điện thoại, mà không phải điện thoại nào cũng “thông minh”; không phải HS có điện thoại “thông minh” nào cũng có điều kiện kết nối internet; và chỉ 30% gia đình có ti vi. Chưa kể, không ít bản làng của Lai Châu nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung còn chưa có điện.

Hồng Ca là xã đặc biệt khó khăn của H.Trấn Yên (tỉnh Yên Bái). Thuộc thế hệ 8X, kinh tế lại khấm khá nhất thôn Khuôn Bổ, nhưng trưởng thôn Sổng A Dũng vẫn dùng điện thoại “cục gạch”. Anh bảo ở đây sóng điện thoại lắm lúc còn chập chờn. Cả bản cũng được một ít nhà có ti vi, còn internet là của hiếm.

Anh Dũng nói tiếng Kinh ồi ồi, thật thà: “Có con nhà mình dùng loại thông minh đấy, nhưng nó đi học đại học ở Thái Nguyên cơ”. Chẳng thế mà ba tháng nghỉ vì COVID-19, cả phương án học trực tuyến lẫn học trên truyền hình đều không thể triển khai ở xã Hồng Ca. Các thầy cô của Trường THCS Hồng Ca đã phải đến từng nhà giao bài tập cho HS. Mà bài tập phải bỏ trong ống nhựa treo ngoài ngõ để HS hoặc phụ huynh ra lấy.

Anh Bùi Văn Xuân (xã Thanh Quân, H.Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) có hai đứa con gái đang tuổi học. Ba tháng nghỉ học hai đứa con của anh dành toàn bộ thời gian đi mò cua, bắt ốc bán lấy tiền đong gạo. Đến bây giờ, anh Xuân vẫn không biết học trực tuyến là gì.

Khi nghe chúng tôi giải thích là phải có điện thoại “thông minh”, hoặc máy tính bảng, máy tính để bàn, laptop và có kết nối internet... anh Xuân cứ tròn mắt, kể đến thứ gì anh cũng “không có đâu”, “ở đây làm gì có”. Lúc mưa, chạy vào nhà anh mới thấu - trong nhà không có một thứ gì ngoài bốn chiếc giường vẹo vọ kê sát vào nhau. Bên chái nhà, cạnh ba ông đầu rau là chiếc xe máy tàu cũ. Chứng kiến cảnh đó, chúng tôi không dám giải thích với anh thêm một lời nào về máy này, máy nọ.

Việc học qua truyền hình đã là khó với không ít địa phương, vì nhiều gia đình không có tivi
Việc học qua truyền hình đã là khó với không ít địa phương, vì nhiều gia đình không có tivi

Đến lúc bảo, chúng tôi sẽ tặng hai đứa con anh hai cái điện thoại “thông minh” để học trực tuyến. Anh Xuân hỏi lại: “Mỗi tháng phải nạp cho nó bao nhiêu tiền?” Nghe chúng tôi trả lời xong, anh Xuân vội xua tay: “Không được đến trường, không lên được lớp thì… bỏ học thôi. Không trực tuyến được đâu”. Anh Xuân vừa nói, vừa chạy lại đuổi đàn gà chực nhảy lên giường - con bé út đang ngồi ăn bim bim chúng tôi cho, mấy con gà cứ ngóc lên “tọc, tọc”.

Thiếu góc nhìn từ phía học sinh và chất lượng sư phạm

Tất nhiên, học trực tuyến - kể cả có hoàn toàn thì cũng vẫn hơn là không học. Cũng cần phải thấy chúng ta đang “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”. Những chủ trương đưa ra cũng đã cố gắng để gần hơn với các phương thức giáo dục tiến bộ - “học trực tuyến” là một trong số đó. Song, dường như những phương thức ấy vẫn chưa bắt đầu từ người học. Ngoài những khó khăn về kinh tế ở không ít địa phương như đã nêu trên, thì tâm lý, đặc điểm lứa tuổi cũng là vấn đề chưa được nhìn nhận thấu đáo. 

Vừa qua, dạy học trực tuyến cho HS nói chung và HS tiểu học nói riêng đã cho thấy nhiều bất cập: các em mải chơi, không tập trung, nhiều gia đình không thể bố trí phụ huynh giám sát con cháu học trực tuyến… Không ít ý kiến rất lý thuyết và chủ quan được đưa ra rằng: cần có sự kết hợp giữa phụ huynh và giáo viên, phụ huynh phải đồng hành với con trong việc học trực tuyến, còn giáo viên phải chuẩn bị bài giảng… Nhưng thực tế, có bao nhiêu phần trăm ông bố bà mẹ có điều kiện đồng hành - học trực tuyến cùng con?

Chưa kể, ngay một tiến sĩ chủ biên một trong những cuốn sách giáo khoa  mới cũng không giấu được lo lắng, ông không tin là sẽ thành công khi dạy học trực tuyến với học sinh lớp Một, dù là dạy với sách giáo khoa mới 
hay cũ. 

Lớn hơn một chút, và có lẽ đó cũng là vấn đề cốt lõi - như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Trường sư phạm phải đào tạo ra nhà giáo dục chứ không phải thợ dạy”. Những nhà giáo dục thực thụ sẽ hiểu được từng HS để có cách giáo dục riêng với từng em; những nhà giáo dục sẽ biết tạo ra một môi trường thúc đẩy tinh thần hiếu tri, khơi gợi động lực, trang bị cho HS các khả năng và thói quen truy vấn, phản biện.

Nói như triết gia Rousseau, tác giả của Émile hay là về giáo dục, thì tạo cho trẻ sự ham thích học, phương pháp nào cũng sẽ tốt. Một kế hoạch giáo dục, một giáo án, một cách thức giảng dạy chất lượng là những điều phải khởi đi từ HS, thậm chí là từ từng HS.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI