Không theo kịp bài giảng trực tuyến, nhiều học sinh tìm gia sư online

15/04/2020 - 07:55

PNO - Nóng ruột vì kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới, con lại không theo kịp bài giảng trực tuyến, nhiều phụ huynh có con đang học lớp 12 đã tìm đến gia sư online.

Học sinh giỏi cũng “lơ lửng” với bài giảng trực tuyến

Là học sinh (HS) giỏi với khả năng tự học rất tốt nhưng Lê Ngọc Hồng, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ, Q.9 (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi chỉ tiếp thu được khoảng 50%, vì có nhiều lý thuyết khó hiểu lắm”. Theo Hồng, học qua truyền hình, nhiều bạn hiểu được chút chút nhưng cũng có nhiều bạn không hiểu gì. Tâm trạng những ngày này của Hồng là không yên tâm, nơm nớp sợ rằng mình sẽ rớt đại học. Mặc dù trước đây Hồng khá tự tin với nỗ lực học tập của mình. 

Hiệu quả học online thấp hơn học tại trường - Ảnh: Hạnh Chi
Hiệu quả học online thấp hơn học tại trường - Ảnh: Hạnh Chi

Trước những hạn chế của việc học trực tuyến, nhiều giáo viên (GV) khối 12 đã hỗ trợ, gỡ khó cho HS bằng cách thường xuyên tương tác qua các bài giảng online, trong group chat theo từng môn.

Hồng cho biết thêm: bằng hình thức “lên bảng online”, thầy sẽ cho đề rồi gọi từng bạn giải bài tập. Ví dụ, số 23 (trong danh sách lớp) được phân công giải từ câu 1 đến câu 4, số 7 từ câu 5 đến câu 8. Các bạn giải xong thì đưa bài giải lên group chung. Sai tới đâu, thầy sẽ sửa tới đó rồi yêu cầu làm lại để cả lớp cùng học và cùng sửa. Kiến thức khi học trực tuyến không nắm hết được, bởi phần lớn là lý thuyết rất khó “tiêu” nên các bạn cố gắng thông qua group chat của lớp, làm tất cả bài tập GV cho để củng cố kiến thức.

Cùng tâm trạng như Hồng, bạn N.T.M.L., HS lớp 12 Trường THPT Tân Phong, Q.7, chia sẻ, dù là HS giỏi và đã rất cố gắng nhưng cũng chỉ nắm được khoảng 70% bài giảng trực tuyến. “Lớp tôi cũng có những buổi học online, nhưng với những tiết học này, có khi mạng yếu, đường truyền tiếng được tiếng mất, khi thì các bạn không trật tự nên thường rất khó tập trung, do đó, hiệu quả học tập không cao. Để hiểu hơn về vấn đề mình còn “lơ lửng”, tôi phải “cày nát” Google. Phần đông các bạn trong lớp thì tìm gia sư để hỗ trợ”, L. cho biết.

Tìm gia sư online vì không biết hỏi từ đâu

Theo chia sẻ của M.L., với 40 HS trong lớp, thì khoảng 25 bạn phải nhờ gia sư để có thể theo kịp bài vở trong những ngày này. Do cách ly xã hội như hiện nay, rất ít bạn mời gia sư về nhà, phần đông tìm gia sư online để dạy và học qua các phần mềm trực tuyến.

Có con đang học lớp 12 tại Trường THPT Phước Kiển, H.Nhà Bè, chị Mỹ Hạnh hết sức lo lắng trước việc học trực tuyến của con. Theo chị chia sẻ, con chị bình thường chỉ có học lực khá và không học thêm, trừ môn tiếng Anh. Thế nhưng mấy tuần nay, hỏi gì con cũng lơ ngơ không biết, nói không theo nổi, đặc biệt bốn môn toán, lý, hóa, sinh. Nóng ruột quá, chị gọi điện thoại cho các phụ huynh khác để hỏi thăm tình hình thì được hướng dẫn tìm gia sư online cho con.

Bắt đầu từ hai tuần trước, ngoài giờ học trên truyền hình, con chị học qua mạng với gia sư. “Hiện tại, con học với ba gia sư. Một người dạy chung cả ba môn toán, lý, hóa; một người dạy sinh và một người dạy tiếng Anh. Con có thể học bất cứ lúc nào trong ngày. Hễ bí chỗ nào là nhắn tin hỏi thầy, thầy rảnh thì mở máy lên và trao đổi qua phần mềm trực tuyến. Tạm thời phải chấp nhận cách này vì không có cách nào tốt hơn để con không bị đuối”, chị Mỹ Hạnh cho biết.

Là GV lâu năm tại trung tâm dạy thêm Thăng Long (Q.Tân Bình), cô Nguyễn Thu Tâm kể, từ trước Tết đến nay, cô phải ở nhà vì trung tâm không hoạt động. Thế nhưng, từ khi thành phố quyết định cho HS học trực tuyến kiến thức mới của học kỳ II, nhiều phụ huynh đã liên lạc nhờ cô hỗ trợ. Vì hạn chế đi lại nên cô chỉ nhận lời dạy qua mạng.

Hiện tại mỗi ngày, cô dạy bốn HS, giờ giấc thoải mái và cũng chỉ dạy thông qua phần mềm gọi video của Facebook. “Thường thì tôi sẽ giảng lại phần lý thuyết HS đã học qua truyền hình, sau đó giao bài tập. Giao bài tập xong, tôi dừng online với HS này để kết nối với HS khác, rồi mới quay trở lại giải quyết vấn đề khi HS đã làm xong bài tập trong thời gian quy định”, cô cho biết.

Lý giải việc cũng học online, tại sao không hỏi GV của lớp mình mà phải cần đến gia sư, bạn H. Minh, HS lớp 12 Trường THPT Phước Kiển, H.Nhà Bè, nói: “Nếu chỉ có một vài chỗ không hiểu thì tôi có thể hỏi thầy cô của mình để được giải đáp. Đằng này, tôi thấy kiến thức mông lung, không biết hỏi từ đâu. Khi học với gia sư online, tôi thoải mái hơn nhiều vì có thể yêu cầu giảng lại từ đầu”. 

Dạy trực tuyến chỉ hiệu quả với lớp không quá đông

Học trực tuyến, không phải HS nào cũng tiếp thu được và sự kiểm tra giữa GV đối với HS không phải lúc nào cũng thực hiện được. Theo tôi, dạy học trực tuyến chỉ thật sự hiệu quả với lớp học không quá đông, có sự phân loại HS, có sự kết hợp giữa GV chủ nhiệm với GV bộ môn. Do đó, yêu cầu quan trọng nhất là GV phải bám sát, nắm chắc và phân loại HS. GV phải có trình độ nhất định về công nghệ thông tin. Từ đó, linh hoạt trong việc thiết kế, tổ chức bài giảng để làm sao có thể dạy theo khả năng HS. Với những bạn chưa nắm được gì, không có cách nào khác là “cầm tay chỉ việc” từng nội dung một.

Điều quan trọng không kém là sự tự giác của HS. Đối với HS không tự giác thì việc phối hợp giữa GV chủ nhiệm và phụ huynh hết sức quan trọng trong việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; đồng thời có sự hỗ trợ thường xuyên của GV chủ nhiệm và cán sự lớp thì việc học trực tuyến mới có kết quả, còn không thì chỉ giống như “cưỡi ngựa xem hoa”.

Cô Lê Thúy Hòa, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Thái Bình, Q.Tân Bình

Thu Lê

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI