Tử tù hiến tạng: Tôn trọng nhưng không thể

13/07/2018 - 08:15

PNO - Một tử tù nhận thức được và hối hận về tội ác của mình, đó là điều vẫn xảy ra. Bất kể hành vi phạm tội xảy ra do động cơ nào thúc đẩy, thì việc ăn năn về tội ác cho thấy tính người vẫn còn đó.

Việc phải cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội theo phán quyết của tòa án, là cái giá phải trả cho tội ác. Và với sự dẫn dắt của ánh sáng lương tri, việc một tử tù mong muốn được hiến tạng để được chết thanh thản là một điều tốt đẹp còn lại của tính người. 

Nhưng trên thực tế, việc hiến tạng của tử tù không thể xảy ra, vì ba lẽ.

Thứ nhất, về khoa học y tế, theo các nhà chuyên môn có uy tín, tạng được cho phải còn nguyên vẹn và lấy từ cơ thể người tim đã ngừng đập hoàn toàn. Trong vòng tối đa 45 phút, phần tạng từ cơ thể người hiến phải được lấy ra tại các cơ sở y tế có đủ chuyên môn và điều kiện. Theo quy định về thi hành án tử hình của pháp luật Việt Nam hiện hành, hình thức thực thi là tiêm thuốc độc vào cơ thể tử tù.

Tu tu hien tang: Ton trong nhung khong the
 

Việc thi hành án được coi là hoàn tất khi bác sĩ xác định tử tù đã chết. Chắc chắn, việc tiêm thuốc độc sẽ làm toàn bộ cơ thể và nội tạng tử tù nhiễm độc. Đã nhiễm độc thì không còn nguyên vẹn, không đảm bảo các chức năng sinh lý tự nhiên để tái sử dụng. Nội tạng bị hủy hoại ấy không thể cấy ghép cho người bệnh. Một thực tế khác là đa số tử tù đều mang các mầm bệnh nguy hiểm. Việc sàng lọc để có nội tạng có đủ tiêu chuẩn cấy ghép từ tử tù sẽ quá phức tạp. 

Thứ hai, về pháp lý. Pháp luật Việt Nam hiện hành không cấm tử tù hiến tạng. Tử tù cũng là con người, cũng được hiến pháp và pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng. Và hiến pháp quy định rằng, “mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật”.

Hiến tạng là quyền của tử tù. Nhưng như lý do thứ nhất đã dẫn, nội tạng của tử tù sau khi thi hành án không còn phù hợp để sử dụng trong việc cấy ghép. Và quyền cho tạng có thể là chính đáng ấy lại không thể thực thi hợp pháp. Lý do là ngay cả việc cho nội tạng có được tử tù cho phép lấy ra trước khi thi hành án, thì cũng phạm luật. Bởi lẽ hành vi lấy tạng người đang sống là phạm tội giết người để lấy nội tạng. Hành vi này bị pháp luật ngăn cấm. Việc sửa luật để đáp ứng nguyện vọng của một thiểu số tử tù là thiếu tính khả thi. 

Tu tu hien tang: Ton trong nhung khong the
 

Thứ ba, về thực tiễn đời sống và tâm linh, hầu hết người bệnh sẽ không sẵn sàng nhận nội tạng của người đã đền tội vì hành vi tội ác. Một số ít bệnh nhân có thể chấp nhận cấy ghép từ nội tạng tử tù, nhưng có thể ám ảnh về tinh thần sau khi ca giải phẫu cấy ghép hoàn tất. Sự ám ảnh có thể đến từ vô thức, hoặc từ thông tin thị phi, bàn tán của những người xung quanh…

Những điều này không thể tiên đoán, nhưng sẽ khiến người nhận tạng dằn vặt, đau khổ. Ngay cả các bác sĩ thực hiện việc ghép tạng cũng bị ngăn cản bởi lựa chọn của quan niệm nhân đạo, đạo đức của cá nhân. Tâm linh còn có những bí ẩn không thể giải thích bằng logic lý tính. Dù xã hội hiện thời đã có nhiều khác biệt so với truyền thống, nhưng tập quán văn hóa, thế giới tâm linh phương Đông vẫn là một thực tế không thể bác bỏ. 

Ý nguyện hiến tạng của tử tù dưới góc nhìn nhân bản là đáng tôn trọng. Nhưng ý nguyện đó không khả thi trong điều kiện hiện nay. 

Vũ Bách

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI