Từ Sài Gòn, đi tìm bưởi Tân Triều, chỉ cần 60 phút

15/08/2020 - 08:43

PNO - Trong văn hóa Việt, mỗi dịp lễ lạt đặc biệt, đặc biệt là dịp Tết, bên cạnh hình ảnh những trái dưa hấu, chuối, xoài, đu đủ… dùng trong việc bày mâm ngũ quả thì hình ảnh những trái bưởi xanh ngát mắt cũng không thể thiếu trong mâm cúng lễ, chơi Tết của mỗi gia đình.

Tại Đồng Nai, ba chữ bưởi Tân Triều từ lâu đã trở thành thương hiệu cho trái cây của một vùng đất. Đối với người sành ăn, bưởi Tân Triều trở thành một cái tên quen thuộc, thân thương không chỉ ở vùng đất mà nó còn lan tỏa ra các vùng lân cận như Bình Dương, Sài Gòn, Vũng Tàu. Nhiều người từng biết tới loại bưởi này và cho biết họ nhớ mãi hương vị đặc biệt ấy.

Vì sao bưởi Tân Triều trở nên đặc biệt? Có rất nhiều điều thú vị để khẳng định giá trị đặc biệt của loại trái cây của vùng Đông Nam Bộ này.

Bưởi Tân Triều đặc biệt, trước tiên bởi tên gọi của nó. Bưởi Tân Triều, sinh ra trên vùng đất Tân Triều. Tân Triều, hai chữ gợi lên một sự mới mẻ, giàu sức sống. Hiểu là triều đại mới cũng đúng. Bởi Tân Triều gắn với một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Chuyện xưa nhắc lại rằng, vào thế kỷ 18, khi vua Gia Long – Nguyễn Ánh đánh quân Tây Sơn, ông đã cùng với các tùy tùng ở nơi này một thời gian. Từ đó, ông đặt tên vùng đất có lưu dấu chân mình là Tân Triều (nghĩa là triều đại mới).

Nhưng sẽ chỉ là là cái tên bình thường nếu như nó không gắn chặt với những câu chuyện thú vị, gắn chặt với sự đi lên và sinh tồn của con người một vùng đất.

Tới xã Tân Bình – Huyện Vĩnh Cửu – Tỉnh Đồng Nai (từ trung tâm thành phố Biên Hòa đi vào đây khoảng 10km) bạn sẽ thấy một nhà thờ vẫn còn tồn tại, gắn chặt với giai thoại hình thành nên vị ngon ngọt của bưởi nơi đây. Nhà thờ Tân Triều này được xây dựng năm 1689. Cha xứ tại đây lúc đó đã mang hai cây bưởi từ Brazil về nước và ông trồng trước sân của nhà thờ. Cứ vậy, hợp thổ nhưỡng, năm này qua năm khác, hai cây bưởi đặc biệt ấy cho ra rất nhiều hoa trái sum suê. Người dân ăn thấy vị thơm và ngọt đậm, khác hẳn hương vị những trái bưởi thường ăn. Do vậy, họ cùng nhau xin chiết nhánh của hai cây bưởi này về trồng. Cứ vậy, năm tháng qua đi, thoáng chốc làng Tân Triều trở thành làng bưởi Tân Triều bởi khắp nơi trên cù lao ấy là màu xanh rợp của những thân bưởi, cây lá xanh tốt, hoa trái thi nhau đơm trĩu cành.

Cho tới ngày nay, bưởi Tân Triều vẫn tồn tại, giữ phong độ về hương vị của mình trên chính mảnh đất đặc biệt đã khai sinh ra một loại quả ngon nức danh.

Dân gian đặt cho bưởi ở đây những “danh hiệu” rất thú vị và chứa nhiều hàm ý, như: Nức danh tứ tuyệt. Đó nghĩa là 4 đặc điểm không một loại bưởi nào trên đất Việt Nam có: Nhiều nhất, quý nhất, ngon nhất, nức danh nhất. Những danh xưng hoa mỹ tưởng như nên thơ ấy lại là sự thật khi bạn tìm hiểu và thưởng thức bưởi nơi đây, bạn sẽ cảm nhận được vị ngon lạ cũng như hương vị ngọt ngào còn đọng lại ngay cả khi đã ăn xong.

Với sự bồi đắp màu mỡ đặc biệt từ phù sa sông Đồng Nai, bưởi Tân Triều có hương vị không chỉ ngon khác lạ mà còn tạo nên những dòng bưởi khác nhau, mỗi dòng mang một nét riêng trong hương vị của nó. Ví dụ như bưởi đường cam, trái nhỏ xíu, chỉ nhỉnh hơn trái cam và vị ngọt như đường, rất ít đụng phải vị chua khi thưởng thức. Hay những trái bưởi da xanh, ngọt lâu, đậm nước, màu sắc tươi hồng bắt mắt.

Nếu đi dọc các chợ ở Biên Hòa, hay trong tỉnh Đồng Nai, thậm chí ghé chợ ở Bình Dương, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những sạp trái cây bán bưởi Tân Triều. Tưởng như giống bưởi này nhiều đến vậy, nhưng lại không phải vậy. Bưởi Tân Triều thuộc về đất của xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu mới được gọi là chính tông. Xã Tân Bình nằm trên trục chính của một nhánh đường nhỏ với diện tích khá khiêm tốn. Xung quanh hai bên đường, là những hộ gia đình với vườn lớn, có hộ trồng bưởi cả vài ba ngàn mét vuông. Nhưng làng quê yên ả, bé nhỏ ấy lại là nơi đem đi cho đời trái bưởi ngọt ngào khó quên.

Ngày nay, bạn hoàn toàn có thể khám phá làng bưởi này một cách dễ dàng. Nếu từ TPHCM, bạn có thể đi xe máy, chạy chừng 30km là có thể đáp chân vào một khung cảnh thanh bình của làng quê với đặc trưng là bưởi. Chỉ bưởi thôi, thơm nhẹ vấn víu, đưa bạn dừng chân vào tận cổng của nhà thờ Tân Triều, nơi mà ba trăm năm trước, từng hai có hai cây bưởi nặng trĩu cành được người dân nâng niu, chăm bón.

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI