Tự chủ đại học không phải muốn làm gì thì làm

12/11/2020 - 21:33

PNO - Đó là nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm "Tự chủ đại học và những vướng mắc cần tháo gỡ", tổ chức 12/11.

Bỏ chủ quản để hết “vừa đá bóng vừa thổi còi’

GS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) - chia sẻ: "Tự chủ đại học đối với các nước khác là điều thường thấy nhưng Việt Nam lại chưa quen. Đến nay vẫn không dễ thực hiện vì còn vướng tư duy và nhiều ràng buộc pháp lý, do nhiều luật lệ chưa sửa đổi đồng bộ. Tự chủ đặt cho các trường vị trí tự lập, tự vươn lên, không thể ỷ lại vào ngân sách nhà nước. Nếu cứ ỷ lại, các trường phải chịu sự nghèo nàn thường xuyên".

Theo GS Trần Hồng Quân, tự chủ đại học là một chủ trương cách tân lớn về quản lý trên cơ bản là đặt niềm tin và giao trọng trách cho cấp dưới, tháo gỡ nhiều ràng buộc trong quản lý, giao nhiều quyền tự quyết cho các trường, tạo một không gian tự do sáng tạo trong hoạt động học thuật và điều hành nhà trường. Đó là một bước dân chủ hóa giáo dục đại học.

TS
TS Hoàng Đức Long - Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing

Tự chủ đại học được thực hiện trên 4 phương diện: tự chủ về học thuật, tài chính, lao động và tự chủ về tổ chức.

Theo TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch hội đồng Trường ĐH FPT - khi nói đến tự chủ cũng phải quan tâm đến 3 đối tượng: người học, nhà trường, cơ quan quản lý. Quan trọng nhất là lợi ích của người học, tức tự chủ thì người học được lợi gì, nhưng lại chưa được làm rõ.

"Tự chủ cần được hiểu đúng. Tự chủ không phải tự túc, tự lo hoàn toàn. Nhà nước vẫn phải cấp ngân sách, vẫn phải hỗ trợ trường tư dưới dạng hỗ trợ thuế, đất; hỗ trợ trường công dạng đầu tư ban đầu. Anh, Úc, Mỹ có nguồn thu rất lớn nhưng chính phủ các nước này vẫn hỗ trợ các trường vì nó mang lại lợi ích công, mang lại nguồn nhân lực chất lượng cao có lợi cho quốc gia" - TS Trường dẫn chứng.

TS Hoàng Đức Long - Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing - cho rằng, tự chủ phải có hành lang pháp lý rõ ràng.

"Trong thực tế gặp nhiều quy định chồng chéo, nhiều nút thắt được mở nhưng lại gặp vấn đề là con người. Chẳng hạn như các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… Nếu những người thực thi công quyền căn cứ vào pháp luật hiện hành cởi mở hơn với nhà trường thì tốt hơn rất nhiều", ông Long nói.

Đề cập việc nhiều người hay gắn tự chủ với việc bỏ bộ chủ quản, TS Lê Trường Tùng khẳng định, việc bỏ chủ quản không phải là bỏ cơ quan quản lý cấp cao hơn, mà thực chất là để tránh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".

"Tự chủ có thể hiểu là tự quyết và tự túc. Tự quyết phụ thuộc vào hành lang pháp lý và cách hiểu quy tắc "không cấm thì được làm", hay "chưa có hành lang thì chưa được đi", ông Tùng nhấn mạnh.

Thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 99/2019 hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học sửa đổi bổ sung (Luật 34). Tuy nhiên, tự chủ đại học không chỉ thực hiện theo Luật 34 mà còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật tài sản công, Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước, Luật công chức - viên chức…

PGS.TS Vũ Văn Nhiêm - Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Luật TPHCM - cho biết, Luật 34 không phải là văn bản quy phạm pháp luật duy nhất cơ sở giáo dục phải tuân thủ, mà các trường còn chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật tương ứng với lĩnh vực đó.

Trong khi đó, các quy định pháp luật này hiện nay đang có sự không đồng bộ, nhất quán. Vấn đề về tài chính và tài sản là đối tượng điều chỉnh chủ yếu của các luật về tài chính, đầu tư công, kiểm toán, kế toán…

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT,
PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Theo PGS. TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, so với nhiều trường đại học trên thế giới, tự chủ đại học ở Việt Nam không hề thua kém. Đặc biệt là tự chủ học thuật và tự chủ về tổ chức bộ máy theo quy định của Luật 34.

Bên cạnh quyền tự chủ là trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục ban hành các thông tư để hướng dẫn các trường và giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật. Đồng thời cũng sẽ kiến nghị với các bộ ngành, các bộ chủ quản thực hiện đúng quy định của pháp luật về tự chủ đại học.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI