Từ 10/8, doanh nghiệp kê khai giá sữa bán lẻ: Khi nào người mua được lợi?

04/08/2017 - 15:30

PNO - Kể từ ngày 10/8, Thông tư (TT) 08/2017/TT-BCT ngày 26/6/2017 về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ có hiệu lực.

TT lần này đề ra một hướng quản lý mới: tập trung vào quản lý hệ thống phân phối và giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng (NTD). Nhưng liệu NTD có thực sự hưởng lợi?

Im ắng trước giờ G

Theo TT, doanh nghiệp (DN) có quyền tự định giá và chịu trách nhiệm đối với mức giá mặt hàng sữa đã kê khai. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ kiểm tra việc kê khai và thực hiện giá bán. 

Nhiều ý kiến cho rằng, TT 08 vào thực tiễn sẽ đảm bảo được sự minh bạch của thị trường, lợi ích của NTD và sự tôn trọng quyền tự định giá của DN cũng như các nguyên tắc cơ bản khác của nền kinh tế thị trường. 

Tu 10/8, doanh nghiep ke khai gia sua ban le: Khi nao nguoi mua duoc loi?
Với quy định mới này, người tiêu dùng hy vọng mua được sản phẩm sữa với giá hợp lý - ảnh: Nguyễn Cẩm

Còn chưa đến một tuần nữa  TT được áp dụng, nhưng theo P.V ghi nhận, hiện tại giá sữa bán lẻ trên thị trường vẫn im ắng, chưa có sự biến động nào đáng kể. 

Chủ cửa hàng sữa Thanh Thảo (Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM), cho biết: “Chưa có công ty (CT) nào gửi thông báo hay đến làm việc liên quan đến điều chỉnh giá sữa. Hiện nay, giá bán các mặt hàng sữa vẫn không có gì thay đổi so với mấy tháng trước”.

Một số cửa hàng chuyên doanh sữa cho rằng: “Có thể các CT đang chờ xem đối thủ kê khai giá bao nhiêu, chờ tới giờ chót mới ghim giá mới. Nếu giá sữa tăng, đại lý phải tốn vốn nhiều hơn khi nhập hàng chứ mức lợi nhuận vẫn vậy, chỉ có người mua bị thiệt là phải trả tiền nhiều hơn”. 

Khi chúng tôi hỏi “CT đã kê khai và đăng ký giá theo quy định mới chưa và có sự điều chỉnh giá sữa không?” thì nhiều DN né tránh câu trả lời. Riêng đại diện Vinamilk, ông Đỗ Thanh Tuấn cho biết đã kê khai, đăng ký giá sữa với Bộ Công thương và có niêm yết rõ ràng trên website của Bộ Công thương.  

Theo ông Tuấn, “thị trường sữa cạnh tranh rất khốc liệt, DN nào muốn bán được hàng đều phải cân nhắc kỹ và đưa ra mức giá hợp lý cho người tiêu dùng”. 

NTD được lợi gì?

Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày TT này có hiệu lực, các DN sản xuất, nhập khẩu phải thông báo bằng văn bản danh mục giá bán lẻ khuyến nghị đối với các sản phẩm đang bán trên thị trường.

Để phù hợp với thực tế nhưng vẫn bảo đảm sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Công thương đã quy định cho phép DN kê khai các mức giá phù hợp với địa bàn phân phối theo khu vực địa lý nhất định. 

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), TT được thực thi sẽ hạn chế được tình trạng tăng giá bất hợp lý, ảnh hưởng tới quyền lợi NTD. Hơn nữa, nhà sản xuất, nhập khẩu phải chịu trách nhiệm đối với chất lượng và giá hàng hóa đến NTD.

Để phù hợp với thực tế nhưng vẫn bảo đảm sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Công thương đã quy định cho phép DN kê khai các mức giá phù hợp với địa bàn phân phối theo khu vực địa lý nhất định.

Cụ thể như đối với các loại hình phân phối có chi phí bán hàng cao thì thương nhân bán lẻ có thể kê khai giá bán lẻ với cơ quan chức năng theo phân cấp nhưng phải giải trình đẩy đủ, cụ thể chi phí phát sinh này. Liệu đây có phải là “kẽ hở” dễ dẫn đến tình trạng giá sữa kê khai một đằng, bán một nẻo vì Nhà nước đâu thể quản lý được giá bán lẻ ở tận vùng sâu, vùng xa?

Luật gia Phan Việt Thu - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP.HCM, đánh giá: “TT 08 sẽ giữ được giá sữa không tăng bất hợp lý khi thị trường biến động. Còn xét về quyền lợi NTD, DN được quyền định giá SP và kê khai, đăng ký; cơ quan quản lý dựa vào đó để giám sát, kiểm tra chứ không can thiệp, làm rõ được việc định giá sản phẩm có hợp lý hay không, để có một mức giá hợp lý nhất đến tay NTD. Nhà nước cũng chỉ quản lý được theo giá kê khai, đăng ký chứ khó quản lý được giá bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ”.

Thật vậy, một số DN cũng thừa nhận: “Chỉ có thể quản lý được giá sữa bán lẻ tại các điểm phân phối thuộc phạm vi quản lý của CT. Còn ở các điểm bán nhỏ lẻ thì không thể kiểm soát được giá bán lẻ đến tay NTD”. 

Như vậy, dù quy định đã có nhưng xem ra vẫn rất khó thẩm định được tính hợp lý của việc định giá sản phẩm hay quản lý giá bán lẻ đến tay NTD.  

Hạn chế tình trạng đổi mẫu mã rồi đẩy giá lên

Chợ Bình Tây có khoảng 30 sạp kinh doanh sữa, được xem là khu bán sữa lớn nhất- nhì tại TP.HCM. Chị Lan, tiểu thương ngành hàng sữa tại chợ này cho biết: “Việc đăng ký kê khai giá sữa trước khi đến tay người tiêu dùng hy vọng sẽ hạn chế được tình trạng các doanh nghiệp đổi mẫu mã rồi đẩy giá lên”.

Theo chị, từ khi bỏ áp trần giá sữa 4/2017, các hãng sữa tranh thủ đổi mẫu mã, mỗi lần đổi lại tăng giá từ 5 - 8%. Chẳng hạn, Enfamil A+2 360* Brain Plus 900g, công ty niêm yết là 534.000đ/hộp, nhưng sau khi đổi mẫu mã tăng lên 576.000đ/hộp.  

Thực tế, từ chợ sỉ đến các đại lý, hiện giá sữa bán ra luôn thấp hơn so với giá niêm yết của các đại lý lớn, công ty hoặc siêu thị từ 5 - 7%. Chẳng hạn, giá sữa Enfamil A+2 360* Brain Plus 900g niêm yết là 534.000đ/hộp nhưng tại các chợ, đại lý lớn chỉ có giá 500.000 đ/hộp, sau đó tùy theo đại lý cấp 2, 3, 4 mà giá tăng dần bằng với giá niêm yết của công ty. 

Theo các đại lý lớn, thời gian qua, các đoàn liên ngành của quận và TP.HCM hầu hết chỉ kiểm tra giá sữa tại các đại lý lớn, bỏ ngỏ các cửa hàng nhỏ nên người bán ở đây mặc sức hét giá.

Ví dụ như Dutch baby tập đi loại 900g, giá CT đưa ra là 207.920đ/hộp song giá tại một số cửa hàng bán lẻ 233.000đ/hộp. Với sản phẩm sữa ngoại nhập hoặc xách tay, các cửa hàng bán lẻ đua nhau đẩy giá cao 50.000-70.000đ/hộp. 

Thanh Hoa


Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI