TS Nguyễn Hùng Vỹ: Dịch vụ giải nghiệp là 'buôn thần bán thánh' để trục lợi và đẩy người ta vào mê tín

22/03/2019 - 11:30

PNO - Lý thuyết về nghiệp có thể dạy người ta đạo đức, nhưng cũng có thể bị lợi dụng để người ta trục lợi. Hiện tượng đó là “buôn thần bán thánh” để trục lợi và đẩy người ta vào mê tín.

Nhà nghiên cứu văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Hùng Vỹ nhận định về hiện tượng "dịch vụ giải nghiệp":

TS Nguyen Hung Vy: Dich vu giai nghiep la 'buon than ban thanh' de truc loi va day nguoi ta vao me tin
Nhà nghiên cứu văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Hùng Vỹ

Nghiệp là khái niệm Phật giáo. Còn vong, trước đây tam giáo có thực hành, nhưng chủ yếu là Đạo giáo. Trong Phật giáo không có chữ vong, mà chỉ có chữ ma, sau này được Nho giáo, Đạo giáo tiếp nhận. Vong nghĩa là mất, là chết, đi cùng các chữ như vong hồn, vong quốc…

Cái đó thuộc về phía các thầy phù thủy, thầy cúng chứ không thuộc Phật giáo. Nhưng rồi tự nhiên họ kết hợp cái nghiệp Phật giáo với cái vong, mà cũng không giải thích cho nhân dân. Người ta dùng cái đó để dọa. Nói đến nghiệp là người ta sợ, để giải nghiệp thôi.

Như đã nói, thầy cúng, đạo sĩ, phù thủy họ làm việc đó. Ở ta, những người hành nghề đó ngày càng mai một. Nhà chùa thấy dân cần thì họ làm, dần dần thành sự lợi dụng tín ngưỡng. Còn nghiệp trong Phật giáo thì họ coi như là sự tổng hợp giữa hành động của một kiếp nào đó, có ảnh hưởng đến kiếp sau. Trong nghiệp có ác nghiệp và thiện nghiệp. Thiện nghiệp thì được quả tốt, ác nghiệp thì nhận quả xấu, theo thuyết nhân - quả. Khi lợi dụng, họ chỉ nói nghiệp với nghĩa xấu của nó.

Trong lý thuyết nhà Phật, khi nói đến nghiệp là muốn người ta bỏ đi ác nghiệp để hướng tới thiện nghiệp, để người ta sống tử tế hơn, sống có đạo đức, hiếu nghĩa. Mục tiêu là như vậy chứ không phải dùng nghiệp để dọa dẫm, bắt người ta cúng lễ. Đây là hai chuyện khác nhau. Nếu anh làm ác nghiệp sẽ gặp quả báo, làm thiện nghiệp sẽ được phúc. Khi kết hợp vong với nghiệp, người dân không được giải thích. Nghe đến chữ nghiệp là lại phải cúng tế.

TS Nguyen Hung Vy: Dich vu giai nghiep la 'buon than ban thanh' de truc loi va day nguoi ta vao me tin
 

Thế họ mới lợi dụng tín ngưỡng được. Yếu tố đạo đức của nhà Phật đã bị lợi dụng để người dân phải cúng tế, trở thành mê tín. Cũng như là hạt gạo có thể ăn sống được, nhưng hạt gạo mốc có thể khiến người ta ung thư. Lý thuyết về nghiệp có thể dạy người ta đạo đức, nhưng cũng có thể bị lợi dụng để người ta trục lợi. Hiện tượng đó là “buôn thần bán thánh” để trục lợi và đẩy người ta vào mê tín.

Nhiều quốc gia trên thế giới không tin vào nghiệp, vào vong, nhưng họ vẫn phát triển, đời sống của họ có chuẩn hạnh phúc rất cao. Như Phần Lan, Thụy Sĩ, họ có chuẩn hạnh phúc cao như vậy, nhưng họ có tin vào nghiệp đâu, sao mình cứ phải tin vào đó. Người ta làm ra tàu vũ trụ, phát minh ra internet, có phải vong và nghiệp mà thành đâu, mà là thành tựu khoa học kỹ thuật.

Nhiều người đã lợi dụng hai chữ tâm linh. Phật giáo không có khái niệm tâm linh. Đạo giáo không có. Trong Nho giáo thì tâm linh chỉ là trí khôn linh lợi của con người thôi. Ở ta, cách đây vài ba mươi năm, người ta dịch một trong năm chữ tâm linh của tiếng Anh ra chữ tâm linh, trở thành một cái áo để nhét vào đó những cái thiêng liêng và cả mê tín, khi nói chữ tâm linh thì không hiểu nó là thế nào. So khái niệm tiếng Anh và khái niệm tiếng Hán trong đạo Phật thì chữ tâm linh nó ôm quá nhiều thứ, nên không ra một khái niệm nào cả. 

An Vũ (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI