Trụ trì chùa Ba Vàng lý giải về 'dịch vụ giải nghiệp'

22/03/2019 - 11:30

PNO - Từ những lời kể của các “phật tử” được đăng tải trên trang web của chùa Ba Vàng, tất cả đều có niềm tin mù quáng về pháp thỉnh oan gia trái chủ này.

Chiều 21/3, trước sự phẫn nộ của dư luận về “dịch vụ giải nghiệp”, “pháp thỉnh oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh), trụ trì chùa - Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã có buổi thuyết giảng về “thế giới tâm linh”.

“Giải nghiệp” chữa bách bệnh 

Như lý giải trước đó về thuyết pháp này của chùa Ba Vàng, mỗi người mắc bệnh tật, đau đầu, đau bụng, đau ngực hay thậm chí là kém giao tiếp với… quan chức đều do “nghiệp”, do oan gia từ cả chục kiếp trước đi theo báo oán, gây ảnh hưởng đến cơ thể, tâm tính. Cũng vì thế, mỗi người, khi đến chùa Ba Vàng, đều sẽ phải đóng tiền để các “thầy” gọi vong báo oán.

Tru tri chua Ba Vang ly giai ve 'dich vu giai nghiep'
Trụ trì Thích Trúc Thái Minh

Ai muốn “trả nợ” cho vong, phải đóng từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào chùa. Thậm chí, hình thức “trả nợ” cho vong còn tiện lợi đến mức, có thể… trả góp hoặc chuyển khoản. Ai không có tiền, có thể quy nợ thành ngày làm công quả tại chùa.

Từ những lời kể của các “phật tử” được đăng tải trên trang web của chùa Ba Vàng, tất cả đều có niềm tin mù quáng về pháp thỉnh oan gia trái chủ này. Nhiều người đã kể những câu chuyện hết sức kỳ lạ.

Anh Đỗ Văn V. chia sẻ: “Trước đây, khi tôi không hiểu nhiều về các vị quan chức. Mỗi khi có việc phải đến gặp các quan chức, tôi rất ngại và sợ hãi. Khi gần họ, tự nhiên mình mất tự tin. Qua tìm hiểu Phật pháp, tu tập, tôi hiểu được đây là nghiệp của mình. Tôi quyết định thỉnh oan gia trái chủ trên nghiệp này để tu tập. Khi thỉnh thì biết được trong tiền kiếp tôi là một vị quan liêm khiết, nhưng rất bảo thủ, áp đặt, mỗi khi đưa ra chủ trương gì đều không nghe ai và không cho ý kiến mà bắt phải làm theo.

Những người dưới quyền tôi họ rất ức chế, bực tức... Kiếp này tôi được làm người, còn họ vẫn bị đọa trong cõi vong linh. Họ theo báo oán, tác động, làm tôi bị như vậy. Sau khi thỉnh, biết nghiệp, tôi thành tâm sám hối và bắt đầu sửa tâm tính, lắng nghe người khác, để phân biệt thiện-ác, tốt-xấu, thực hành sống có đạo đức, làm phúc, tu tập hồi hướng cho các oan gia trái chủ. Từ đó đến nay khoảng 4 năm, tôi không còn ngại tiếp xúc với quan chức nữa, còn rất thông cảm và gần gũi với họ mỗi khi có duyên, không bị phiền não bực tức với họ nữa”.

Nhiều người khác cũng chia sẻ câu chuyện cá nhân, như để chứng minh sự thần kỳ của pháp thỉnh oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng. Đáng chú ý là, các câu chuyện kể đều được trang web chuabavang.com.vn đăng tải sau khi báo chí vào cuộc, phê phán hành vi mang tính mê tín dị đoan của nơi này.

Nhiều nội dung đăng tải trên website chùa Ba Vàng là những câu chuyện mang tính chất “quảng cáo”, như chuyện cậu bé Lê Trung Tuấn, mắc căn bệnh kỳ lạ với khối u trên mặt. Giải thích cho căn bệnh này, trang web chùa Ba Vàng cho rằng, do cháu Tuấn kiếp trước làm đồ tể sát sinh, kiếp này phải mang khuôn mặt hình thù giống trâu!

Tru tri chua Ba Vang ly giai ve 'dich vu giai nghiep'

Hình ảnh cháu Tuấn đến tu tập tại chùa Ba Vàng

Dù Tuấn đã đi nhiều bệnh viện, được các bác sĩ kết luận u não ác tính, sự sống chỉ còn tính từng giờ; nhưng nhờ tu tập “chuyển nghiệp” nên sức khỏe tốt hơn. Thực chất, qua sự kêu gọi của báo chí, cháu Tuấn đã được chuyên gia ung bướu McKay McKinnon và giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm phẫu thuật miễn phí 100%. 

“Cúng dường là tự nguyện”

Trong buổi “nói chuyện” được trình chiếu trực tuyến trên mạng, Đại đức Thích Trúc Thái Minh cho rằng, nhiều người chưa tin về tâm linh là vì “chưa thấy hoặc không thấy”, không thể nói là không có thế giới tâm linh. Thậm chí, vị trụ trì này còn hỏi vặn: “Ai dám đứng tại đây thề không có giới tâm linh không?”. Để thêm sức nặng cho lời giải thích về thế giới tâm linh, vị Đại đức này đã trích dẫn một loạt dẫn chứng trong kinh Phật, có nhắc đến ngạ quỷ, tâm linh…

Ông Minh nhấn mạnh: "Cúng dường hoàn toàn là tự nguyện, không ép buộc. Nhà chùa có bắt cúng đâu, cũng đâu có ép làm công ở chùa. Nhà chùa không có hù dọa hay ép buộc phải cúng hay làm công quả cho nhà chùa".

Có thể khởi tố tội mê tín

Nói về vụ ồn ào tại chùa Ba Vàng, luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hành nghề mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng, theo khoản 2 - 3, điều 320, Bộ luật Hình sự. Luật sư Thiệp phân tích: “Các hoạt động như thỉnh vong, gọi hồn tại ngôi chùa này, ai muốn thoát nạn thì phải “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, thông qua hình thức công đức vào nhà chùa, đều là hoạt động mê tín dị đoan nhằm trục lợi. Trừ khi người truyền bá có bệnh lý tâm thần, còn nếu hoàn toàn tỉnh táo thì đủ dấu hiệu cấu thành tội hành nghề mê tín, dị đoan và thậm chí là tội cưỡng đoạt tài sản".

Cũng theo ông Thiệp, bà Phạm Thị Yến (một cư sĩ tại chùa Ba Vàng - người từng có những phát ngôn gây sốc về vụ nữ sinh ship gà bị sát hại hay cho rằng, những liệt sĩ hy sinh là mắc nghiệp từ nhiều kiếp trước) đã tổ chức buổi thỉnh vong tại chùa. Người phụ nữ này đã sử dụng nhiều hành vi khác nhau, lợi dụng niềm tin tôn giáo để uy hiếp tinh thần, làm cho người nghe sợ hãi, nên đã dịch chuyển tài sản của họ (tiền mặt) sang cho chính người đã dùng các hành vi đe dọa đó, cụ thể là bà Yến.

"Đó là hành vi khách quan, rõ ràng nhất, minh chứng cho việc bà này trục lợi trong vụ việc này. Tiền do các "nạn nhân" nộp, dù được dùng để làm gì, cũng không ảnh hưởng đến mục đích phạm tội” - ông Thiệp khẳng định.

Theo luật sư Thiệp, tội Hành nghề mê tín dị đoan không phải là tội khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Tội danh này được phát hiện, khởi tố, nhằm bảo vệ trật tự xã hội, giữ gìn niềm tin tôn giáo của nhân dân. Do đó, khi việc truyền bá mê tín làm ảnh hưởng đến trật tự, trị an, các cơ quan chức năng cần khởi tố, xử lý nghiêm. 

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI