Truyền thuyết về công chúa Kaguya: Câu chuyện huyền ảo về lẽ được-mất

27/03/2020 - 19:48

PNO - Thế nào là hạnh phúc? Đủ đầy đến mức thừa mứa trong sự bó buộc, giam cầm của lễ nghi hay thong dong làm những điều mình thích?

Công chúa Kaguya, còn được biết đến với tên gọi Nàng Tiên ống tre (hay Nàng Út ống tre) ra đời vào thế kỷ thứ X và được xem là một trong những tác phẩm văn chương cổ nhất Nhật Bản chứa đựng minh triết của người xưa về hạnh phúc, về lẽ được mất. Chính bởi sự đặc sắc và thâm thúy trong chủ đề, chuyện về công chúa Kaguya từng nhiều lần được chuyển thể thành truyện tranh, kịch, phim. 

Theo Japan Today, từ năm 1974 đến nay, đã có 19 phim và truyện lấy cảm hứng hoặc mượn nhân vật từ truyện cổ này để nói chuyện thời hiện đại. Bản chuyển thể điện ảnh The Tale of The Princess Kaguya (tựa Việt: Câu chuyện về công chúa Kaguya) của đạo diễn Isao Takahata, hãng Ghibli sản xuất là bộ phim mới nhất. 

Những mảng màu được tiết chế, khung hình có sự cân đối, nét vẽ biểu cảm mang đến cho bộ phim những sáng tạo đột phá về mặt hình ảnh, từ cảnh hoang sơ nơi rừng núi cho đến cảnh u trầm nơi cung điện. Nét vẽ Kaguya tập trung vào hai biểu cảm chính. Một loại gồm những đường nét thanh mảnh khi muốn tạo cho nhân vật vẻ yêu kiều. Loại thứ hai là những nét phóng khoáng rộng tay khi nhà làm phim nhấn vào tính cách hồn nhiên của Kaguya.

Đạo diễn Takahata gần như giữ nguyên hồn cốt của truyện cổ. Kaguya được sinh ra từ ống tre và trở thành con của vợ chồng lão tiều phu hiếm muộn. Dù cuộc sống nghèo khó nhưng vợ chồng ông hết lòng yêu thương, dành mọi điều tốt đẹp nhất cho cô bé. Trong khi lũ trẻ làng gọi Kaguya là “mắt tre” vì cô quá nhỏ nhắn thì ông lão luôn nâng niu, gọi con là “công chúa”.

Một ngày nọ, đang đốn tre trong rừng, ông phát hiện ra những tia sáng vàng rực rỡ. Từ đó, mỗi lần ông lên rừng đốn tre thì vàng, quần áo đẹp ào ào tuôn ra. Tin tưởng con là công chúa và muốn con có được cuộc sống đẹp đẽ, no đủ, ông lão dùng số tiền đó dựng phủ nguy nga, tráng lệ, may quần áo đẹp, tìm người dạy lễ nghi cho con. Khi Kaguya lớn hơn một chút, cô buộc phải theo cha mẹ lên kinh.

Kết quả hình ảnh cho The Tale of The Princess Kaguya

Tuy nhiên, Takahata đã rất khéo léo xen vào mạch câu chuyện cổ ấy những suy nghĩ của ông về hạnh phúc, về được và mất. Cuộc sống nhung lụa của Kaguya nơi kinh thành đầy sang trọng, quyền quý không làm cô vơi bớt nỗi nhớ tháng ngày hồn nhiên, rong chơi nơi núi rừng cùng lũ trẻ làng, lén trộm một quả dưa hay cả đám cùng nhau bắt một con chim trĩ.

Thế nào là hạnh phúc? Đủ đầy đến mức thừa mứa trong sự bó buộc, giam cầm của lễ nghi hay thong dong làm những điều mình thích? Những ông bố bà mẹ luôn nghĩ bản thân mang những điều tốt nhất cho con cái mà quên hỏi chúng thực sự cần gì, liệu điều ta mang đến có đang dần “giết” chết tâm hồn chúng? Những đứa trẻ phản kháng, chống đối lại bố mẹ vì bị ép buộc đã lúc nào nghĩ đến nỗi lo lắng, tâm tư của người làm cha làm mẹ?

Việc Kaguya đưa điều kiện chỉ bằng lòng kết hôn với người có thể tìm được món lễ vật như lời năm vị vương tôn công tử tán dương nhan sắc nàng không chỉ là thử thách về lòng chân thành trong tình yêu, nó còn vạch trần sự giả trá, ham mê chiếm lĩnh cái đẹp của con người hòng biến chúng thành món đồ trang trí và thỏa mãn sự hơn thua.

Kaguya từ bỏ cõi tiên xuống trần để tìm kiếm sự thiện lương, thuần khiết của tâm hồn con người. Khi nàng nhận ra sự giả dối được khoác lớp vỏ lộng lẫy nhất, tâm tư nàng đớn đau và bật lên lời khẩn cầu được trở về nơi chốn nàng thuộc về. Lão tiều phu lúc này mới thấu hiểu sự được và mất. Tin là, nếu thời gian quay trở lại, ông sẽ chẳng bao giờ bắt Kaguya rời làng quê hay ép gả con vào chốn danh gia. Nhưng ai có thể biết trước được tương lai? 

Và hành trình của Kaguya chính là hành trình đưa người xem tìm lại những điều tốt đẹp nhất trong mình.

Minh Nguyễn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI