Truyện ngắn - Chuộc lỗi

10/09/2023 - 17:50

PNO - Bữa đó hội thao các huyện miền núi, người làng đổ lên thị trấn chơi, nhiều gia đình đùm túm cắm trại trên sân vận động đã được ban tổ chức bố trí sẵn cho ai muốn ở lại qua đêm. Trong dòng đi rộn ràng, có một người ngược đường trở về làng. Là chị Trâm.

Chị khựng lại hồi lâu phía bên kia cầu Gò Bồi. Cũng phải thôi, ngày chị đi, cây cầu vẫn chưa được ai nghĩ tới, huống chi thành hình bê tông kiên cố với hệ thống đèn năng lượng mặt trời hiện đại như giờ. Tôi chạy xe hướng thị trấn đã lướt qua chị một đoạn, vì lẽ gì mà quay đầu thì không rõ, chỉ biết bất chợt cảm giác thân quen nhoi nhói bỗng trồi lên thôi thúc. Trâm phớt lờ những dò hỏi ngập ngừng từ phía tôi, lững thững đi như thể người vừa cất tiếng không tồn tại. Bất chấp thái độ lạnh lùng của Trâm, lòng tôi dậy lên háo hức kể từ khi căn nhà giữa làng Bồi lại mở cửa. Má tôi hình như cũng vui. Bà ghé Bồi nhiều hơn, thỉnh thoảng còn ngồi nói chuyện với Trâm thật lâu. Có cuộc chuyện trò nào nhắc tên tôi không? 

Sự lặng thinh luôn gây ra trạng thái mù mờ tuyệt vọng, phải chi Trâm chửi rủa, như Hà An đã từng. Đằng này là thinh lặng tuyệt đối. Có lần, mới nửa buổi đã mưa, tôi cố tình chàng ràng ngoài hiên, giả đò nấn ná hòng mong chị gọi vô nhà biểu ngồi đâu đó chờ tạnh rồi về. Nhưng Trâm, như thường lệ, lơ đễnh nhìn màn nước, bâng quơ lo đám dâu ngoài nà bị lạnh. Thiệt, thời buổi này hiếm thấy ai yêu dâu, thương tằm như Trâm. Chị cặm cụi ngoài nà dâu và thủ thỉ bên tụi tằm còn nhiều hơn chuyện trò với con người. 

Tranh của họa sĩ Phương Hoa
Tranh của họa sĩ Phương Hoa

***
Về làng bữa trước, bữa sau Trâm đã đẩy xe xới cỏ cú xuống nà. Dọc mấy ngôi làng ven sông này, những người trẻ đã ra đi, những đứa trẻ khác lớn lên rồi cũng bay nhảy thị thành, có mấy đứa chịu trải đời nghề nông trồng dâu nuôi tằm như thuở ông bà, cha mẹ. Chị Hai, chị Ba tôi, những đứa trẻ của ngày xưa như tôi, mỗi mùa đi dưới nắng lặt lá dâu non đều tít mắt cười, hẹn chắc nịch mai mốt lớn lên trồng dâu, nuôi tằm, học thêm nghề dệt lụa. Rốt cuộc, chính các chị tôi mở đầu cho một thế hệ thanh niên rời làng tha phương. 

Trâm bỏ ngoài tai hết thảy ý bàn ra, làm việc của mình cần mẫn từ năm này qua năm khác. Tôi đứng phía xa ngó chị cắm xuống bãi bồi phù sa những hàng dài hom giống dâu, xúc động như thấy lại má tôi, cô dì tôi năm nào. Làng Gò quê tôi sát bên Bồi, nghe đâu thuở xưa đó là 2 ngôi làng nức tiếng về nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Năm đi tháng chạy, khi thế hệ tôi bắt đầu lớn lên cũng là lúc thời thế đổi khác, làng dần lụt nghề, nà ngoài sông bỏ trống, người cũng đâm ra bê trễ. “Tại vì sống không được với nghề” - má tôi chua chát kết luận. Ngay như má đã dành ngót nghét 30 năm trên những nà dâu và lần lữa trước những cuộc rời đi của người làng mà rồi cũng đành bỏ. Khi cây cầu bê tông Gò Bồi được xây nối nhịp thị trấn với làng, má mở vựa thu mua các loại đậu bán lại cho người phố làm bánh. Tôi vụng về và ương bướng, tuổi thiếu niên thêm một chút bất cần hoang dại thành ra thấy cái sự buồn nghề của má lạ lẫm. Như một bữa, trưa trật trưa trờ, má cắp nón xuống nà. Cát nóng hừng hực, bà đạp phăng phăng ngay hàng thẳng lối y như đang hái dâu. Tôi rượt theo: “Má làm chi rứa?”. Bà không đáp, cứ nhằm lối nà mà bước. Rồi những chạng vạng cuối Chạp, giữa cái lạnh cắt da tái tê, má ngồi im lìm ngoài bến đợi. 

Mà, có còn đò đâu để đợi, má ơi! 

Xưa, từ 2 làng Gò, Bồi lên thị trấn chỉ có duy nhất 1 tuyến đường, là sông. Bác Bảy Mến - ba của chị Trâm - và ba tôi hợp thành 2 người chèo đò bến Gò Bồi. Ba tôi lực lưỡng với làn da đen trũi. Ba chèo đò đưa khách qua sông lên chợ thị trấn. Công việc lặp lại mỗi ngày nhưng thể nào mỗi ngày trở về nhà, ba cũng mang theo thứ gì đó ngon lành cho đàn con. Lần hồi về sau, càng lớn, tôi càng băn khoăn. Những mảnh ký ức yên bình đó là của riêng mình hay ai khác, chẳng hạn Hà An - em trai Trâm - và cũng có thể chính là Trâm? Bác Bảy Mến thân với ba tôi lắm, vậy mà tôi đã cướp mất khung trời yên bình của gia đình Trâm và chính gia đình tôi. 

***
Khi trò chơi điện tử bắt đầu có mặt tại thị trấn, tôi ôm rịt quả trứng Tamagotchi tới trường. Biết đó chỉ là thú cưng ảo nhưng quá trình nuôi một con vật bé nhỏ, chăm chút nó, giữ cho nó một vòng đời rực rỡ kéo dài những điều vui vẻ như cách người làng nuôi tụi tằm trên nong tới ngày chúng nhả tơ khiến tôi mê mẩn. Rất nhanh sau giai đoạn non nớt nghịch ngợm quả trứng, tôi chúi đầu trong tiệm net gần trường quên ăn quên học để chơi mấy trò phá đảo trực tuyến. Hồi ấy, tôi hãy còn là cậu học trò tò mò bồng bột, làm sao biết được nó sẽ hủy hoại mình tới đâu.

Tiền ba má cho ăn vặt không đủ trả hàng chục giờ đồng hồ mài mòn ghế tiệm net, vậy là tôi bày trò. Tôi biết chính xác hòm tôn cất tiền khách đi đò mỗi ngày bác Bảy Mến và ba tôi để chỗ nào. 2 người đàn ông không lơi tay chèo phút giây nào, thành ra tiền kiếm được cũng khá. Ba tôi thương con nhưng rất nghiêm. Tôi sợ ánh mắt giận dữ của ông. Hơn hết, tôi biết rằng ăn trộm không phải là hành động tốt đẹp, lỡ bị phát giác có khi phải ra khỏi nhà. Một đứa học trò cấp II thì đi đâu nếu không có tiền, không có người thân? Vậy nên, tôi dòm ngó hòm tôn bác Bảy Mến. Giả sử ông bắt quả tang, tôi sẽ khóc xin tha, hứa sau này lớn lên làm ra tiền gửi trả lại.

Bác Bảy Mến rất hiền, lại thương tôi… Ban đầu tôi chỉ mó tay vào những tờ tiền lẻ nhăn nhúm trong tâm trạng hồi hộp xen lẫn phấn khích. Lâu dần, tôi bạo gan hơn. Cũng có thể do tôi mê làm anh hùng quá. Mấy vụ đánh nhau trong trò chơi khiến tôi cho là mình quan trọng. Cứ vậy, đầu óc tôi bay bổng đầy kích thích. 

Chị Trâm phát hiện hành động tội lỗi của tôi đầu tiên. Mà biết đâu cũng có thể là bác Bảy Mến, chỉ là ông mắt nhắm mắt mở cho qua - sau này tôi nghĩ vậy. Đập con heo đất, chị vuốt thẳng từng tờ tiền lẻ xếp thành nắm đưa cho tôi, biểu tôi bỏ lại vô hòm tôn và từ giờ đừng vậy nữa. Đã ăn cắp còn tự ái, tôi gạt xấp tiền bay tung tóe, bỏ đi một nước sau màn quát Trâm đừng ỷ mình có tiền bày đặt làm cao. Đã chuẩn bị tinh thần đón nhận một trận đòn nhớ đời nhưng sáng, trưa và tối, ngày trôi qua dằng dặc mà vẫn không có roi vọt nào vung lên. Tôi đắc chí, vậy ra con nhỏ đó sợ mình. 

Cơn phấn khích chiến thắng chỉ kéo dài vài ngày ngắn ngủi. Thầy chủ nhiệm gửi thư mời ba má tôi lên trường. Lực học của tôi giảm sút. Có những bài toán rõ ràng đâu quá khó nhưng tôi giải miết không ra. Tôi vắng mặt trong các buổi lao động của lớp, kèm theo lá đơn báo bệnh có chữ ký của ba hẳn hoi. Và, dù là thành viên đội cờ đỏ, tôi thường xuyên đi trễ, về sớm. Thầy đã nhỏ nhẹ hỏi dò xem ở nhà có xảy ra chuyện gì hay sức khỏe tôi ổn không. Vụ việc vậy là đổ bể, kể cả chuyện tôi trộm tiền của bác Bảy Mến.

Ba tôi nhất quyết lôi thằng con trời đánh tới ủy ban xã. Ông nấc lên từng chập trong lúc kéo tôi xềnh xệch lên bến đò Gò Bồi. Bởi biết ba chưa bao giờ nói lại lần thứ hai một việc dự tính làm, người tôi co rúm, trộm nghĩ không biết mình có phải đi tù. Nếu đi tù, cuộc đời tôi coi như chấm hết. Bác Bảy Mến ào theo níu ba tôi lại. Ông đinh ninh đứa trẻ này còn cải tạo được. Có thiệt vậy không, tôi tự hỏi mà câu trả lời chưa bao giờ tới. Đêm đó, tôi xô đò chèo hướng thị trấn, nhập hội với đám bạn quen trong tiệm net nhảy xe xuống Hà Lam. Thật lòng, tôi không biết xuống đó rồi làm gì tiếp theo, chỉ là cứ đi vậy thôi. 

***
Mùa thu hoạch lá dâu non đầu tiên trên nà của Trâm gây nên cơn xáo động giữa mấy ngôi làng đã bỏ tằm tang từ lâu. Bà con tìm tới ngó nghiêng, có người chưng hửng tưởng con nhỏ quơ quào cho đỡ nhớ chút thôi, đâu có ngờ. Tôi rón rén chứng kiến Trâm đốc thúc thợ xây nhà nuôi tằm trong khoảng vườn bỏ trống, lòng reo vui trước âm thanh rào rào trên nong mỗi đợt tụi tằm ăn rỗi và bặm môi nghe chị thủ thỉ với chúng chuyện thời tiết trên ti vi, chuyện nà dâu đã trải dài ngăn ngắt xanh thêm một đoạn, chuyện Hà An lên làm chỉ huy trưởng dự án xây dựng đường vành đai phía Nam.

Còn Trâm đã lấy bằng kỹ sư nông nghiệp, nghe đâu được cả học bổng thạc sĩ bên Úc. Ai biết chuyện cũng coi đó là một tương lai sáng bừng và tặc lưỡi chê chị dại khi chọn về làng làm nông. Nhiều người khuyên Trâm nghĩ lại. Nhiều người khác tiếc hùi hụi vì chị bỏ qua cơ hội. Mặc ai nói gì thì nói, với riêng tôi, được gặp lại chị, lòng tôi cứ reo mừng trong tội lỗi.

Hồi còn ở làng, lần nào thấy mặt tôi, Hà An cũng khóc. Thường thì nó im lặng thút thít đi qua nhưng có một lần, hình như không muốn kiềm lòng nữa, nó xô tôi té chúi nhủi, vừa khóc vừa nấc: “Tại mi mà ba tao chết”. Đoạn phim quay chậm cảnh Hà An mếu máo với ánh mắt căm giận chạy rần rần trong đầu tôi qua tháng qua năm, theo luôn vào trong từng giấc ngủ. Thậm chí đến tận bây giờ, không ít khoảnh khắc tôi còn giật mình giữa ban ngày. 

***
Nối gót Trâm, má tôi gầy lại nà dâu. Thành thật mà nói, tôi rất muốn can bởi bà đã mệt nhiều rồi. Tôi ở lại làng choàng phần chạy chợ, thu gom đậu cốt để má thảnh thơi. Tôi âm thầm chăm bẵm hàng rào dâm bụt trước nhà Trâm nhưng không lần nào dám mở cửa. Tôi sợ sẽ thấy bác Bảy Mến cười hiền ngoắt tay kêu vô đây ăn chén xu xoa cho mát. Người làng chép miệng chắc thằng nhỏ muốn chuộc tội.

Tôi biết mình không đáng, cũng không có quyền nói về sự hối hận. Nhưng giờ, lòng tôi phớt lờ lý trí. Trâm trồng xen đậu xanh, đậu đen ngoài nà dâu, má tôi cũng làm y vậy. Bà còn là chủ vựa thu mua đậu nên tôi rất có lý do để được gặp chị. Má buồn, tôi biết mà không cách chi an ủi được. Tại vì tôi lỡ thương Trâm rồi. Tôi thương người con gái làng Bồi mà má đã chốt hạ sẽ chẳng bao giờ đoái hoài tới tôi, sẽ chỉ thấy từ tôi mất mát. 

Năm đó, chị Trâm 16 tuổi, tôi 14, Hà An 11. Từ tờ mờ sáng, không chỉ ba má tôi, bác Bảy Mến cũng hộc tốc đi tìm đứa trẻ ngỗ ngược. Có lẽ ông tự trách mình đã làm ngơ vụ trộm tiền khiến mọi thứ rối tung lên. Phải chi bác Bảy Mến đừng tìm tôi. Phải chi phát hiện ra tôi dưới Hà Lam đói lả là ai khác chứ không phải bác Bảy Mến. Phải chi tôi đừng che đậy cảm giác sợ hãi của mình bằng một cuộc rời đi bốc đồng. À, mà không, phải chi tôi đừng mê trò chơi trực tuyến. Trước bữa xa làng, Hà An nói nó hận tôi tới kiếp sau chưa hết. Tôi cũng hận tôi, huống chi… 

Ngày bác Bảy Mến đưa tôi về, mưa gió thình lình cắt dọc cắt ngang. Chiếc xe đò vòng vèo qua nhiều khúc cua tay áo rồi lao thẳng xuống vực. Tôi nằm đó, dưới thẳm sâu hun hút gió trong vòng tay rắn rỏi choàng qua đầu ôm rịt chở che. 

2 năm sau ngày bác Bảy Mến mất, má Trâm cũng ra đi vì suy tim cấp. Hà An phải xuống Trà Quế sống cùng gia đình người cậu, còn Trâm vô miền Nam với cô Út. Ba tôi thường gục mặt trước bến đò Gò Bồi mỗi hoàng hôn xuống. Ông không đánh, không la, cũng không nhắc nhở gì tôi, dù là trong cơn hấp hối. Với tôi, đó là sự trừng phạt kéo dài vĩnh viễn.

***
Một bữa, tôi bàn: “Hay con dồn vốn làm đầu nậu thu mua tằm kén khắp mấy làng mình?”. Má không nói không rằng, cầm chổi rượt tôi tuốt luốt qua Bồi. 2 má con đứng chết trân trên bến sông trước những bóng nón nhấp nhô giữa ngăn ngắt xanh dâu. Để lòng dịu lại hay có lẽ vì sợ, tôi giả đò té kềnh ra đất, không biết rằng Trâm đã thấy má. Chị giở nón lá vẫy vẫy, nheo mắt cười với bà. Má đột ngột ngồi thụp xuống choàng tay ôm lấy tôi rấm rứt. Không biết má nghĩ gì lúc đó. Và, tôi nữa, dù trốn chạy cách nào, tôi vẫn lại thấy tôi dưới vực giữa hun hút gió trong vòng tay rắn rỏi choàng qua đầu ôm rịt chở che. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI