Trường phổ thông vẫn loay hoay phổ cập AI

14/05/2025 - 06:35

PNO - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang định hình lại cách học tập và làm việc nhưng việc tiếp cận và ứng dụng AI trong các trường phổ thông vẫn còn hạn chế. Bên cạnh một số ít trường khai thác AI như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc dạy và học thì đa số trường vẫn loay hoay với AI do thiếu kiến thức, thiếu công cụ, thiếu định hướng.

Chỉ 28,14% học sinh tiếp cận AI qua thầy cô

Theo các chuyên gia, giáo viên phải là người định hướng cho học sinh cách tư duy và sử dụng AI nhân văn, sáng suốt ẢNH: TRANG THƯ (Trong ảnh: Thầy trò Trường THCS Cầu Kiệu, quận Phú Nhuận, TPHCM trong giờ học công nghệ thông tin)
Theo các chuyên gia, giáo viên phải là người định hướng cho học sinh cách tư duy và sử dụng AI nhân văn, sáng suốt - Ảnh: Trang Thư (Trong ảnh: Thầy trò Trường THCS Cầu Kiệu, quận Phú Nhuận, TPHCM trong giờ học công nghệ thông tin)

Năm học 2024-2025, Microsoft toàn cầu công bố danh sách 18 “trường học điển hình và ươm tạo” tại Việt Nam. Trường THPT Võ Thành Trinh (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) là trường công lập duy nhất trên cả nước đạt danh hiệu này suốt 4 năm liên tiếp. Trường THPT Võ Thành Trinh cũng có đội thi lọt vào tốp 20 Imagine Cup Junior 2024 - cuộc thi do Microsoft tổ chức dành cho học sinh (HS) phổ thông nhằm khuyến khích giới trẻ sử dụng công nghệ AI.

Thầy Trần Nguyễn Khái Hưng - Hiệu trưởng trường này - cho hay, ông luôn quan tâm đến vấn đề cá nhân hóa việc học tập của HS. Trí tuệ nhân tạo mang đến cơ hội học tập được cá nhân hóa, giúp HS tự học tùy theo khả năng của mình. Giáo án có thể thay đổi tùy theo mức độ hay tốc độ học tập của HS, dựa trên phân tích từ AI để điều chỉnh nội dung học phù hợp, giúp tối ưu hóa hiệu quả tiếp thu của từng HS.

Trên cả nước, nhiều trường phổ thông đã bắt đầu đưa AI vào giảng dạy. Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) đã thí điểm dạy AI hơn 4 năm qua. Từ năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT TPHCM bắt đầu triển khai việc giảng dạy AI trong các trường phổ thông, tổ chức các câu lạc bộ AI giúp HS trung học làm quen với khái niệm và thuật ngữ AI, dạy HS tiểu học cách sử dụng các công cụ AI đơn giản. Sở GD-ĐT TPHCM cũng đặt hàng Trường đại học Sài Gòn xây dựng nội dung giảng dạy AI cho HS phổ thông, bắt đầu từ lớp Ba. Sở GD-ĐT TP Hà Nội cũng thí điểm dạy AI trong 5 trường.

Thầy, trò và phụ huynh học sinh Trường THPT  Võ Thành Trinh, tỉnh An Giang trong lễ trao thưởng cuộc thi Imagine Cup Junior 2024 - ẢNH: M.T.
Thầy, trò và phụ huynh học sinh Trường THPT Võ Thành Trinh, tỉnh An Giang trong lễ trao thưởng cuộc thi Imagine Cup Junior 2024 - Ảnh: M.T.

Các sở GD-ĐT trên cả nước đã và đang tổ chức các khóa tập huấn trực tuyến và trực tiếp về AI cho giáo viên nhưng đa số giáo viên chưa biết sử dụng AI, thậm chí chưa biết AI là gì, nhất là những giáo viên cao tuổi. Cô H.T.K.K. - 50 tuổi, giáo viên THCS ở quận 11, TPHCM - cho hay, mỗi khi có phần mềm mới hoặc cần tiếp cận công nghệ số nói chung, cô mất rất nhiều thời gian để nhớ và thực hiện dù được chuyên viên hướng dẫn cụ thể.

Mỗi khi tìm hiểu về AI, thầy L.P.T. - 60 tuổi, giáo viên tiểu học ở quận 4, TPHCM - phải dùng giấy viết ra từng bước chứ không thể nhớ, khi cần thao tác thì mở giấy ra xem. Theo thầy T., nhiều giáo viên trẻ đang chạy theo phong trào nên tiết dạy rất hình thức; các tiết dạy ứng dụng AI sinh động nhưng không đọng lại giá trị cốt lõi của bài học.

Theo khảo sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam với 11.000 HS về sự sẵn sàng sử dụng AI trong nhà trường, có 21,19% HS hoàn toàn đồng ý, 40,85% đồng ý và 36,35% đang phân vân và dưới 2% không đồng ý ủng hộ việc sử dụng AI. Có 31,39% HS sử dụng AI cho việc học ở trường, 54,12% sử dụng AI để tự học. Có 77,5% HS tiếp cận AI qua truyền thông và chỉ 28,14% HS tiếp cận AI qua thầy cô và nhà trường. Như vậy, việc tiếp cận AI của HS vẫn chủ yếu qua các nguồn bên ngoài nhà trường.

Phổ cập AI phải là chiến lược quốc gia

Thầy Hà Hữu Thạch - giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TPHCM - cho hay, cuối năm 2024, trường dự định dạy AI cho HS như một môn học riêng, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ thì thấy chưa có một chương trình cụ thể được kiểm duyệt. Do đó, trường không thể dạy đại trà mà chỉ thực hiện ở dạng cậu lạc bộ, đội, nhóm và có giáo viên trực tiếp hỗ trợ. Trường cũng liên tục mời các chuyên gia AI từ các trường đại học về tập huấn cho giáo viên nhưng chỉ mang tính định hướng, như cách soạn đề kiểm tra theo ma trận, cách soạn bài dạy theo chủ đề.

Học sinh Trường tiểu học Thiên Hộ Dương (quận 10, TPHCM) tham gia Câu lạc bộ Tin học trong dịp hè  - ẢNH: TRANG THƯ
Học sinh Trường tiểu học Thiên Hộ Dương (quận 10, TPHCM) tham gia Câu lạc bộ Tin học trong dịp hè - Ảnh: Trang Thư

Theo ông, khi muốn đưa nội dung mới vào giảng dạy, cần có sự thẩm định, nhất trí, chỉ đạo từ các sở. Chẳng hạn, cần quy định rõ AI được sử dụng trong những trường hợp nào, ở mức độ nào bởi AI không hoàn toàn tốt, có thể làm giảm sự sáng tạo của HS nếu sử dụng không đúng cách. Nhưng hiện nay, mỗi trường, mỗi địa phương làm theo mỗi cách khác nhau, không đồng bộ.

Ông Nguyễn Xuân Đắc - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TPHCM - cho rằng, khó tránh khỏi những bất cập, khó khăn khi phổ cập AI trong trường phổ thông, nhưng hướng chung là nên mạnh dạn đưa AI vào trường học, dạy HS dùng AI theo hướng tích cực, có quy định hạn chế những tiêu cực từ AI.

Trong thời gian chờ hướng dẫn chính thức, trường nào làm được thì cứ làm. Vừa qua, trường đã cử những giáo viên cốt cán dự các lớp tập huấn về AI để thầy cô thấy hiệu quả của việc sử dụng AI trong giảng dạy, học tập. Tiếp theo, trường sẽ dần xây dựng những quy định cụ thể về việc dạy AI cho HS. Ông mong các chuyên gia giáo dục nghiên cứu, đưa ra những gợi ý về việc sử dụng AI phù hợp cho giáo viên.

Theo ông, nên đưa AI vào bộ môn tin học trước, sau đó sẽ lan tỏa ra những môn khác. Điều quan trọng là giáo viên phải kiểm tra HS đã hiểu bài hay chưa chứ không phải đã làm bài hay chưa.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT - vẫn đang có những ý kiến trái chiều về ứng dụng công nghệ trong giáo dục, đặc biệt là việc để AI tham gia hoạt động dạy và học. Thực tế, đã có một số trường ở một số quốc gia đưa ra quy định hạn chế AI trong một số hoạt động giáo dục. Nguyên nhân là do AI nghĩ hộ, làm hộ khiến người học lười tư duy, lười tìm tòi, khám phá, lười lập luận; tình trạng gian lận trong học tập cũng có dấu hiệu gia tăng. Nếu không đánh giá đúng bản chất và vai trò của AI nói riêng, công nghệ nói chung thì việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục rất dễ rơi vào cực đoan: hoặc quá lạm dụng, hoặc bài xích triệt để.

Bà cho rằng, thay vì cấm đoán hoặc né tránh, cần định nghĩa lại việc học trong thời đại công nghệ số bởi nếu được khai thác đúng cách, công nghệ có thể là công cụ giúp người học được giải phóng, chủ động tiếp cận tri thức bằng nhiều con đường khác nhau. Khi đó, người học sẽ không còn bị động, không học chỉ để thi, không trở thành “cái máy học thuộc”; việc học tập không còn là quá trình tích lũy kiến thức để thi cử mà là hành trình trải nghiệm để hòa mình vào xã hội, vào tự nhiên và khám phá, hoàn thiện bản thân.

Theo bà, để AI bước vào trường học một cách bài bản, cần có sự thay đổi từ chính sách, chương trình giảng dạy lẫn năng lực giáo viên. Việc phổ cập AI phải là một chiến lược quốc gia, trong đó, người thầy không chỉ là cầu nối tri thức mà còn là người định hướng cho HS cách tư duy và sử dụng AI nhân văn, sáng suốt.

Sử dụng AI là 1 trong 6 miền năng lực khung

Ngày 24/1, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT quy định khung năng lực số cho người học, bao gồm 6 miền năng lực với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ từ cơ bản đến chuyên sâu theo 8 bậc.

Năng lực sử dụng AI được xác định là 1 trong 6 miền năng lực cốt lõi cần phát triển, gồm khai thác dữ liệu và thông tin, giao tiếp và hợp tác trong môi trường số, sáng tạo nội dung số, an toàn, giải quyết vấn đề, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Việc phát triển năng lực AI cho người học cần bắt đầu từ chính lớp học với người thầy, người cô là trung tâm. Giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người dẫn dắt, khơi gợi tư duy và tạo môi trường để HS sử dụng AI một cách chủ động và có trách nhiệm để cải thiện chất lượng giáo dục.

Cụ thể, đối với người học, AI giúp thu thập và xử lý các dữ liệu học tập, từ đó phát triển quỹ đạo giáo dục cá nhân, tạo môi trường tối ưu để phát huy hết tiềm năng của người học; cải thiện kết quả học tập qua việc đánh giá thành tích học tập bằng nhiều phương pháp, chỉ số.

Ngoài ra, AI góp phần tăng cường kết nối, hỗ trợ người học hình thành thế giới quan, phát triển kỹ năng nhận thức, xã hội và cảm xúc, giúp xác định, dự đoán và ngăn chặn sớm các tình huống khủng hoảng ảnh hưởng đến tinh thần của người học.​​ Đối với người dạy, AI giúp phát triển chuyên môn và tự phân tích, tăng hiệu suất công việc và tiết kiệm thời gian.

Ý kiến:

Không để người học trở thành “nô lệ số”

Khoảng 15% trường học ở các thành phố lớn của Việt Nam đã triển khai ứng dụng AI trong giáo dục, riêng TPHCM có khoảng 30% trường, Hà Nội có khoảng 25% trường. Các môn học sử dụng AI nhiều nhất là toán, tiếng Anh, khoa học và tin học. Bộ GD-ĐT đang xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dụng AI trong dạy học và kiểm tra, đánh giá. AI hỗ trợ học tập nhưng nếu người dùng phụ thuộc quá mức thì có thể trở thành “nô lệ số”. Điều này triệt tiêu các phẩm chất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018) như năng lực giải quyết vấn đề, sáng tạo, giao tiếp, hợp tác, tự chủ và tự học.

Nếu không kiểm soát chặt chẽ, sự hỗ trợ của AI trong dạy học sẽ dễ dẫn tới tình trạng lười tư duy, lạm dụng, sao chép kiến thức mà không hiểu bản chất. Giáo viên, HS cần được tập huấn để hiểu rõ lợi ích cũng như hạn chế của AI, từ đó có cách sử dụng phù hợp trong học tập, giảng dạy và kiểm tra, đánh giá. AI là xu thế tất yếu nhưng cần quản lý việc sử dụng một cách thông minh, hiệu quả, đúng đạo đức. Việc giáo dục năng lực số, năng lực học tập suốt đời cho HS là vấn đề cấp thiết.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Chí Thành
- Trưởng khoa Sư phạm, Trường đại học Giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội

Dạy AI có trách nhiệm, công bằng, nhân văn

Quản trị rủi ro AI trong giáo dục đòi hỏi sự kết hợp giữa hiểu biết và đạo đức, giám sát chặt chẽ và giáo dục có trách nhiệm. Với vai trò trung tâm, giáo viên không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn định hướng HS sử dụng AI một cách hiệu quả, có đạo đức và sáng tạo, làm hành trang để trở thành những công dân số có trách nhiệm trong thế giới ngày càng số hóa. Giáo viên phải tuân thủ các quy tắc đạo đức, bảo đảm an toàn cho HS khi sử dụng AI. Cần sử dụng AI để khuyến khích tư duy phản biện, giải quyết vấn đề phức tạp và sáng tạo trong giảng dạy. Muốn HS học thật, giáo viên phải dạy thật. Không thể sáng tạo bằng lệnh rồi kỳ vọng HS có tư duy phản biện.

Việc tạo ra các khuôn khổ pháp lý và đạo đức trong ứng dụng AI vào giáo dục là yếu tố sống còn để đảm bảo công nghệ này được sử dụng một cách có trách nhiệm, công bằng và nhân văn. AI không chỉ là công cụ hỗ trợ kỹ thuật mà còn tác động sâu sắc đến tư duy, hành vi và giá trị của cả giáo viên lẫn HS. Kiến thức về đạo đức AI là rất cần thiết và quan trọng đối với giáo viên. Chính giáo viên sẽ dẫn dắt, giúp HS hiểu được ý nghĩa, tiềm năng, giới hạn của AI.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam
- Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam

Cần ban hành chính sách và quy định sử dụng AI

Giáo dục AI trong trường phổ thông cần hướng đến mục tiêu chung là giúp HS khai thác AI một cách hiệu quả, có trách nhiệm, có đạo đức và an toàn; phát triển những năng lực mới giúp HS không chỉ sử dụng AI mà còn làm chủ AI trong công việc và cuộc sống tương lai. Ứng dụng công cụ AI trong dạy, học và quản trị giúp nâng cao chất lượng học tập của HS, phát triển tư duy phản biện và sáng tạo, tăng cường sự công bằng trong giáo dục, cải thiện chất lượng bài giảng và phương pháp giảng dạy, quản trị giáo dục thông minh.

Để sử dụng AI hiệu quả, an toàn, trách nhiệm, Bộ GD-ĐT cần ban hành chính sách và quy định sử dụng AI trong giáo dục, đào tạo giáo viên về cách sử dụng AI hiệu quả, giúp HS phát triển kỹ năng tư duy phản biện và kiểm chứng thông tin, giám sát và hạn chế sử dụng AI trong đánh giá học tập, bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu HS, xây dựng hệ sinh thái AI giáo dục phù hợp. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ sinh thái công nghệ số - AI dành riêng cho giáo dục, trong đó xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn dành riêng cho giáo dục, xây dựng sách giáo khoa số tích hợp công cụ AI, xây dựng hệ thống số đánh giá năng lực HS.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Cường
- Trưởng bộ môn khoa học máy tính, Trường đại học Tôn Đức Thắng

Uông Ngọc - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI