Trước ngày 10/12, tất cả bệnh viện tại TPHCM phải sẵn sàng điều trị F0 trong tình hình mới

02/12/2021 - 23:07

PNO - Sở Y tế TPHCM đề nghị: "Tất cả các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (không thuộc các bệnh viện chuyển đổi công năng hoặc các bệnh viện tách đôi) phải khẩn trương xây dựng kế hoạch với quy mô giường điều trị và giường hồi sức (nếu có) để sẵn sàng đáp ứng điều trị trong tình hình mới, chậm nhất trước ngày 10/12/2021".

Ngày 2/12, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng đã ký văn bản khẩn gửi đến Trung tâm Hồi sức COVID-19, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19, bệnh viện công lập, ngoài công lập và các trung tâm y tế tại 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức yêu cầu sẵn sàng thu dung, tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 thích ứng với tình hình mới.

Trước tình hình số ca mắc mới, số ca nhập viện và số ca tử vong tăng trong thời gian qua, cùng với diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Nam, sự xuất hiện của biến thể Omicron trên thế giới, và căn cứ vào các kịch bản đối phó trong các tình huống về diễn tiến dịch bệnh của ngành y tế, Sở Y tế yêu cầu tất cả các bệnh viện tại địa bàn TPHCM nghiêm túc thực hiện hướng dẫn phòng, chống COVID-19 theo từng nội dung.

Các bệnh viện phải sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19
Các bệnh viện phải sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19

Tái cấu trúc và chức năng bệnh viện để thích ứng với tình hình mới, theo đó tất cả cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện nghiêm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm, phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám, chữa bệnh. Ngoài ra, các bệnh viện cần rà soát, tái cấu trúc và chức năng phù hợp với yêu cầu thu nhận, điều trị COVID-19 và các bệnh lý thông thường khác.

Tất cả bệnh viện phải củng cố và chuyển đổi khu cách ly thành đơn vị COVID-19 để sẵn sàng thu nhận, điều trị F0 (đảm bảo giường có oxy, thuốc, trang thiết bị y tế...), đảm bảo mỗi đơn vị có số giường tối thiểu bằng 10% tổng số giường của cả bệnh viện. Khuyến khích các bệnh viện chuyên khoa nhi, nhiễm và bệnh viện hạng 1 thành lập khoa COVID-19.

Các bệnh viện chuyên khoa nhi, nhiễm và đa khoa hạng 1 phải hình thành đơn vị Hồi sức COVID-19 trực thuộc khoa Hồi sức tích cực - chống độc để sẵn sàng tiếp nhận điều trị người bệnh nặng, nguy kịch; khuyến khích các bệnh viện thành lập khoa Hồi sức COVID-19.

Bố trí buồng bệnh riêng biệt tại các khoa lâm sàng, sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cần được điều trị tiếp bệnh lý nền do các bệnh viện điều trị COVID19 chuyển đến, sau khi đã có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính. Các đơn vị cần duy trì buồng cách ly tạm tại khoa lâm sàng dành cho người nghi mắc COVID-19.

Sở Y tế khẳng định việc tiếp nhận người bệnh sau COVID-19 nhưng cần được chăm sóc và điều trị các bệnh nền hoặc phục hồi chức năng sau mắc COVID-19 là trách nhiệm của các bệnh viện. Vì vậy, tất cả các bệnh viện phải tăng cường phối hợp, và sẵn sàng tiếp nhận người bệnh khi nhận được yêu cầu chuyển viện của các bệnh viện điều trị COVID-19.

Sở Y tế đề nghị: "Tất cả các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (không thuộc các bệnh viện chuyển đổi công năng hoặc các bệnh viện tách đôi) phải khẩn trương xây dựng kế hoạch với quy mô giường điều trị và giường hồi sức (nếu có) để sẵn sàng đáp ứng điều trị trong tình hình mới, chậm nhất trước ngày 10/12/2021".

Các bệnh viện phải trang bị đầy đủ các thiết bị, vật tư,... trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân
Các bệnh viện phải trang bị đầy đủ các thiết bị, vật tư... trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân

Bên cạnh đó, tổng quy mô giường bệnh của các bệnh viện chuyển đổi công năng điều trị COVID-19 khoảng 4.300 giường, bao gồm các bệnh viện đã chuyển đổi công năng toàn bộ để điều trị COVID-19 như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, Trưng Vương, An Bình, Đa khoa huyện Củ Chi. Các bệnh viện tách đôi (có khối nhà riêng biệt, có cổng và lối đi riêng) để thực hiện song song nhiệm vụ điều trị COVID-19 bao gồm: Bệnh viện Quân Dân y Miền Đông, Phạm Ngọc Thạch, Từ Dũ, Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương, Nhi đồng TPHCM phải tiếp tục nhiệm vụ thu dung điều trị COVID-19.

"Trong đó, các bệnh viện này phải cập nhật quy mô giường bệnh đáp ứng đúng yêu cầu thực tế số ca mắc COVID-19 tăng ở hiện tại, chậm nhất trước ngày 10/12 phải gửi về Sở Y tế TPHCM để trình UBND TPHCM xem xét, điều chỉnh và quyết định", ông Tăng Chí Thượng cho biết.

Theo lộ trình giải thể các bệnh viện dã chiến, hiện địa bàn TPHCM có 8 cơ sở đã ngừng hoạt động gồm Bệnh viện dã chiến số 5A, 5G, số 1, số 2, số 4, số 7, số 9, số 11. Trước tình hình phức tạp của COVID-19, Sở Y tế quyết định 13 bệnh viện dã chiến còn lại với tổng quy mô 22.000 giường vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, bao gồm Bệnh viện dã chiến số 3, số 5, số 6, số 8, số 10, số 12, số 13, số 14, số 16, 5C, Phước Lộc, Công an Thành phố, dã chiến điều trị COVID-19 Củ Chi.

Hiện tại, TPHCM có 16 bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện và TP. Thủ Đức (tầng 2), quy mô khoảng 8.000 giường. Ngoài ra, các địa phương còn có 65 cơ sở thu nhận, điều trị COVID-19 (tầng 1), quy mô khoảng 9.000 giường. Sở Y tế yêu cầu mỗi địa bàn quận huyện sẽ duy trì, phát triển thêm bệnh viện dã chiến tầng 2 hoặc cơ sở điều trị thu dung COVID-19 tầng 1.

Còn tổng quy mô tại các bệnh viện tầng 3 hiện nay khoảng 2.300 giường gồm các đơn vị tuyến cuối điều trị COVID-19 nặng và nguy kịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, Nhân dân Gia định, Nhân dân 115, Bệnh viện Quân Y 175, Bệnh viện dã chiến Phước Lộc, Bệnh viện Chợ Rẫy, Thống Nhất, Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Trung ương Huế. 

Sở Y tế TPHCM yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện chủ động rà soát, củng cố các công tác cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị, các phương tiện phòng hộ, lãnh đạo các cơ sở phải phân luồng nhân sự hợp lý... đảm bảo luôn sẵn sàng trong công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

Các lãnh đạo phòng ban, chánh thanh tra, chánh văn phòng Sở Y tế... phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh trong công tác thu dung và điều trị ở các bệnh viện để hướng dẫn, chấn chỉnh, kịp thời nắm bắt khó khăn của bệnh viện để hỗ trợ.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI