Trao giải một bộ phim, hạ giải một bức tường

14/02/2020 - 22:00

PNO - Khi “Parasite” đồng thời giành cả giải Phim xuất sắc nhất và Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, Oscar có lẽ còn muốn phá đi bức tường vô hình ngăn họ với những nền điện ảnh phi Hollywood hóa.

Hollywood mà tiêu điểm là giải thưởng Oscar luôn luôn có những cái “nháy mắt” với đời sống chính trị của nước Mỹ. Và Oscar lần thứ 92 (2020) vừa qua, bằng động thái trao giải Phim xuất sắc nhất cho Ký sinh trùng (Parastie), xứng đáng là dẫn chứng cụ thể để chúng ta nhìn thêm bản chất “cà khịa” của một giải thưởng điện ảnh tuy rất phi phàm nhưng cũng đậm chất giải trí này.

Hạng mục danh giá Phim xuất sắc nhất (Best Picture) của Oscar thường xuyên bị phê bình là quá thiên vị với những phim Anh ngữ, nghĩa là, về cơ bản, chỉ nhắm đến các hệ giá trị nghệ thuật mang nặng tinh thần Mỹ và do các công ty, nhà sản xuất điện ảnh Mỹ thực hiện.

Xuất hiện chính thức năm 1931, Phim xuất sắc nhất, cho đến nay, hầu như loanh quanh trong tay các ông lớn: 20th Century Studios, Columbia Pictures, Metro-Goldwyn-Mayer, Universal Pictures, Warnes Bros. Pictures, Pramount Pictures… Nhưng Oscar cũng biết cách cân bằng hoặc ít ra là tạo được thiện cảm khi, vào năm 1956, bắt đầu đặt định hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Hạng mục càng ngày càng hấp dẫn và kịch tính này chính là cơ hội để công chúng không chỉ thưởng thức những thước phim đặc sắc của nhiều quốc gia khác nhau mà còn, theo hiệu ứng tình cảm dân tộc, có thể bộc lộ niềm tự hào, vui sướng hay khao khát chờ đợi.

Asghar Farhadi nhận giải Oscar năm 2012
Đạo diễn Asghar Farhadi nhận giải Oscar năm 2012

Nếu Phim xuất sắc nhất là thành trì bảo vệ Hollywood thì Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tựa như cánh cửa để mời chào “bạn bè năm châu” góp cuộc chơi và nhờ vậy, ngoài các cường quốc điện ảnh (như Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật) thường xuyên ẵm giải, các nền điện nhỏ/mới nổi (Thụy Sĩ, Hungary, Séc, Đài Loan, Bờ Biển Ngà, Nam Phi), cũng có thể nhận “ơn mưa móc” từ Oscar. Thậm chí, giải thưởng còn trao cho một số quốc gia được coi như “kẻ thù” trong các diễn ngôn chính trị mà chính quyền Mỹ từng gằn giọng: Liên Xô, Iran, Bosnia & Herzegovina.

Theo nghĩa đó, Oscar hiện lên như cây cầu vượt qua các lằn ranh biên giới, thể chế chính trị để trước hết và chủ yếu tôn vinh điện ảnh. Song, thực ra, đằng sau tâm ý thiện lành ấy, Oscar đủ khéo léo, khôn ngoan để gửi đi thông điệp hoặc đối thoại với các vấn đề xã hội, chính trị gay cấn chưa hề được hóa giải của nước Mỹ và thế giới hiện nay.

Năm 2012, khi nhận giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, đạo diễn Asghar Farhadi đã đọc diễn từ vượt ngưỡng 60 giây thông lệ, có nồng độ trang trọng và thông thái hiếm thấy, dường như không chỉ cho người tham dự Oscar nghe, mà còn nhắm đến giới chính trị: “Lúc này đây, nhiều người Iran trên toàn thế giới đang theo dõi chúng tôi và tôi hình dung họ đang rất vui. Họ vui không phải bởi một giải thưởng quan trọng hay bộ phim, đạo diễn, mà vui bởi đúng lúc các chính trị gia đang đấu khẩu về chiến tranh, hăm dọa và gây hấn, thì cái tên Iran tổ quốc tôi lại xướng vang ở đây trong văn hóa rực rỡ, một nền văn hóa giàu có và lâu đời đã bị che khuất dưới lớp bụi rác chính trị nặng nề. Tôi tự hào dành tặng giải thưởng này cho đồng bào tôi, những người biết kính trọng văn hóa, văn minh và khinh thường sự hận thù oán giận”. Ở thời điểm mà Iran, Isarel và Mỹ đang căng thẳng tột độ đó, trao giải cho Fahardi cũng có thể xem là cú cất cánh ngoạn mục của lòng tin, hi vọng vào một thế giới tốt đẹp và dũng cảm hơn trước các ngón đòn hăm dọa, trừng phạt hay chiến tranh.

Năm 2018, khi chính quyền Trump gây khốn đốn cho dân nhập cư thì Oscar trao giải Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất cho The Shape of Water của đạo diễn Guillermo del Toro Gómez người Mexico. Và cũng như Fahardi, Gómez không quên truyền tải điều căn cốt rằng ông là một người nhập cư như nhiều người khác và rằng “điều tuyệt vời nhất mà nghệ thuật của chúng ta làm và ngành công nghiệp điện ảnh cần làm là xóa nhòa các đường biên trên mặt đất”.

Năm 2019, thêm một người Mexico nữa, đạo diễn Alfonso Cuarón nhận giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất (phim Roma). Cảm giác rằng Trump càng cố xây và khoái cảm trước bức tường biên giới kì dị thì những đạo diễn nhập cư từ Mexico như Alfonso, Gómez hay Alejandro càng liên tục thắng giải Oscar! Họ gợi nhắc một sự thật rằng trong quá khứ, khởi điểm Hollywood có đóng góp công sức vô cùng lớn của nhiều nhà làm phim, diễn viên nhập cư và thời hiện tại, Hollywood luôn sinh động, hấp dẫn, mới lạ cũng là nhờ những ngôn ngữ, văn hóa và tư duy điện ảnh khác nhau đến từ đạo diễn nhập cư. Sẽ chẳng có bức tường nào đủ khả năng o bế, kìm hãm sức sáng tạo của các đạo diễn nhập cư, và thay vì cực đoan duy trì một hệ giá trị, Oscar đang tích cực hướng đến sự đa dạng bên ngoài nước Mỹ.

Ekip làm phim Parasite nhận giải
Ký sinh trùng vừa có chiến thắng lịch sử tại Oscar 2020

Khi Parasite đồng thời giành cả giải Phim xuất sắc nhất Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, Oscar có lẽ còn muốn phá đi bức tường vô hình ngăn họ với những nền điện ảnh phi Hollywood hóa. Các làn sóng mới trong điện ảnh châu Á vốn đã từng chinh phục rất nhiều giải thưởng uy tín ở châu Âu cựu lục địa nhưng, thật ngạc nhiên, ít khi giành được lá phiếu từ Oscar. Nguyên nhân thì có nhiều song theo tôi, một phần đến từ phong cách điện ảnh của các đạo diễn châu Á khó bề trùng khít với nguyên tắc khuôn thước kinh điển của Hollywood. Bản thân nhiều đạo diễn châu Á cũng không quá mặn mà với các công thức thành công mà Oscar yêu thích.

Nhưng sau năm 2000, mở màn với Ngọa hổ tàng long của Lý An thì tiếng nói châu Á có vẻ được ghi điểm tốt hơn, với các trường hợp Người tiễn đưa (2008) của Takita Yojiro, Cuộc chia ly (2012) và Người bán hàng (2016) đều của Asghar Fahardi. Ngoài ra, danh mục đề cử rút gọn còn có phim của Palestine, Jordan, Lebanon. Như vậy, trọng tâm hướng về châu Á, về những nền điện ảnh khác mô hình Hollywood sẽ làm giải Oscar bớt đi vẻ hào nhoáng chủ nghĩa anh hùng và kết thúc có hậu kiểu Mỹ để phần nào thấm thía hơn cõi nhân sinh ở nơi chốn khác.

Parasite, tôi vẫn cho là có phần may mắn, đã xuất hiện đúng thời điểm Hollywood nhận thấy đời sống, như lời phát biểu khá gay gắt của nam diễn viên Joaquin Phoenix, đang đầy rẫy những vấn đề nan giải và sự bất công, bất bình đẳng giữa các giống, các loài và các quốc gia càng khiến mỗi người phải biết “chuộc lỗi”. Hollywood không thể màu hồng mãi và yếu tố phẫn hận trong Parasite là vừa vặn cho một nhận thức mới.

Ấy là, trong khi bức tường của Trump vẫn đang dài thêm thì hơn lúc nào hết, Oscar đang muốn thế giới hãy cộng sinh để phát triển thay vì kí sinh tiêu diệt lẫn nhau.

Mai Anh Tuấn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI