Trần Nhật Minh: Vẫn trong tâm điểm

31/03/2013 - 02:18

PNO - PNO - Các nhạc mục kinh điển trong chương trình Từ cổ điển đến nhạc kịch tối 29/3 đã trở nên thật tươi mới và trẻ trung qua tài dẫn dắt của vị nhạc trưởng sinh năm 1981.

Tran Nhat Minh: Van trong tam diem

Về nước đã được sáu năm, nhưng sức hút của Trần Nhật Minh trong giới yêu nhạc hàn lâm dường như vẫn nguyên vẹn.

Có một sự thật là không ít khán giả đến Nhà hát Thành phố chỉ để “coi mặt” anh. Trẻ trung, tài năng, và điển trai, Trần Nhật Minh ngoài đời dễ khiến người đối diện nghĩ anh là một tay kinh doanh thành đạt trong lĩnh vực quảng cáo, PR, marketing hay tương tự, chứ không phải là một trong số những nhạc trưởng trẻ nhất Việt Nam hiện nay đồng thời là Phó Đoàn Nhạc kịch - Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO).

Khi Trần Nhật Minh bước ra chào khán giả trong phần khai màn, nhiều vị khách nước ngoài không khỏi xuýt xoa: “Trời ơi trẻ quá!”. Xen giữa các tiết mục chỉ huy hợp xướng, những lời cảm thán và tràng vỗ tay nhiệt liệt lại vang lên: “Trời ơi hay quá!”.

Tran Nhat Minh: Van trong tam diem

Mười nhạc mục trong phần đầu chương trình Hành trình âm nhạc Anh Quốc từ cổ điển đến nhạc kịch không mới với những ai yêu nhạc hàn lâm (đã được biểu diễn thường xuyên trong các chương trình riêng lẻ của HBSO), nhưng qua tài dẫn dắt của Trần Nhật Minh như vẫn rất tươi mới và khác lạ.

Hành trình âm nhạc bắt đầu từ trích đoạn Halleluja trong tác phẩm thanh xướng kịch Messiah mang âm hưởng nhạc Christian của Handel thời kỳ Tiền Cổ điển (Baroque) - khởi nguồn của mọi hình thức và thể loại âm nhạc kinh điển châu Âu phức tạp sau này. Sau đó tiếp tục đi qua thời kỳ Lãng mạn (Romantic) của Edward Elgar với giai điệu Ave verum đầy thơ mộng.

Với sự hỗ trợ của ban nhạc nhẹ, hành trình âm nhạc Anh Quốc biến hóa rộn ràng và bùng nổ qua các ca khúc nổi tiếng của John Lenon, The Beatles, Freddy Mercury như Imagine, Hey Jude, Bohemian rhapsody được chuyển soạn cho hợp xướng. Trở về không khí nổi loạn, hippy, đậm sắc màu phản chiến của thập niên 60 và thời kỳ hưng thịnh của thể loại symphonic rock vào thập niên 70 thế kỷ XX, người nghe thật khó lòng ngồi yên theo những nhịp tay uyển chuyển, thoăn thoắt của Trần Nhật Minh.

Tran Nhat Minh: Van trong tam diem

Các trích đoạn từ hai vở nhạc kịch (musical) Phantom of the opera (Think of me, Angel of music, Phantom of the opera, Music of the night, All i ask of you, Wishing you were somehow here again) và Cats (Jellicle songs) của nhà soạn nhạc trứ danh Andrew Lloyd Webber chốt lại chuyến du ngoạn vượt dòng thời gian. Loại hình nghệ thuật này đã làm lên kỳ tích trong lịch sử nghệ thuật cũng như giải trí khi kết hợp khéo léo giữa âm nhạc hàn lâm với đại chúng, múa với kịch nghệ.

Phần biểu diễn của các nghệ sĩ HBSO chỉ mới dừng lại ở xướng ca cùng vài động tác hình thể mang tính tượng trưng, nhưng trong khuôn khổ của một chương trình lược sử về âm nhạc cổ điển Anh Quốc cũng đủ làm mãn nguyện người thưởng thức.

Nằm ngoài kết cấu chương trình là tiết mục hợp xướng ca khúc quan họ Bắc Ninh Bèo dạt mây trôi như một món quà mà nhạc trưởng Trần Nhật Minh dành tặng những vị khách đến từ xứ sở sương mù.

Tran Nhat Minh: Van trong tam diem

Phần hai của chương trình là tác phẩm múa đương đại Những mảnh ghép của giấc mơ của hai anh em biên đạo Phúc Hải - Phúc Hùng (âm nhạc: Nguyễn Mạnh Duy Linh, Vũ Việt Anh, Philip Glass, Michael Nyman, Max Richter). Vở diễn quen thuộc này vẫn đem lại những cảm xúc mới mẻ cho người xem bởi những động tác hình thể ngày càng uyển chuyển qua lần công diễn thứ tư và sự thay đổi phục trang từ đa sắc (ở ba lần công diễn trước đó) sang trắng đen.

Tran Nhat Minh: Van trong tam diem

Vở múa phản ánh góc khuất tâm hồn của những người trẻ trong bối cảnh không gian và thời gian đa chiều, dù may mắn được sống trọn vẹn như những gì tạo hóa ban tặng hay phải chật vật che giấu bản thân trong một hình hài khác, họ vẫn nỗ lực vươn lên, hàn gắn những mảnh ghép vỡ vụn để hoàn thiện giấc mơ của riêng mình.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI