Từ “ATM” điện thoại đến xin máy tính cũ để “ứng phó” học online

30/08/2021 - 13:58

PNO - Phát xuất từ thực tế nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có máy tính hay điện thoại thông minh để học trực tuyến, nhiều trường tại TP.HCM đã vận động điện thoại, xin máy tính đã qua sử dụng để sửa lại cho học sinh dùng.

Học sinh V.K.N., lớp 12 Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Q.5), trong thời gian nghỉ hè đi phụ bán tại chợ Bình Tây để lo học phí năm học mới, chẳng may bị nhiễm COVID-19. Sau khi điều trị khỏi, N. về sống một mình ở tỉnh Long An, trong khi cha mẹ đang ở tỉnh Bến Tre. Hay tin, thầy trò trung tâm đã đóng góp tiền để mua thức ăn và lo học phí cho N. Thế nhưng, với hoàn cảnh của N. thì việc sở hữu một chiếc máy tính để học trực tuyến trong năm học mới là một thách thức.

Không chỉ N., trong đại dịch này, nhiều học trò cũng rơi vào hoàn cảnh côi cút, khó khăn. Chẳng lẽ, những mảnh đời như vậy phải bỏ dở năm học vì thiếu thốn sách giáo khoa, máy tính, tiền học…? Những trường hợp không có thiết bị để học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An cũng đã lên đến hàng chục. Thấy vậy, ông Đỗ Minh Hoàng, giám đốc trung tâm, nghĩ cách để giữ học trò đi tiếp con đường học vấn. Ông đã gửi thư ngỏ đến thầy cô, phụ huynh, nhà hảo tâm kêu gọi hỗ trợ máy tính đã qua sử dụng để sửa lại cho học sinh học trực tuyến. 

Thư ngỏ vận động máy tính cũ cho học sinh của TTGDTX Chu Văn An
Thư ngỏ vận động máy tính cũ cho học sinh của TTGDTX Chu Văn An

Theo ông Hoàng, để tổ chức việc học trực tuyến thành công, trường đã chuẩn bị các phần mềm dạy học phù hợp. Các thầy cô cũng đã chuẩn bị chu đáo nội dung giảng dạy. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của nhà trường, có một số học sinh gặp khó khăn trong việc học trực tuyến do không có máy tính. Hiện nay, giáo viên chủ nhiệm đang thống kê số học sinh khó khăn. Đặc thù của trung tâm là đa số học sinh có hoàn cảnh khó khăn nên các em rất cần được hỗ trợ máy tính cho việc học trực tuyến.

“Về cơ bản, học sinh tại trung tâm có thể tham gia học trực tuyến với số lượng trên 80%. Nhưng đa số các em học bằng điện thoại. Việc học trực tuyến bằng điện thoại thông minh sẽ không sử dụng hết ứng dụng học tập. Điện thoại của học sinh phổ thông lại thường là của cha mẹ, sẽ có nhiều bất tiện. Học trực tuyến thời gian dài nên vừa học lại vừa phải sạc pin. Điều này dễ gây nguy cơ cháy nổ, nguy hiểm cao. Khả năng việc học trực tuyến có thể kéo dài đến hết học kỳ I, dùng điện thoại học như vậy xảy ra nhiều nguy cơ”, ông Hoàng chia sẻ.

Sau khi hết dịch, học sinh vẫn dùng máy tính để học tập chứ không chỉ dùng cho học trực tuyến. Hiện nay mới có một máy tính do mạnh thường quân hỗ trợ. Việc giao nhận máy sẽ có khó khăn trong thời điểm giãn cách, nhưng trước mắt kêu gọi hỗ trợ, sau đó trường sẽ tìm cách sửa chữa và đưa đến tận nhà cho các học sinh khó khăn.

Còn thầy cô ở Trường THCS Minh Đức (Q.1) thực hiện chương trình “ATM điện thoại - máy tính cho học sinh nghèo” khi năm học mới đang đến gần. Bà Trần Thúy An, hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Trong buổi họp hội đồng sư phạm ngày 25/8, nhiều thầy cô băn khoăn, lo lắng cho những học sinh không đủ điều kiện, trang thiết bị để học trực tuyến. Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 100 học sinh cần thiết bị học trực tuyến”.

ATM cũng với mục đích giúp học sinh hoàn cảnh khó khăn có thiết bị học online
Chiếc "ATM" của thầy cô Trường THCS Minh Đức cũng với mục đích giúp học sinh hoàn cảnh khó khăn có thiết bị học online

Vậy là từ trăn trở không muốn bất cứ học sinh nào bị bỏ lại phía sau, một chương trình ý nghĩa ra đời. Hiệu trưởng cùng một nhóm giáo viên đi “xin” điện thoại, máy tính cũ của giáo viên, phụ huynh. Thứ họ cần xin là những chiếc điện thoại hoặc máy tính để bàn, laptop cũ (kèm dây sạc pin) dành cho học sinh.

Sau ba ngày phát động, chương trình “ATM điện thoại - máy tính cho học sinh nghèo” nhận được 5 thiết bị và 33.800.000 đồng. Hiện đã đặt mua 15 điện thoại Vsmart Star 4 (loại 3M) tốt hơn loại dự kiến. Trường đã lập danh sách 20 học sinh cần thiết bị để hỗ trợ. Đợi đơn vị cung cấp cài đặt và giao hàng xong thì phía Công an P.Cầu Ông Lãnh, Q.1 sẽ hỗ trợ việc giao nhận điện thoại, máy tính cho các học sinh.

“Số lượng học sinh cần vẫn còn nhiều, các nhà hảo tâm có lòng giúp đỡ, vui lòng để lại thông tin, thầy cô của trường sẽ liên hệ với quý vị để trao những thiết bị quý giá đến đúng những học sinh đang cần”, cô  Trần Thúy An kêu gọi. 

Tiêu Hà
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI