TPHCM: Trường học gặp khó về kinh phí phòng dịch

02/03/2022 - 15:35

PNO - Khó khăn này được các trường nêu ra với đoàn công tác Ban Văn hoá Xã hội-HĐND TPHCM trong buổi khảo sát dạy học trực tiếp sáng 2/3.

Tại Trường Mầm non Tuổi thơ 7 (quận 3), tỷ lệ trẻ đến trường ở 15 lớp đạt trên 50% (199/380 trẻ). Trường đã mở cửa đón trẻ khối nhà trẻ (dưới 3 tuổi) trở lại trường.

Hiệu trưởng Vũ Đỗ Thuý Hiền thông tin, để đảm bảo phòng dịch cho trẻ đến trường, trường tăng cường vệ sinh, khử khuẩn. Đồ chơi được vệ sinh 2 lần/ngày. Hàng tuần đội ngũ đều test sàng lọc. Công tác tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh được đẩy mạnh. Trường triển khai mô hình Lớp học xanh để điểm danh, báo cáo tình hình dịch của trường mỗi ngày. 

Từ 14/2 đến nay đội ngũ giáo viên, nhân viên trường xuất hiện 5F0, 14F1.

Trường học gặp khó về kinh phí phòng dịch
Trường học gặp khó về kinh phí phòng dịch

Dù chưa gặp khó khăn về nhân sự song Hiệu trưởng Vũ Đỗ Thuý Hiền cho biết, công tác đón trẻ mùa dịch khiến trường gặp khó về nguồn kinh phí vệ sinh. Mỗi tháng, chi phí này đội lên từ 5-6 triệu (từ mức 18-19 triệu hàng tháng trước đây hiện nay lên đến 24 triệu/tháng) do phải vệ sinh khử khuẩn các phòng ốc, vệ sinh đồ chơi liên tục… 

“Con số này đang được chi từ nguồn thu của trường, gây khó khăn cho trường khi duy trì hoạt động. Do vậy, trường đề xuất được thực hiện xã hội hoá, tăng trực tiếp vào nguồn phí vệ sinh hàng tháng của trẻ”, Hiệu trưởng Trường Mầm non 7 bày tỏ. 

Tại Trường TH Phan Đình Phùng (quận 3), số học sinh đi học trực tiếp là 1.094/1.730 em. Phó hiệu trưởng Mai Quang Phương thông tin, toàn trường có 144 học sinh F0, chiếm tỷ lệ 8,3%. Các em chỉ có biểu hiện sốt nhẹ, có những em không triệu chứng và vẫn tiếp tục theo học trực tuyến tại nhà. 

Đoàn công tác Ban Văn hoá Xã hội- HĐND TPHCM khảo sát tại Trường Mầm non 7
Đoàn công tác Ban Văn hoá Xã hội- HĐND TPHCM khảo sát tại Trường Mầm non 7

Cạnh đó, trường có 7 giáo viên chủ nhiệm và 4 giáo viên bộ môn F0. Do khó khăn về giáo viên thay thế nên các lớp có giáo viên chủ nhiệm F0 sẽ được chuyển qua học trực tuyến theo thời khoá biểu trực tiếp trước đó. 

“Công tác giảng dạy hiện nay dù phải chuyển đổi hình thức liên tục song các thầy cô đều đã quen tay và ứng phó kịp thời. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của trường vẫn là kinh phí phòng chống dịch như nước rửa tay, sát khuẩn, máy đo thân nhiệt…”, Phó hiệu trưởng Mai Quang Phương nêu rõ. 

Qua khảo sát thực tế tại các nhà trường, ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hoá Xã hội- HĐND TPHCM đánh giá cao công tác phòng dịch, sự tâm huyết, trách nhiệm của thầy cô, nỗ lực duy trì việc dạy và học trực tiếp.

 

Công tác phòng dịch cần được quan tâm hơn nữa
Công tác phòng dịch cần được quan tâm hơn nữa

“Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nhà trường cần tiếp tục tăng cường quan tâm hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch, tuyên truyền đến phụ huynh, đội ngũ làm sao đảm bảo an toàn cao nhất để trẻ đến trường, tạo sự an tâm cho phụ huynh. Công tác phòng chống dịch phải được đặt lên hàng đầu. Trẻ cũng cần được chú trọng hướng dẫn, trang bị nhiều hơn nữa về các kỹ năng, thói quen phòng dịch”, ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh.

Về khó khăn của các đơn vị, ông Cao Thanh Bình cho biết sẽ tổng hợp, trao đổi với các đơn vị liên quan và có kiến nghị lên UBND TP để “gỡ khó” cho các nhà trường, giúp các trường an tâm hơn nữa khi dạy và học trực tiếp.

Tấn Dũng 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI