TPHCM sẽ đưa vào giảng dạy nội dung giáo dục địa phương trong tuần sau

11/02/2023 - 17:29

PNO - Tuần tới TPHCM sẽ đưa vào giảng dạy nội dung giáo dục địa phương khối 7, khối 10 sau suốt học kỳ 1 "bỏ trắng" do tài liệu chưa được phê duyệt.

Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, thông tin từ Bộ GD-ĐT cho hay, tài liệu nội dung giáo dục địa phương của TPHCM khối lớp 7, lớp 10 đã được phê duyệt và sẽ được đưa vào giảng dạy từ tuần tới. 

Nội dung giáo dục địa phương là một trong những môn học mới, bắt buộc trong chương trình GDPT 2018. Với môn học này, Bộ GD-ĐT chỉ ban hành khung chương trình, còn lại các địa phương sẽ tự thực hiện biên soạn, UBND tỉnh, thành phố sẽ thẩm định và Bộ GD-ĐT phê duyệt.

TPHCM cũng như nhiều địa phương khác đang gặp khó về tài liệu học tập với môn học này. Riêng năm học 2022-2023, xuyên suốt học kỳ 1, các trường THCS, THPT ở TPHCM đã “bỏ trắng” môn học này do tài liệu chưa được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt.

Ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM - thông tin, hiện nay tài liệu giáo dục địa phương khối 7, khối 10 của TPHCM đã được UBND TP thẩm định và đã được gửi ra Bộ GD-ĐT phê duyệt. Theo thông tin mới nhất từ Bộ, trong tuần tới, tài liệu sẽ được phê duyệt. Ngay khi tài liệu được Bộ phê duyệt, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ gửi đến các trường để các trường tổ chức giảng dạy.

 

Từ tuần tới, TPHCM sẽ đưa vào giảng dạy Nội dung giáo dục địa phương khối 7, 10
Từ tuần tới, khi tài liệu được phê duyệt, TPHCM sẽ đưa vào giảng dạy nội dung giáo dục địa phương khối 7, khối 10

Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường đang băn khoăn, khi môn học được tổ chức giảng dạy trong học kỳ 2 thì làm sao để việc sắp xếp giảng dạy cũng như kiểm tra, đánh giá để có thể đảm bảo thời lượng cũng như các cột điểm cho học kỳ 1, học kỳ 2. 

“Theo quy định, nội dung giáo dục địa phương có 35 tiết/năm, tương đương với 1 tiết/tuần. Như vậy, khi không giảng dạy ở học kỳ 1 thì trong học kỳ 2 sẽ phải giảng dạy hết 35 tiết này, như vậy số tiết sẽ "dồn" lên. Sở GD-ĐT cần có hướng dẫn thiết kế giảng dạy, kiểm tra đánh giá cho phù hợp” - phó hiệu trưởng một trường THPT nói.

Theo ông Lê Duy Tân, để đảm bảo thời lượng học tập, các trường có thể tận dụng hệ thống dạy học trực tuyến trên hệ thống LMS.

“Dù đã rất nỗ lực song chúng ta gặp nhiều trở ngại trong quá trình biên soạn tài liệu. Không chỉ TPHCM mà tất cả các địa phương trên cả nước đều gặp khó khăn trong việc này. Quy định xuất bản hiện vẫn chưa thực hiện được. Do vậy, các trường cần chủ động” - ông Lê Duy Tân nói.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc thông tin thêm, hiện nay Sở GD-ĐT TPHCM đã chỉ đạo xây dựng tài liệu nội dung giáo dục địa phương khối 8, khối 11 để sớm hoàn thiện, chỉnh sửa và trình Bộ GD-ĐT, để tài liệu sẽ được ban hành sớm hơn so với khối 7, khối 10, từ đó giúp các trường chủ động hơn trong việc giảng dạy. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI