TPHCM nghiên cứu phương án sử dụng nhà tái định cư làm điểm cách ly tập trung

02/07/2021 - 17:15

PNO - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: “Quỹ nhà tái định cư chưa sử dụng còn nhiều, khả năng giải quyết cho khoảng 5.000 người cách ly”.

Sáng 2/7, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức, câu chuyện quản lý khu cách ly tập trung là một trong những vấn đề được thảo luận.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, ngày 30/6 và 1/7, ông đã chủ trì 2 phiên họp về khu cách ly. Từ nay, ông Nguyễn Hữu Hiệp - Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM, được bổ sung làm Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM và phụ trách toàn bộ vấn đề về cách ly.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp

Hiện, thành phố có 14 khu cách ly trực thuộc do Bộ Tư lệnh TPHCM quản lý. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết vừa qua khi rà lại tất cả khu cách ly thì thấy một số khu chưa đảm bảo. Ông cho rằng, nhà vệ sinh cá nhân phải đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong giao Sở Nội vụ TPHCM ra quyết định thành lập Ban quản lý khu cách ly tập trung, gồm: Bộ Tư lệnh Thành phố (trưởng ban); Công an; Y tế; Tài nguyên -Môi trường; Thông tin - Truyền thông; an toàn thực phẩm; và địa phương.

Với các khu cách ly thuộc quận, huyện, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu không được tổ chức tại trường học; đề nghị sử dụng khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn làm khu cách ly.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong còn nhận định có thể cách ly tại nhà tái định cư chưa sử dụng và giao Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng xử lý; giao Phó chủ tịch Lê Hòa Bình bố trí khu cách ly cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Lãnh đạo thành phố cũng tính đến phương án chuẩn bị khu cách ly dã chiến tại các khu đất trống.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói: “Quỹ nhà tái định cư chưa sử dụng còn nhiều, khả năng giải quyết cho khoảng 5.000 người cách ly”.

Riêng các khu công nghiệp, khu chế xuất, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết đã giao các sở, ban, ngành nhanh chóng thẩm định 24 doanh nghiệp đăng ký vừa sản xuất, vừa cách ly. Việc này hoàn thành trước ngày 5/7.

Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM lưu ý công tác tổ chức cách ly tập trung
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi lưu ý công tác tổ chức cách ly tập trung

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi thống nhất với phương án thay khu cách ly tại trường học bằng ký túc xá, nhà tái định cư hoặc cơ sở vật chất khác. Ông yêu cầu phải tổ chức ngay vì thời gian qua, số lượng F1 chuyển thành F0 tại khu cách ly nhiều.

Phó bí thư Thường trực TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu Bộ Tư lệnh phối hợp với Sở Y tế và các ngành, các quận huyện rà soát lại trên thực tế còn bao nhiêu khu cách ly tại trường học, bao nhiêu khu cách ly chưa đảm bảo an toàn theo quy định để điều chỉnh kịp thời; rà soát và giải tỏa các khu phong tỏa đã hoàn thành thời gian quy định và đảm bảo các tiêu chí an toàn, trong trường hợp chưa thật sự an toàn thì kéo dài thời gian phong tỏa bằng văn bản cụ thể, tránh gây tâm lý bức xúc cho người dân.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi đồng thời lưu ý có thông tin khi vận chuyển F1 đến khu cách ly thì phương tiện không đảm bảo giãn cách, ví dụ xe 45 chỗ chở 30 người và cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra để có đề xuất trong thời gian tới.

Tính đến 18g ngày 1/7, thành phố có 839.706 người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên tổng số 951.902 người đến tiêm (có 112.196 người hoãn tiêm qua khám sàng lọc, chiếm tỷ lệ 11,8%), trong đó: tại cộng đồng là 527.437 người và tại khu công nghiệp, khu chế xuất là 312.269 người.

Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đã kết thúc an toàn, vượt chỉ tiêu đề ra. Có 781 trường hợp có sự cố bất lợi sau tiêm, trong đó có 101 trường hợp phản ứng phản vệ sau tiêm (gồm: 33 trường hợp độ 1, 48 trường hợp độ 2, 18 trường hợp độ 3, 2 trường hợp độ 4); tất cả đều được theo dõi sát, hiện sức khỏe đều ổn định.

Thành phố đã huy động lực lượng nhân viên y tế toàn ngành để thành lập 1.300 đội tiêm, thực hiện tiêm vắc xin tại 96 địa điểm tiêm của các quận huyện và hơn 300 địa điểm tiêm di động trong các khu công nghiệp. Trung bình mỗi ngày huy động hơn 5.300 nhân viên y tế tham gia các đội tiêm, trong đó có 2.600 bác sĩ của tuyến thành phố, 200 nhân viên y tế của các bệnh viện tuyến trung ương. Bên cạnh đó có hơn 93 đội (hơn 200 nhân viên y tế) chuyên hồi sức cấp cứu phụ trách các khu vực.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI