TP.HCM: Bệnh nhân ngoại tỉnh ngày càng tăng mạnh

28/03/2013 - 16:34

PNO - PNO - Theo thống kê tại các bệnh viện (BV) tuyến trung ương tại TP.HCM và BV do Sở Y tế TP.HCM quản lý, hiện số lượng bệnh nhân (BN) ngoại tỉnh tập trung về thành phố mỗi năm đã chiếm tới trên 70% tổng số BN tới khám và điều trị.

 Theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM, chỉ tính riêng năm 2012, BV đã tiếp nhận tới 22.923 BN từ các tỉnh tới nhập viện (chiếm 75,3%), trong khi lượng BN tới khám cũng lên tới 281.233 người (chiếm 75,5%), chủ yếu từ các tỉnh An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… chuyển đến.

Trung bình, mỗi ngày BV này khám bệnh cho trên 1.600 lượt BN, với hơn 10.000 lượt BN phải ngoại trú do thiếu giường bệnh. Số lượng BN tăng, nhưng diện tích sử dụng, cộng số giường điều trị của BV lại không đổi trong nhiều năm qua, chưa kể sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng. “Trong 10 năm, số lượt BN đến khám và điều trị tăng từ 2 - 3 lần đã khiến cho tình trạng quá tải BN tại BV Ung Bướu ngày càng trầm trọng”, bác sĩ Minh cho biết.

TP.HCM: Benh nhan ngoai tinh ngay cang tang manh

Một BV cấp cứu công nhân ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Thành Công

BV Nhi Đồng 1 mỗi năm khám và điều trị cho trên 1,5 triệu lượt bệnh nhi (năm 2011 lên tới 1,67 triệu lượt). Việc quá tải bệnh nhi cũng đã gây ra tình trạng thiếu hụt trang thiết bị y tế, chưa kể tăng áp lực căng thẳng thường trực đối với cán bộ, y tế tại BV.

BV Chợ Rẫy, là BV hạng đặc biệt tuyến trung ương hiện cũng tiếp nhận nhiều BN khu vực phía Nam và Tây Nguyên cho nên tình trạng quá tải BV xảy ra thường xuyên trong nhiều năm qua. Đặc biệt là tại các khoa chấn thương sợ não, ngoại tiêu hóa, ngoại chỉnh hình và tim mạch.

Trong hoàn cảnh tương tự như các BV tuyến trung ương, BV Nhân dân Gia Định thuộc Sở Y tế TP.HCM cũng tiếp nhận từ 1.500 - 1.600 BN/ngày, trong khi quy mô giường bệnh của BV chỉ đáp ứng được tối đa 1.500 giường. Theo bác sĩ Trần Việt Hồng, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến BV, số BN tới khám bệnh mỗi ngày tại BV luôn ở mức quá tải, từ 3.000 - 4.000 người.

Để khắc phục thực trạng trên, hiện nhiều BV tuyến trung ương tại TP.HCM và các BV do Sở Y tế TP.HCM quản lý đều đề xuất Bộ Y tế cho phép mở rộng mô hình vệ tinh (hiện đã được triển khai). Tuy nhiên, con số đề xuất của mỗi BV được cho là quá lớn cũng gây những lo ngại về khả năng triển khai trên thực tế của Bộ Y tế. Chẳng hạn, BV Nhân dân Gia Định dự trù tổng kinh phí lập BV vệ tinh tại BV Đa khoa tỉnh Lâm Đồng lên tới 23,7 tỷ đồng, trong đó kinh phí địa phương tỉnh Lâm Đồng chi 19,2 tỷ đồng; BV Ung Bướu TP.HCM dự kiến kinh phí thực hiện là 300 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn tại 5 BV vệ tinh ở Khánh Hòa, Cần Thơ, Bình Định, Đồng Nai và Kiên Giang;…

Các lo ngại hoàn toàn có cơ sở, vì ngoài nguồn kinh phí lớn, hiện công tác chuyển giao cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực của các BV hiện tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể, BV Chợ Rẫy xây dựng đề án mạng lưới 4 BV vệ tinh theo chuyên khoa tại BV Đa khoa Đồng Nai (ngoại thần kinh, ngoại tiêu hóa), BV Đa khoa Thống Nhất, Đồng Nai (tim mạch can thiệp), BV Đa khoa Khánh Hòa (phẫu thuật tim) và BV Đa khoa Tiền Giang (chấn thương chỉnh hình, nội tim mạch). Tuy nhiên, hiện quá trình chuyển giao cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo tại các BV vệ tinh gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, một số chuyên khoa của BV còn thiếu các trang thiết bị để phục vụ công tác đào tạo, chuyển giao, như: kính vi phẫu, dụng cụ nội soi não và cột sống, siêu âm tim xách tay, bộ máy cắt đốt điện sinh lý,...

Theo Bộ Y tế, để giúp các BV chủ động giảm quá tải lượng BN tới khám và điều trị, ngoài Đề án giảm quá tải BV giai đoạn 2013 - 2020 đang được triển khai, Bộ cũng đã có kế hoạch huy động 4.500 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp một loạt BV tuyến tỉnh nhằm thu hút người bệnh, giảm tải cho các BV tuyến trung ương.

Thành Công

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI