Tin lời bạn thân, cô gái trẻ qua xứ người "lấy chồng", nhưng phải vào trại tạm giam chờ ngày về

08/08/2022 - 19:05

PNO - Tin lời bạn thân, Nguyễn Kiều Giang sang Trung Quốc làm việc, nào ngờ bị lừa lấy chồng rồi bị đánh. Giang chạy trốn; phải ở trại tạm giam gần 5 tháng; mới có thể về Việt Nam.

Dụ dỗ, sắp xếp... để lên đường

Nguyễn Kiều Giang (24 tuổi), ở thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) được một "người chị thân thiết" ở Kiên Giang rủ rê đi làm ở đảo Phú Quốc. Nhưng khi ra đến nơi, thì cô rơi vào cảnh thất nghiệp. Có phần buồn chán, Giang lại được người chị này khuyên qua Trung Quốc “làm việc”.

Lúc đầu Giang nghĩ, qua xứ người, sẽ làm việc hợp đồng 1 năm. Người chị hứa với Giang: "Em qua trước rồi chị qua sau nghen, qua đó thích thì làm, không thích thì ở nhà", cô gái trẻ khai với cảnh sát. Thêm vào đó, để cô yên lòng, người này còn dụ dỗ Giang, qua bên đó, hai chị em sẽ làm chung tại một tỉnh. Đồng thời động viên cô đi một mình trước, qua bên đó thử nửa tháng, 1 tháng. Nếu thấy được thì gọi điện để người này qua. Êm xuôi chuyện tư tưởng, Giang được sắp xếp để đưa qua xứ người.

Nạn nhân bị dụ dỗ qua nước ngoài làm việc khai tại cơ quan công an - ảnh T.S
Nạn nhân bị dụ dỗ qua nước ngoài làm việc khai tại cơ quan công an - ảnh T.S

Vì thời gian về quê làm hộ chiếu, giấy tờ sẽ lâu nên Giang được một nhóm người lạ sắp xếp, đưa cô xuất cảnh trái phép qua Trung Quốc. Giang khai với công an, sau khi đón xe lên TPHCM, cô mua vé máy bay ra Hải Phòng và ở đó chờ 1 - 2 ngày. Sau đó được nhóm người lạ dẫn đi. Trước đó, thông tin của Giang được chuyển cho nhiều nhóm người khác nhau qua chat Zalo.

Một nhóm người Giang chưa từng gặp, đã sẵn sàng trả 700.000 đồng tiền xe để cô đi ô tô, xe máy từ Hải Phòng ngược lên Lạng Sơn. Sau đó có người đón, dẫn cô qua biên giới. Trước khi đến chỗ làm, thực chất là lấy chồng, cô được dẫn đến tỉnh Hà Nam rồi tỉnh Hồ Bắc, về lại Quảng Đông. Trong ký ức của Giang, thời gian đầu ở "nhà chồng" cô chưa bị đánh, nhưng do cãi lời, không hiểu ý nhau dẫn đến xích mích, đánh nhau. Cô quyết định trốn khỏi đó. Nhà chồng đi tìm, để trả lại cho người mai mối. Bí đường, cô trốn vào nhà người dân địa phương, rồi chạy đến đồn cảnh sát gần đó để trình báo.

Vào trại tạm giam, chờ ngày về Việt Nam

Giang kể, lúc vô đồn cảnh sát, vì không rành tiếng bản địa nên Giang không thể trả lời nhiều câu hỏi của cơ quan chức năng nơi đây. Giang bị tạm giam, chờ giải quyết. Từ đó, cô gái trẻ phải ở trong trại tạm giam của cảnh sát Trung Quốc nhiều tháng. Vì tên tuổi của Giang khó phiên dịch ra tiếng Trung nên họ gọi cô bằng tên chung "cô bé Việt Nam"

Ngày 16/4/2021 tới 21/5/2021, Giang được đưa đi cách ly xong, đến 23/5/2021 được đưa về trại tạm giam. Ở trại, cảnh sát Trung Quốc phải nhờ người phiên dịch giúp cô khai nhiều loại thủ tục giấy tờ, Giang kể.

Thời điểm đó, do dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, Giang không thể về Việt Nam. Gần 5 tháng phải ở trại tam giam chờ đợi, Giang đã khóc rất nhiều. Đến ngày 2/9/2021, cô gái được cảnh sát Trung Quốc gồm 2 nam, 1 nữ đưa đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) để đo nhiệt độ, làm thủ tục về Việt Nam. Sau khi về Việt Nam, Giang cố gắng liên lạc với người chị thân thiết, nhưng người này đã biệt tăm.

Vùng quê nghèo của nạn nhân bị lừa đảo - ảnh Thanh Vạn
Vùng quê nghèo của nạn nhân bị "lừa đảo" - Ảnh: Thanh Vạn

Mẹ của Giang, bà Nguyễn Thị Tình (45 tuổi) ở thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã phải trải qua những ngày tháng đứng ngồi không yên. Sau khi cùng con gái vào TPHCM làm ăn, bà về phòng trọ của mình để bắt đầu công việc bán vé số hàng ngày. Con gái cũng rời mẹ đến chỗ làm. Mấy tháng sau, con gái điện thoại báo sẽ đi làm ăn xa, mất liên lạc 4 tháng. Bà Tình bắt đầu lo lắng nhưng không thể cản con.

Lúc đang ẵm cháu đi bán vé số, bà Tình nhận một cuộc điện thoại lạ. Trong điện thoại, bà nghe tiếng con mình kêu cứu: “Mẹ ơi cứu con chứ không chuyến này con chết, mẹ bỏ tiền ra chuộc con về”. Bà Tình sững sờ. Gia đình bà quá nghèo, không thể tìm đâu ra số tiền hơn 70 đến 80 triệu đồng để chuộc con. Bà đành im lặng. Mỗi lần nghĩ tới con, bà  xây xẩm mặt mày, ăn ngủ không yên. Vì mưu sinh, ngày ngày bà vẫn phải đi bán vé số nuôi 2 đứa cháu. Bà điện thoại cho bà con, anh em cầu cứu nhưng không hề có một tia hy vọng.

Một thời gian sau, khi cảnh sát xuất nhập cảnh Việt Nam điện thoại cho bà Tình yêu cầu làm đơn, gửi sổ hộ nghèo… để làm thủ tục đón con gái về quê thì bà mới nhẹ lòng.

(Tên, tuổi các nhân vật trong bài đã được thay đổi để đảm bảo quyền riêng tư cá nhân)

Thanh Vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI