Tín dụng xanh, hướng đi mới của ngành ngân hàng

16/11/2021 - 06:20

PNO - Nhiều ngân hàng cho vay với lãi suất thấp, thậm chí lãi suất 0% cho những dự án nhà ở sinh thái, xe chạy bằng điện, đầu tư công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.

Cho vay không lãi để mua nhà, xe

Ngân hàng UOB Việt Nam triển khai chương trình tín dụng xanh (TDX), cho vay với lãi suất ưu đãi để mua nhà, mua ô tô. Theo đó, khi mua căn hộ thuộc dự án Cardinal Court (dự án đạt chứng chỉ công nhận công trình xanh EDGE từ Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC), khách sẽ được vay với lãi suất 0% từ lúc đăng ký khoản vay cho đến thời điểm nhận nhà. Chương trình áp dụng đến tháng 12/2023, mức vay bằng 75% trị giá căn nhà và hạn vay là 25 năm. Đồng thời, UOB Việt Nam cho vay với lãi suất chỉ 6,99%/năm đối với khách cá nhân và 7,99% đối với doanh nghiệp (DN) khi mua các dòng xe hơi sử dụng động cơ thân thiện môi trường (kết hợp xăng và mô-tơ điện), trong khi lãi suất cố định cho vay để các dòng ô tô khác là 9%/năm. 

Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng giảm lãi suất cho vay thêm 0,25% so với lãi suất mua nhà thông thường đối với khách vay mua nhà tại dự án Cardinal Court, mức lãi suất còn 6,1 - 6,75% trong 6-24 tháng. Những khách hàng có nhu cầu lắp điện năng lượng mặt trời cho nhà ở sẽ được hưởng lãi suất vay tín chấp 11,99 - 12,99%/năm, bằng mức lãi suất vay thế chấp tại các ngân hàng khác. 

Khách hàng đang tham khảo chương trình tín dụng xanh ở Ngân hàng Nam Á - ẢNH: T.HOA
Khách hàng đang tham khảo chương trình tín dụng xanh ở Ngân hàng Nam Á - Ảnh: T.Hoa

Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cũng triển khai chương trình cho vay tiền mua ô tô thân thiện môi trường với lãi suất 5,75%/năm và được điều chỉnh theo từng thời kỳ (có thể chọn mức 5,75% trong 12 tháng đầu, 6,25% trong 24 tháng đầu hoặc 6,75% trong 36 tháng đầu).
Ngoài ưu đãi cho vay tiêu dùng, một số ngân hàng còn cho các DN sản xuất vay với lãi suất thấp để đầu tư công nghệ xanh.

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) cho biết, ngân hàng này vừa triển khai chương trình TDX năm 2021 dành cho các DN sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thân thiện môi trường với lãi suất 7 - 8,8%/năm. Khách có thể vay để trang bị máy móc, dây chuyền sản xuất không gây tác động đến môi trường, kinh doanh các sản phẩm thân thiện môi trường; xây sửa nhà ở, văn phòng sử dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng; mua xe sử dụng động cơ hạn chế thải khí CO2.“Thời gian qua, nhiều dự án gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, phải tạm ngừng hoạt động khiến cả DN lẫn ngân hàng chịu nhiều tổn thất. TDX sẽ giúp DN và cá nhân phát triển kinh doanh bền vững hơn” - đại diện Nam A Bank nói. 

Các ngân hàng VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, HDBank, VPBank, OCB cũng có chương trình TDX cho cả khách hàng cá nhân và DN với lãi suất 5 - 8%/năm nếu vay ngắn hạn, 8 - 12%/năm nếu vay trung hạn.

Cần nhiều điều kiện để có thể tiếp cận tín dụng

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 03 khuyến khích các ngân hàng tài trợ, cho vay ưu đãi đối với các dự án xanh. Cuối năm 2015, dư nợ lĩnh vực này mới chỉ hơn 71.000 tỷ đồng nhưng hiện đã tăng lên 334.000 tỷ đồng, chiếm 3,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. TDX chủ yếu tập trung vào nông nghiệp xanh (chiếm gần 40%), kế đến là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 37%). 

Các doanh nghiệp cần đạt nhiều tiêu chí về môi trường để có thể được vay vốn tín dụng xanh. (Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm từ yến ở Công ty TNHH Phú Hồng Thành) - ẢNH: N.CẨM
Các doanh nghiệp cần đạt nhiều tiêu chí về môi trường để có thể được vay vốn tín dụng xanh. (Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm từ yến ở Công ty TNHH Phú Hồng Thành) - Ảnh: N.Cẩm

Luật sư Trương Thanh Đức - trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Giám đốc Công ty Luật ANVI - cho biết đầu tháng 10/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 1658 phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, trong đó có đến 33 ngành nghề gắn với chữ “xanh” như mua sắm xanh, nông nghiệp xanh, sản phẩm xanh, sản xuất xanh, logistics xanh, nguồn vốn xanh… Do đó, DN phát triển theo xu hướng xanh là một lợi thế. Tuy nhiên, các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, không dễ tiếp cận TDX. 

Thực tế, điều kiện vay vốn TDX cho tiêu dùng cũng giống như các loại tín dụng khác, nhưng TDX cho sản xuất thì mỗi ngân hàng đưa ra những điều kiện khác nhau. Như tại VPBank, DN muốn vay phát triển các sản phẩm hoặc công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả thì các sản phẩm như tủ lạnh, nồi cơm điện và các thiết bị điều hòa phải đạt nhãn năng lượng Việt mức năm sao hoặc đạt nhãn Ngôi sao năng lượng Việt, thiết bị tiết kiệm ít nhất 15% năng lượng so với mức cơ sở được mặc định đạt tiêu chí xanh. Bên cạnh đó, như các khoản cho vay thông thường khác, các ngân hàng cũng yêu cầu DN có phương án kinh doanh khả thi, chứng minh được khả năng trả nợ. “Tính đến ngày 31/8/2021, dư nợ cho vay đối với các dự án xanh tại HDBank là 13.500 tỷ đồng. Ngoài đáp ứng các tiêu chí xanh như giảm năng lượng tiêu thụ, giảm khí thải CO2, giảm ô nhiễm môi trường, dự án nhận vốn còn phải có các giấy phép đầu tư dự án, phương án phù hợp với mục đích vay vốn và mục tiêu tăng trưởng xanh” - đại diện 
HDBank nói. 

Theo luật sư Trương Thanh Đức, thực tế vẫn có DN đáp ứng các yêu cầu về dự án xanh nhưng vẫn không vay được nguồn TDX. Bằng chứng là các nhà máy xử lý rác không được vay do ngân hàng không đánh giá được tính khả thi, hiệu quả, không đánh giá được rủi ro do chưa có hướng dẫn, chưa có danh mục về các lĩnh vực xanh. Pháp luật quy định, DN nhỏ và vừa được tiếp cận vốn ưu đãi nhưng “phải được tổ chức tín dụng đánh giá tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh”. Hầu hết các ngân hàng không chấp nhận đánh giá tài chính từ kiểm toán bên ngoài mà sử dụng kiểm toán do ngân hàng chỉ định. Do đó, các DN nhỏ mới thành lập rất khó tiếp cận TDX. 

Bà Nguyễn Thị Minh Chi - chuyên gia tài chính DN - thông tin thêm trong 84 tổ chức tín dụng gửi báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, có 67 tổ chức có triển khai TDX lồng ghép các điều kiện vay, mức ưu đãi nhưng đa số chỉ quy định chung chung, chỉ 2-3 ngân hàng có quy định cụ thể, rõ ràng về TDX và chỉ 1-2 ngân hàng có bộ phận chuyên trách về TDX. 

Theo bà, các ngân hàng dùng nguồn vốn huy động từ tiền tiết kiệm với lãi suất cao làm nguồn vốn TDX nên khó cho vay với lãi suất thấp hơn. Trong khi đó, các lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng đòi hỏi dòng vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao. Ngân hàng Nhà nước khuyến khích phát triển TDX nhưng các ngân hàng thương mại phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh nên ngân hàng phải tự cân đối nguồn vốn và còn e dè với lĩnh vực này. 

TDX đang được nhiều quốc gia trên thế giới theo đuổi và đang là hướng đi mới của các ngân hàng trong nước. Ngoài vốn tự có, nhiều ngân hàng cũng nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn xanh để hỗ trợ DN. Bằng chứng là gần đây, nhiều ngân hàng như Vietcombank, BIDV, HDBank, TPBank, VPBank đã tiếp cận được các quỹ xanh với các khoản vay dài hạn lên đến vài trăm triệu USD từ các tổ chức nước ngoài. Để thúc đẩy TDX, Nhà nước cần sớm ban hành khung pháp lý về thẩm định dự án, tiêu chí và cơ chế để đánh giá rủi ro, ban hành danh mục các ngành, lĩnh vực xanh, xây dựng chính sách hỗ trợ để các tổ chức tín dụng có các khoản TDX cho DN.

Nguyễn Thị Minh Chi chuyên gia tài chính doanh nghiệp

Thanh Hoa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI