Tiếp tục áp giá trần sữa đến hết năm 2016

14/05/2015 - 23:19

PNO - PN - Ngày 14/5, tại buổi thông tin báo chí, Bộ Tài chính cho biết vừa ra quyết định 857/QĐ-BTC về việc kéo dài biện pháp bình ổn giá với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tiep tuc ap gia tran sua den het nam 2016 

Thời gian áp giá trần sữa tiếp tục được áp dụng từ ngày 1/6/2015 - 31/12/2016.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), sau một năm thực hiện áp giá trần với một số mặt hàng sữa (từ ngày 1/6/2014 - 1/6/2015), Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về việc tiếp tục thực hiện biện pháp này.

Nguyên nhân là tới thời điểm hiện tại, giá sữa của Việt Nam vẫn đang cao hơn nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Giá sữa trung bình của Việt nam là 16USD/kg, trong khi giá bán của các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia chỉ dao động từ 9,5 USD - 14USD/kg…

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Tài chính khẳng định “Khi tổng kết, đánh giá việc triển khai bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, nhận thấy có sự đồng thuận của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Sự vào cuộc của các cơ quan quản lý đã hình thành mặt bằng giá mới và được giữ ổn định liên tục trong vòng 12 tháng. Điều này cho thấy, chủ trương bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi của chính phủ là hết sức đúng đắn”.

Kết quả thực hiện biện pháp áp trần giá trong năm đầu tiên, Bộ Tài chính thông tin, đã có 708 dòng sữa dành cho trẻ em đăng ký áp giá trần và công bố giá bán tối đa. Giá bán lẻ đã giảm từ 0,1 - 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Riêng với các dòng sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, mức giá giảm so với trước từ 1 - 5,5%.

Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính trên 519 triệu đồng với các đơn vị, tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy định của chương trình bình ổn giá sữa.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận, kết quả bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi còn “chưa chắc chắn” và tiềm ẩn nhiều dấu hiệu bất thường. Trong đó, đáng chú ý nhất là còn doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa có những biểu hiện cạnh tranh không bình đẳng trên thi trường, sử dụng “chiêu bài” thay đổi trọng lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm để xác định giá tối đa mới…

Đặc biệt, thời gian gần đây, giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm, nhưng số liệu ngành hải quan lại chứng minh ngược vấn đề này, từ đó, đặt ra nghi vấn về việc chuyển giá với các mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi.

Dù vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần phải có “quá trình dài” để xác minh vấn đề này, bởi thông tin giá sữa từ các thị trường trong khu vực ASEAN còn hạn chế.

Để giải quyết mức chênh lệch giá sữa, trước mắt, Bộ Tài chính đã gửi công văn yêu cầu các Sở tài chính địa phương đề nghị doanh nghiệp sản xuất sữa tiết giảm chi phí, điều chỉnh giá bán.

H.ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI