Tiếp thị sữa 'tung hoành' tại bệnh viện

28/05/2018 - 08:30

PNO - Các gian hàng sữa “lấn chiếm” không gian, giới thiệu các dòng sản phẩm, tặng quà… cho các “mẹ bầu” đi khám thai, chẳng còn xa lạ ở nhiều bệnh viện phụ sản.

Đáng nói, thông tin khách hàng được các nhân viên tiếp thị lưu giữ để tiếp tục tư vấn về sữa sau khi bà mẹ sinh con.

Siêu thị sữa trong bệnh viện

Với nhiều bà bầu khi đến khám thai tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, có lẽ không lạ khi mỗi lần đi qua sảnh chờ của khu vực phòng khám thai và thanh toán viện phí (nhà G) đều gặp phải những lời chào mời, chèo kéo từ nhan nhản các nhãn hàng và nhân viên tiếp thị sữa. Tại đây, có tới bốn quầy sữa được đặt dọc hai bên đường đi, bày la liệt sản phẩm và quà tặng từ trên bàn xuống dưới đất, trông chẳng khác nào… siêu thị sữa. 

Trong vai bà bầu đi khám thai, vừa bước vào sảnh, phóng viên được nhân viên của một nhãn sữa tận tình giới thiệu về dòng sữa dành cho các mẹ mang thai và cho con bú. Hứa hẹn sẽ tìm hiểu thêm về sản phẩm, phóng viên vừa lùi về hàng ghế chờ thì lại tiếp tục được hai nhân viên của hai hãng sữa khác đến hỏi thăm và tặng quà.

Tuy nhiên, để nhận được phần quà, khách hàng phải kê khai họ tên, số điện thoại, tuổi thai. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, hai cô gái này lại tiếp tục tới các hàng ghế, tiếp cận từng “mẹ bầu”. Không ít người từ chối, vì không muốn bị làm phiền, cũng như không muốn để lộ thông tin cá nhân.

Tiep thi sua 'tung hoanh' tai benh vien
Trong sảnh chờ, nhân viên tiếp thị sữa tới từng hàng ghế để tặng quà và khai thác thông tin của bà bầu

Tương tự, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đập ngay vào mắt bệnh nhân tại khu vực sảnh chính của nhà A là gian hàng bày bán bỉm cùng nhiều dòng sữa bà bầu. Nhân viên của hãng sữa đứng chen chúc trong quầy hàng, mỗi lần thai phụ đi qua lại mời chào đon đả… 

Chiều bài lách luật?

Nghị định 100/2014/NĐ-CP quy định cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ 0-24 tháng tuổi.  Tương tự, Nghị định 176/2013/NĐ-CP cũng quy định xử phạt với các hành vi tổ chức trưng bày sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ, thức ăn dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi tại các cơ sở y tế. Có thể thấy, việc bày bán sữa bà bầu tại các bệnh viện không vi phạm những quy định này, tuy nhiên, phía sau đó vẫn còn nhiều câu chuyện phải bàn.

Chị Nguyễn Lan Thương (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) cho biết, chị từng nhận một món quà từ nhãn hàng sữa khi đi khám thai tại bệnh viện. Đồng nghĩa với việc chị đã khai đầy đủ thông tin cá nhân và tuổi thai của mình. Vài tháng sau, chính nhân viên của hãng sữa này đã điện thoại cho chị để hỏi thăm tình hình em bé mới sinh, đồng thời tư vấn về sản phẩm. 

Tại hội thảo đánh giá việc tuân thủ các quy định về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, bà Đinh Thị Thu Thủy (Vụ pháp chế, Bộ Y tế) cho biết: “Bản thân tôi khi đến khám thai chuẩn bị sinh con, ngồi ở bệnh viện, có nhân viên của hãng sữa đến tiếp thị, xin số điện thoại. Khi tôi vừa sinh con xong thì có hãng sữa gọi điện tư vấn dùng sản phẩm thay thế sữa mẹ. Rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè của tôi cũng chia sẻ như vậy”.

Câu hỏi đặt ra là việc để các quầy kinh doanh “tung hoành” tại khu vực khám chữa bệnh liệu có phù hợp với môi trường y tế, khi nó ít nhiều gây ra tình trạng phiền nhiễu với bệnh nhân. Chị Nguyễn Hương (Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội) nhiều lần tới thăm khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương phàn nàn: “Bệnh viện thường đông đúc nên sự xuất hiện của cả chục nhân viên bán hàng, cùng các gian hàng lại càng làm tăng cảm giác chật chội. Đó là chưa kể, nhiều bà mẹ sẽ tin rằng, đây là những nhãn hàng được bệnh viện khuyến khích sử dụng, bảo đảm về chất lượng nên sẵn sàng rút hầu bao”. 

Không phải ai cũng nên uống sữa bà bầu

Thạc sĩ - bác sĩ Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho biết, sữa bà bầu giúp cung cấp đầy đủ các dưỡng chất quan trọng cho bà mẹ trong thời kỳ mang thai. Những người không ăn uống đủ thì nên bổ sung dinh dưỡng bằng sản phẩm này. Tuy nhiên, với những người có tình trạng dinh dưỡng bình thường, ăn uống tốt thì không cần thiết. 

Với các bà mẹ khi mang bầu bị thừa cân, béo phì, hoặc tăng cân quá nhanh thì không nên uống sữa bà bầu. Nếu vẫn cứ uống sữa bầu sẽ dẫn đến béo phì, tiểu đường thai nghén, tiền sản giật, con to quá dẫn đến đẻ khó. 

Những trẻ sinh ra nặng trên 3,5kg, tuy trông bụ bẫm khỏe mạnh nhưng thực chất có nguy cơ hạ đường huyết sau khi sinh. Do nồng độ insulin của người mẹ rất cao nên khi ra đời, hệ thống nội tiết của bé chưa thích nghi kịp, từ đó kéo theo một loạt hiện tượng như suy hô hấp, suy thở, suy tuần hoàn, suy tim, hạ thân nhiệt…

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI