“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” - còn mãi trong ký ức người lính biên cương

13/02/2023 - 19:28

PNO - "Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” là những ghi chép từ ký ức của tác giả Nguyễn Thái Long và đồng đội về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc giai đoạn 1979-1989.

Đèo Khau Chỉa nằm cách cửa khẩu Tà Lùng (biên giới Việt - Trung) hơn 10 cây số, thuộc quốc lộ 3 dẫn từ biên giới với Trung Quốc về trung tâm tỉnh Cao Bằng.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 2/1979), đèo Khau Chỉa là tuyến phòng ngự quan trọng và đã trở thành nơi ghi dấu cho những năm tháng không thể nào quên.

Hồi ức chiến trường của tác giả Nguyễn Thái Long, vừa được Nhã Nam cho ra mắt
Hồi ức chiến trường của tác giả Nguyễn Thái Long, vừa được Nhã Nam cho ra mắt

Tác giả Nguyễn Thái Long từng là người lính trực tiếp tham gia chiến đấu trên mặt trận Khau Chỉa (Cao Bằng). Năm tháng qua, ông đã miệt mài thu thập nhiều thông tin, tư liệu quý giá từ các đồng đội, và tái hiện cuộc chiến tranh biên giới năm xưa qua những chiến công oanh liệt và cả những hy sinh xương máu, mất mát của các chiến sĩ và nhân dân tỉnh Cao Bằng trong cuộc chiến tranh vệ quốc.

“Rạng sáng ngày 17/2, tiếng súng bùng lên dữ dội trên phòng tuyến đèo Khau Chỉa, mở ra cuộc chiến đấu chống quân xâm lược oanh liệt nhưng cũng đầy bi thương trên mặt trận phía đông tỉnh Cao Bằng…” – ký ức người lính bắt đầu từ những trận đánh ở cầu Tà Lùng, cầu Hồng Định, bản Bó Tờ, bản Chàm, đèo Canh Man…

Người lính Nguyễn Thái Long khi ấy là y sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 567 (Trung đoàn Phục Hòa - Khau Chỉa). Ông kể lại hình ảnh đồng đội đã chặn đánh kịp thời đoàn xe tăng địch, những trận mai phục tài tình, những chiến thuật đánh trả đầy mưu trí, và cả những điều tàn bạo mà kẻ thù đã gây ra cho bộ đội và nhân dân ta.

Bìa sách là hình ảnh của những người lính chiến đấu ở mặt trận biên giới phía bắc năm xưa
Bìa sách là hình ảnh của những người lính chiến đấu ở mặt trận biên giới phía Bắc năm xưa

Sau những ngày khói lửa ở Khau Chỉa, Trung đoàn 567 tiếp tục hành quân và chiến đấu ở Vị Xuyên (Hà Giang). Những trang viết chân thực, sinh động, đầy chất liệu và giàu cảm xúc. Trong ký ức của tác giả, Cao Bằng, Hà Giang ngày ấy không chỉ có tiếng súng, mà còn có vẻ đẹp thơ mộng của miền cao phương Bắc. Hoa gạo vẫn nở, và những bếp lửa nhà sàn của những gia đình đồng bào dân tộc vẫn ấm nồng những đêm đông…

Tác giả gom trọn ký ức của mình và đồng đội vào Tiếng vọng đèo Khau Chỉa, tái hiện một khúc bi tráng của lịch sử, thương nhớ đồng đội và tưởng nhớ những người đã ngã xuống, để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau một câu chuyện, một góc nhìn về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc qua lời kể của những người trong cuộc.

Tác giả Nguyễn Thái Long, sinh năm 1955, tại Bắc Giang. Năm 1972, ông nhập ngũ rồi học y sĩ trong quân đội. Năm 1975, ông ra trường, được điều về Trung đoàn 567. Năm 1976, ông cùng đơn vị được điều lên Cao Bằng làm kinh tế và tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Năm 1987, ông chuyển ngành làm bác sĩ chuyên ngành Tâm thần, sau làm giám đốc bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang.

Ông nghỉ hưu năm 2015.

Hàn Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI