Tiền Giang hướng đến phát triển công nghiệp hiện đại tập trung, quy mô lớn

18/03/2024 - 16:14

PNO - Chiều 18/3, UBND Tiền Giang tổ chức họp báo, thông tin công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Ông Nguyễn Hiếu Lễ - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang - cho biết, hội nghị tổ chức nhằm công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu đến năm 2030, Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị. Là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với TPHCM và vùng Đông Nam bộ.

Tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trở thành nơi đáng sống, các giá trị văn hóa phát triển toàn diện được bảo tồn và phát huy; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu…

UBND tỉnh Tiền Giang sẽ trao Quyết định Chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án tỉnh đã thu hút được; trao Chủ trương nghiên cứu dự án cho 10 dự án đầu tư đã được nhà đầu tư quan tâm, khảo sát để lập hồ sơ đăng ký thực hiện.

Tỉnh Tiền Giang sẽ giới thiệu Danh mục 40 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư trong năm 2024 thuộc các lĩnh vực như: phát triển đô thị, khu dân cư (13 dự án); thương mại, dịch vụ, du lịch (7 dự án); công nghiệp (12 dự án); kết cấu hạ tầng: giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (5 dự án); nông nghiệp (3 dự án).

Phương hướng tới, Tiền Giang sẽ phát triển công nghiệp hiện đại tập trung, quy mô lớn, thân thiện với môi trường; trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển tại 2 khu vực: Khu vực công nghiệp Tân Phước (10.000 ha) và khu vực công nghiệp Gò Công (5.000 ha).

 

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển ngành dịch vụ đặc biệt là ngành du lịch tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực khác; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Phát triển nông nghiệp đi đôi với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa.

Tiền Giang phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 25 đô thị, gồm 1 đô thị loại I (TP Mỹ Tho), 2 đô thị loại III (TP Gò Công và TP Cai Lậy), 8 đô thị loại IV (Mỹ Phước, Cái Bè, An Hữu, Chợ Gạo, Tân Hiệp, Vĩnh Bình, Tân Hòa, Vàm Láng) và 14 đô thị loại V. Trong đó, có 2 đô thị xây dựng mới là Phú Thạnh và Tân Điền. Huyện Châu Thành đạt một số tiêu chí của thị xã.

Khi đủ điều kiện tiêu chuẩn và chỉ tiêu sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung, thành lập 5 khu công nghiệp mới (diện tích 1.575 ha), nâng tổng số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 11 khu, với tổng diện tích là  3.358,6 ha vào năm 2030; phát triển mới 26 cụm công nghiệp, tổng diện tích 1.375 ha, nâng tổng số cụm công nghiệp toàn tỉnh lên 30 với tổng diện tích khoảng 1.476 ha (bao gồm 4 cụm công nghiệp đang hoạt động).

Theo UBND tỉnh Tiền Giang cho biết - sẽ nghiên cứu thành lập Khu công nghệ cao tại vùng công nghiệp phía Đông (nằm trong tổ hợp công nghiệp, dịch vụ, đào tạo và khu dân cư có tổng diện tích 800 ha). Xây dựng trung tâm dữ liệu quy mô lớn và khu công nghệ thông tin tại TP Mỹ Tho; khu công nghệ thông tin tại huyện Gò Công Đông.

Tiền Giang định hướng phát triển kết cấu hạ tầng thực hiện theo quy hoạch do trung ương quản lý đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt; bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tạo đột phá phát triển, nhằm tăng cường tính kết nối giao thông liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, quy hoạch các tuyến giao thông của Tiền Giang kết nối với tuyến đường bộ ven biển (Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng) để tạo sự kết nối đồng bộ, thông suốt và phát huy hiệu quả đầu tư toàn tuyến; nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường tỉnh tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng; quy hoạch mới cụm cảng Tiền Giang (loại I - III) trên sông Tiền, sông Soài Rạp, sông Vàm Cỏ, Rạch Lá.

Theo ông Lý Hoàng Chiêu - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, dự kiến 24/3 tới sẽ tổ chức hội nghị tại Hội trường Ấp Bắc - Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang (Địa chỉ: Số 6C, đường Rạch Gầm, phường 1, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Dự kiến khoảng 600 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố, doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh, Tiền Giang xúc tiến mời gọi đầu tư, giới thiệu quảng bá những tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh.

Tỉnh Tiền Giang sẽ quyết tâm cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, xây dựng các  giải pháp thật cụ thể để cùng đồng hành với các nhà đầu tư và doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, từng bước thực hiện các mục tiêu đã quy hoạch tỉnh.

 

Thanh Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI