Thưởng lãm áo dài qua mấy trăm năm

15/03/2024 - 05:56

PNO - Lễ hội Áo dài TPHCM năm 2024 (từ ngày 7 - 17/3) diễn ra với rất nhiều hoạt động. Triển lãm và tương tác với áo dài - một hoạt động diễn ra tại nhiều địa điểm, thỏa mãn được nhu cầu thưởng lãm của du khách.

Ngược thời gian, trở về quá khứ

Nằm trong khuôn khổ của Lễ hội Áo dài TPHCM năm 2024 (từ ngày 7 - 17/3) không gian triển lãm và tương tác với áo dài được tổ chức ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên Lam Sơn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư và nhiều điểm du lịch trên địa bàn thành phố.

Khu vực triển lãm áo dài ở phố đi bộ Nguyễn Huệ luôn thu hút đông đảo người thưởng lãm. Tại đây trưng bày nhiều hình ảnh và thông tin về lịch sử của chiếc áo dài qua các thời kỳ. Áo dài qua không gian triển lãm như một bộ phim về hành trình giao thoa văn hóa độc đáo giữa quá khứ với hiện đại.

Du khách tham quan không gian trưng bày hình ảnh về áo dài ở phố đi bộ Nguyễn Huệ
Du khách tham quan không gian trưng bày hình ảnh về áo dài ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

Chị Vũ Thị Kim Phượng (quận Tân Phú) nói: “Nhờ có các thông tin triển lãm mà tôi biết rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển của áo dài. Đó là câu chuyện áo dài trong dòng chảy ký ức, hành trình rực rỡ trong bức tranh văn hóa, áo dài đi vào ca dao hay bước ra thế giới… Minh họa cho mỗi giai đoạn là các mẫu áo dài mang đậm dấu ấn thời gian, rất riêng và ấn tượng”.

Còn chị Nguyễn Kim Quyên (quận 7) cho biết, chị cảm thấy thú vị khi được tìm hiểu và chiêm ngưỡng những đổi thay của áo dài qua các thời kỳ, một bức tranh tổng thể về trang phục truyền thống của phụ nữ, đất nước và con người Việt Nam.

Từ triển lãm, khách tham quan đã biết thêm về áo dài Việt từ kiểu dáng sơ khai nhất là áo giao lĩnh (thế kỷ XVII, tiền thân của áo tứ thân). Theo thời gian, để phù hợp hơn trong sinh hoạt hằng ngày, buôn bán hay làm đồng áng, chiếc áo giao lĩnh được thu gọn thành kiểu áo tứ thân với 2 vạt trước rời nhau, 2 vạt sau may liền thành tà áo. Áo tứ thân được nhắc đến như tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh” của người phụ nữ. Trên cơ sở áo dài tứ thân, đến đời vua Gia Long đã phát triển thành áo ngũ thân. 

Đến năm 1939, họa sĩ Cát Tường cải biến áo ngũ thân thành áo dài Lemur (được đặt theo tên tiếng Pháp của bà), chỉ với 2 vạt trước và sau, dài chấm đất. Vào cuối những năm 1950, thời trang áo dài bắt đầu thịnh hành, áp dụng lối ráp tay raglan xéo vai, hay được cách điệu với áo dài cổ thuyền cho phù hợp với thời tiết nóng bức ở miền Nam. 

Theo thời gian, áo dài không ngừng biến đổi, tiếp biến văn hóa với các yếu tố thời trang khác… Nhưng dù thế nào thì nó vẫn mang nét đặc trưng riêng biệt, vẫn tôn lên vẻ đẹp dịu dàng, truyền thống của người phụ nữ Việt.

Ngoài khu vực triển lãm tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Lễ hội Áo dài năm nay còn tổ chức không gian tương tác tại Nhà văn hóa Thanh niên. Nghệ nhân Năm Tuyền góp mặt vào triển lãm với bộ sưu tập áo dài ngũ thân và các công đoạn cắt may, đơm nút thủ công… giúp khách tham quan có cơ hội được trải nghiệm kỹ thuật và các công đoạn làm ra một chiếc áo dài.

Người dân tham quan và nhận áo dài miễn phí ở gian hàng “Áo dài yêu thương” của Hội LHPN TPHCM
Người dân tham quan và nhận áo dài miễn phí ở gian hàng “Áo dài yêu thương” của Hội LHPN TPHCM

Theo nghệ nhân Năm Tuyền, áo dài ngũ thân khác với áo dài hiện đại vì có cấu trúc thân và tay được kết nối liền với nhau, giúp người mặc có cảm giác thoải mái, phù hợp với thời tiết cũng như nhiều môi trường làm việc, sinh hoạt thường ngày.   

Là khách tham quan, thưởng lãm, chị Đoàn Thị Cẩm Tú (quận 3) cho biết: “Tôi thích thú với không gian triển lãm áo dài cũng như các không gian tương tác, trải nghiệm với các kỹ thuật vẽ, thêu và làm các phụ kiện đi kèm… Tôi thường mặc áo dài, nhưng để tận mắt nhìn thấy các nghệ nhân thực hiện các công đoạn hết sức công phu để làm nên chiếc áo dài mới càng thêm yêu, thêm quý chiếc áo. Để lan tỏa tình yêu với áo dài, tôi sẽ tiếp tục mặc nó khi tham gia những sự kiện quan trọng”.

Dừng lại để nhận yêu thương

Gian hàng “Áo dài yêu thương” của Hội LHPN TPHCM đặt tại công viên Lam Sơn (quận 1) là một phần của không gian triển lãm và tương tác. Người dân đến đây không chỉ được xem mà còn được tặng áo dài.

Trong bộ đồ đã bạc màu chị Lâm Diệu Hà (quận 1) thẫn thờ nhìn gian hàng áo dài đông đúc. Chị nghĩ, những bộ áo dài đang được trưng bày kia chắc là rất đắt rồi định rời gót. Nhưng ngay lúc chị bước đi thì có một chị ân cần mời vào tham quan. Nhìn ngắm, bộ nào cũng đẹp. Cuối cùng, chị Hà chọn bộ áo dài hoa trên nền xanh nhẹ nhàng. Mặc thử rồi quay tới, quay lui, ngắm nghía, chị Hà cười rạng rỡ: “Đã ngoài 40 tuổi, đây là lần đầu tiên tôi mặc áo dài. Tôi xin mấy cô bộ này về để dành, có dịp mới mặc”. Hằng ngày đi phụ quán, rửa chén, rửa ly kiếm sống nên chưa bao giờ chị Hà dám nghĩ đến việc mua một bộ áo dài. 

Du khách nước ngoài thích thú khi được tham quan và được tặng áo dài
Du khách nước ngoài thích thú khi được tham quan và được tặng áo dài

Chị Trần Thị Tuyết Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN quận 5 - cho hay, ngay từ ngày đầu khai mạc lễ hội, chị cùng nhiều chị em cán bộ hội đã túc trực tại gian hàng. Thấy nhiều người có ý muốn vào tham quan nhưng còn ngần ngại, các chị đã chủ động tiếp cận để mời vào. 

Những ngày qua, gian hàng “Áo dài yêu thương” đã trao đi hơn 1.000 bộ. Đây là những chiếc áo dài mà Hội LHPN TPHCM tiếp nhận từ Hội LHPN các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Nhiều du khách nước ngoài cũng rất thích thú, vào mặc thử và được tặng. Chị Natasha - du khách đến từ Indonesia - cho biết, chị đã thử và chọn cho mình chiếc áo màu vàng vải gấm. Đôi vợ chồng du khách người Nga cũng bày tỏ sự ngạc nhiên, bà vợ đã vào thử và nhận một bộ như một kỷ niệm đẹp trong chuyến du lịch tại TPHCM lần này. 

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI