Chào Việt Nam, áo dài!

13/03/2024 - 05:50

PNO - Suốt 1 tuần qua, Lễ hội Áo dài TPHCM đã thực sự trở thành một sự kiện văn hóa đặc sắc để chiếc áo dài Việt được lan tỏa, vươn cao và bay xa.

Đưa áo dài hội nhập quốc tế

Là một phần của lễ hội, chương trình tọa đàm Nét đẹp áo dài Việt và hội nhập quốc tế do Hội LHPN TPHCM phối hợp Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ TPHCM tổ chức đã diễn ra vào ngày 10/3. Tham gia tọa đàm có lãnh đạo, đại diện các sở ngành của thành phố, các nữ tổng lãnh sự và phu nhân tổng lãnh sự, cán bộ các cơ quan ngoại giao, người dân và khách quốc tế đến TPHCM.

Ai cũng rất ấn tượng bởi sự hoành tráng của Lễ hội Áo dài TPHCM năm 2024. Bà Milena Padula - phu nhân Tổng lãnh sự Ý - cho biết, bà rất thích thời trang. Cách đây 2 năm khi đến Việt Nam, bà vô cùng ngạc nhiên khi thấy áo dài thướt tha trên đường phố và đã yêu chiếc áo dài từ đó.

Bà Nguyễn Thị Lệ (thứ ba từ bên phải) - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM - cùng lãnh đạo các đơn vị chia sẻ câu chuyện áo dài với phu nhân Tổng lãnh sự Ý, Indonesia ẢNH: THIÊN ÂN
Bà Nguyễn Thị Lệ (thứ ba từ bên phải) - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM - cùng lãnh đạo các đơn vị chia sẻ câu chuyện áo dài với phu nhân Tổng lãnh sự Ý, Indonesia - Ảnh: Thiên Ân

“Áo dài không chỉ là thời trang mà còn là nét đẹp văn hóa. Điều này thể hiện ở cách người Việt Nam trân trọng chiếc áo dài” - bà Milena Padula chia sẻ. Và theo cảm nhận của bà, hiện nay người trẻ cũng yêu thích áo dài. Họ thường mặc áo dài trên đường phố, chụp rất nhiều ảnh và đăng lên mạng để lan tỏa tình yêu với áo dài.

Bản thân bà cũng rất thích mặc áo dài, cũng đi chụp hình các nơi để hòa mình vào trào lưu này. “Đây sẽ là những ký ức mãi ở trong tâm trí tôi. Tôi sẽ luôn nhớ về những màu sắc sống động trên đường phố, đặc biệt là màu áo dài của các bạn” - bà Milena Padula khẳng định.

Cũng có tình yêu dành cho áo dài, bà Tri Astuti Sofjan - phu nhân Tổng lãnh sự Indonesia - cho biết, đây là năm thứ ba bà được tham gia lễ hội áo dài và được trải nghiệm nhiều sự kiện hấp dẫn. Bà nhận xét: “Mỗi năm lễ hội đều có những nét riêng. Hôm nay, tôi thấy mọi người mặc áo dài rất nền nã, lịch sự và sinh động. Các quý ông mặc áo dài cũng rất chỉn chu và nam tính” - bà Tri Astuti Sofjan nói.

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM - cho rằng, áo dài không chỉ là trang phục, mà còn chứa đựng bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, triết lý và tinh thần của người Việt. Trải qua thăng trầm lịch sử, áo dài là trang phục đại diện cho sắc phục Việt Nam.

Chương trình trình diễn áo dài sáng 10/3 góp phần quảng bá hình ảnh áo dài  đến với bạn bè quốc tế - ẢNH: THIÊN ÂN
Chương trình trình diễn áo dài sáng 10/3 góp phần quảng bá hình ảnh áo dài đến với bạn bè quốc tế - Ảnh: Thiên Ân

Lễ hội Áo dài TPHCM trong 10 năm qua đã tiếp nối hành trình đưa chiếc áo dài trở thành di sản văn hóa, thu hút sự quan tâm tham gia của người dân, người Việt Nam ở nước ngoài và cả người nước ngoài. Bằng chứng là năm nay, ban tổ chức lễ hội đã tổ chức cuộc thi ảnh online Nét đẹp áo dài trên nước bạn.

Qua hơn 1 tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được tác phẩm dự thi của hơn 40 tập thể, hơn 200 cá nhân là người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài và cả người nước ngoài ở trên 30 quốc gia.

Tại các buổi trình diễn, mọi người đã được chiêm ngưỡng các bộ sưu tập áo dài độc đáo như bộ sưu tập áo dài Hương sắc Việt của nhà thiết kế Đức Vincie, 2 bộ sưu tập Sắc màu di sảnSống động cùng trải nghiệm của nhà thiết kế Năm Tuyền.

Trong đó, bộ sưu tập Sống động cùng trải nghiệm là những bộ áo dài truyền thống mang phong cách hiện đại, thuận tiện bước ra thế giới. Bộ sưu tập Sắc màu di sản được lấy ý tưởng từ vẻ sống động của TPHCM, pha trộn giữa áo dài truyền thống và phong cách phương Tây lại là sự giao thoa giữa 2 nền văn hóa Đông - Tây, nhưng ở đó bản sắc Việt vẫn thể hiện một cách tinh tế.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - phát biểu: “Chúng tôi có nhiều cảm xúc, cảm thấy vinh dự khi nhìn lại 10 năm của lễ hội áo dài. Sự kiện nhận được sự quan tâm của các cấp, các giới, các nhà thiết kế, đông đảo mọi tầng lớp nhân dân và du khách… Mỗi người một cách thể hiện nhưng đều có chung tình yêu và tạo nên sức sống trường tồn cho áo dài. Trong nhiều hoạt động, chúng tôi luôn tạo điều kiện để mọi người được tỏa sáng với áo dài, để áo dài đi vào đời sống một cách tự nhiên, gần gũi và mỗi người đều có thể trở thành đại sứ, góp phần lan tỏa cốt cách, tinh thần của người Việt Nam, quảng bá đất nước và con người Việt Nam trong nước và quốc tế”.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa thông tin, từ năm thứ 11 trở đi, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư, đổi mới về nội dung, hình thức và quy mô cho lễ hội, có những hoạt động cụ thể để cùng nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu với áo dài.

Hồn cốt và niềm tự hào dân tộc Việt

Tại tọa đàm Áo dài - niềm tự hào của người Việt diễn ra vào ngày 5/3 do nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM phối hợp với Hội LHPN quận 7 tổ chức (một hoạt động khác của lễ hội), thạc sĩ nghệ thuật Lê Sỹ Hoàng - nhà thiết kế, nhà sáng lập Bảo tàng Áo dài - đã chia sẻ những câu chuyện thú vị về đời sống của chiếc áo dài.

Theo ông, cuộc sống đổi thay từng ngày, chiếc áo dài cũng đa dạng về kiểu dáng để phù hợp với phong cách thời trang của từng giai đoạn. Nhưng dẫu có thay đổi thế nào thì áo dài vẫn luôn là biểu tượng của vẻ đẹp, văn hóa và là niềm tự hào của hàng triệu người con đất Việt. Hòa trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, áo dài trở thành loại trang phục chứa đựng hồn cốt và niềm tự hào dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Lệ (bìa trái) - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM - tham gia chương trình trình diễn áo dài vào sáng 10/3 - ẢNH: THIÊN ÂN
Bà Nguyễn Thị Lệ (bìa trái) - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM - tham gia chương trình trình diễn áo dài vào sáng 10/3 - Ảnh: Thiên Ân

Điều khiến nhà thiết kế áo dài Sỹ Hoàng tâm đắc khi nói về áo dài Việt Nam là “tự thân chiếc áo dài mang trong mình những quyền lực vô hình”. Ông cho biết, đặc trưng của chiếc áo dài khi mặc lên người là những đường cong, đường tròn. Thế nhưng, trong quá trình cắt may, áo dài hoàn toàn được tạo bởi những đường nét thẳng, nhất là với chiếc áo được may theo kiểu truyền thống. Cùng với cấu trúc đường thẳng đứng tạo nên nét tôn nghiêm cho người mặc, cấu trúc thắt eo, cổ áo cao truyền thống bắt buộc người phụ nữ khi mặc phải thẳng lưng, ngẩng cao đầu, tư thế toát lên sự tự tin, kiêu hãnh, khẳng định nữ quyền, bình đẳng. Khoác lên mình chiếc áo dài, người phụ nữ sẽ tự điều chỉnh hành vi, lời ăn tiếng nói, dáng điệu sao cho chuẩn mực hơn.

Nhà thiết kế gửi gắm: “Mặc áo dài không chỉ là góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc mà còn là trách nhiệm công dân. Mặc áo dài không chỉ cho mình mà còn vì thể hiện chủ quyền trang phục nước mình, thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc. Càng thương áo dài, tôi càng cẩn trọng trong các thiết kế. Tôi mong chúng ta ai cũng hiểu và thương áo dài như một người có kiến thức về văn hóa mặc. Hiểu để khi khoác lên người, chúng ta tự hào là người Việt Nam. Văn hóa mặc là điều chúng ta cần lan tỏa thật nhiều trong đời sống xã hội hôm nay. Đó còn là giá trị đạo đức, giá trị thẩm mỹ của áo dài mà mỗi công dân Việt Nam đều có trách nhiệm lưu giữ”.

Tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ, bà cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được đồng hành với ban tổ chức Lễ hội Áo dài TPHCM năm 2024 trong vai trò đại sứ nhằm lan tỏa tình yêu áo dài đến với cộng đồng. Một trong những điều bà tâm đắc là ngày nay, áo dài không còn xa lạ với cộng đồng. Hay nói khác hơn, áo dài đã đi vào đời sống và tự hào hơn là áo dài không phải chỉ thân thuộc với phụ nữ, mà ngày càng trở nên quen thuộc với nam giới và đặc biệt là các cháu thiếu nhi ở đủ mọi lứa tuổi.

“Là một cô giáo, một chuyên gia tâm lý nên áo dài luôn là trang phục mà tôi lựa chọn khi đi làm cũng như khi xuất hiện ở cộng đồng. Nay làm đại sứ, tôi càng ý thức hơn khi lựa chọn trang phục cho mình. Trong chuyến đi Úc thăm con cháu vừa rồi, hành trang tôi mang theo là những chiếc áo dài. Khi nhìn thấy chúng tôi mặc áo dài đi trên đường phố, nhiều người reo lên: “Chào Việt Nam! Áo dài!”. Điều đó khiến tôi rất tự hào bởi áo dài của chúng ta đã lan tỏa rất xa” - bà Lý Thị Mai chia sẻ. 

Thiên Ân - Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI