Trách nhiệm quản lý văn hoá: Cứ đà này, chúng ta chẳng còn gì cho tương lai

26/04/2019 - 06:45

PNO - Khi triển khai một dự án nào đó, chúng ta đang thiếu tiếng nói đa năng, liên ngành về quy hoạch một vùng đất hoặc một vấn đề trên diện rộng... Chúng ta đang nghe tiếng nói của nhà kinh tế, quy hoạch nhiều hơn..

Trach nhiem quan ly van hoa: Cu da nay, chung ta chang con gi cho tuong lai

Di chỉ Vườn Chuối có 3.000 năm tuổi đang được khai quật khảo cổ và đã bị san lấp một phần diện tích

Ngày 23/4, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) có Quyết định 1470 về việc thăm dò, khai quật khảo cổ, cho phép Ban quản lý danh thắng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò, khai quật tại 3 khu vực: gò Vườn Chuối, gò Mả Phượng, gò Dền Rắn, thuộc xã Kim Chung, H.Hoài Đức, TP.Hà Nội; thời gian thăm dò từ ngày 25/4 - 30/11. Theo đó, những hiện vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật, phải tạm nhập vào Bảo tàng Hà Nội để giữ gìn, bảo quản.

Trach nhiem quan ly van hoa: Cu da nay, chung ta chang con gi cho tuong lai
Một phần di chỉ Vườn Chuối bị xâm phạm trong quá trình làm đường khu đô thị

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản: Cứ đà này, chúng ta chẳng còn gì cho tương lai

Phóng viên: Thưa phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, ông có cảm thấy đây là “thắng lợi” sau một thời gian dài đấu tranh cho khu di chỉ Vườn Chuối?

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Huy: Tôi không nghĩ đây là một thắng lợi, mà chính xác là một thất bại về mặt văn hóa. Rõ ràng, theo lý, chúng ta phải bảo vệ, phát huy những giá trị này. Đằng này, hàng chục năm qua, khu di tích này bị “bỏ quên” . Vấn đề là, đây không phải lần đầu di chỉ này được cấp phép khai quật, mà là lần thứ 9 rồi. Sau khai quật rồi giải quyết thế nào nữa, chưa biết. Từ trước đến nay, không có một báo cáo công khai nào để xử lý, cũng không có đánh giá giá trị của Vườn Chuối về mặt Nhà nước, mà mới chỉ dừng lại ở những đánh giá của những người làm công tác nghiên cứu và khảo cổ học mà thôi. Lẽ ra, từ những đóng góp của giới chuyên môn, về phía Nhà nước, phải tiếp thu, tiếp nhận những kết quả đó, để đánh giá mức độ, tầm quan trọng của nó, để xem xét xếp di chỉ khảo cổ học này vào di tích lịch sử văn hóa của thành phố hay quốc gia, đồng thời đề xuất hướng bảo tồn.

Tôi cũng không biết, sau lần khai quật thứ 9 này, người ta có xem xét, đánh giá giá trị, có khoanh vùng bảo vệ di sản hay không; chứ những lần trước thì chỉ khai quật xong rồi để đó.

* Ông đánh giá thế nào về vai trò quản lý cũng như điều tiết của ngành văn hóa?

- Nói cho công bằng thì các cơ quan quản lý văn hóa của Nhà nước có làm, nhưng chưa tốt. Vì thế mới có chuyện, 8 lần khai quật mà không đưa được vào một quy hoạch để đánh giá, xem xét, cho tới khi truyền thông có ý kiến mới xử lý. Tôi cho rằng, ngành văn hóa đã thiếu chủ động, thiếu tích cực trong việc giải quyết một vấn đề hết sức quan trọng như thế này. Có thể họ không quan tâm hoặc không thấy được đó là một di chỉ rất quan trọng đối với Hà Nội và cả nước, cho nên họ bỏ qua chăng.

Ngoài Vườn Chuối, cũng vì không quan tâm mà hầu hết di chỉ khảo cổ học từ thời Hùng Vương đã được khai quật, đến nay đều không giữ được. Hiện nay, hầu hết di chỉ khảo cổ đã được khai quật, trừ Hoàng Thành và một vài chỗ, còn lại đều cơ bản là bị san lấp và coi như xong. Đó là mất mát rất lớn về mặt lịch sử quốc gia. Tôi cũng không biết người ta có nhìn thấy không hay nhìn mà không thấy. Có phải chúng ta đang vô cảm với văn hóa của đất nước mình?

Nếu bây giờ chưa có tiền, các nhà khảo cổ chưa đủ trình độ để khai quật, thì khoanh vùng giữ lại cho tương lai; bao giờ Nhà nước có nhiều tiền hơn, các nhà khảo cổ học có nhiều phương tiện để khai quật tốt hơn thì vào cuộc. Giờ hở ra là san ủi. Cứ đà này, chúng ta chẳng còn gì cho tương lai đâu.

Du Nguyên (thực hiện)

Trach nhiem quan ly van hoa: Cu da nay, chung ta chang con gi cho tuong lai

Tháng 4/2019, người dân phát hiện một số hiện vật, nghi là vật khảo cổ, thu gom và chôn số hiện vật này theo dạng mộ vô chủ

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội: Chính sách cũng là một nhân tố rủi ro đối với văn hóa

Phóng viên: Mỗi quốc gia đều có đặc điểm xã hội - văn hóa - lịch sử khác nhau. Nhưng trong quản lý văn hóa, có lẽ cũng theo một thông lệ quốc tế nào đó, thưa ông?

Trach nhiem quan ly van hoa: Cu da nay, chung ta chang con gi cho tuong lai

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc: Trong công tác bảo tồn di sản nói riêng và quản lý văn hóa hiện nay, xu hướng chung là kết hợp các bên liên quan cùng làm. Các nhà quản lý họ có kiến thức về quản lý, còn về chuyên môn thì họ cẩn thận mời các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, cùng tham mưu và đưa ra những chính sách phù hợp. Từ ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý sẽ đưa ra những chính sách hợp lý hơn. Không nên làm thay các công việc chuyên môn khác, vì nghĩ mình có đủ 
thẩm quyền.

* Theo ông, việc nhà quản lý can thiệp bằng những chính sách không hợp lý có ảnh hưởng như thế nào?

- Thông thường, tùy theo từng tình huống, từng trường hợp cụ thể mà sẽ có hội đồng chuyên môn và những chuyên gia tư vấn, thường là tư vấn độc lập, để cùng thảo luận và đưa ra những ý kiến xác đáng. Ở các nước, họ làm rất chuyên nghiệp và cẩn thận, qua việc nghiên cứu các nhân tố rủi ro tác động đến di sản và đưa ra giải pháp phòng ngừa. Chính sách cũng là một trong những nhân tố rủi ro. Nếu đưa ra chính sách sai, hệ thống di sản nói riêng và văn hóa nói chung sẽ chịu tổn thất hoặc tàn lụi. Cho nên, cần phải có các nhà nghiên cứu, tư vấn và đánh giá độc lập.

Người ta có thể đưa ra những ý kiến hoàn toàn khách quan và có cơ sở, nhưng phải mời đúng chuyên gia, để người ta góp ý, làm sao đảm bảo được tính chuyên môn. Bảo tồn cũng phải đúng quy cách. Chính sách quản lý phải phù hợp. Đến lúc nào đó, chúng ta phải đi đúng với thông lệ quốc tế - khi đưa ra chính sách gì phải có ý kiến tư vấn hay ý kiến phản biện của các nhà chuyên môn. Cần phải có những đề xuất, cảnh báo, để làm sao đảm bảo tính nguyên vẹn của di tích, đồng thời có thể phát huy năng lực của di tích đó.

Khi lấy ý kiến, triển khai dự án - gọi là đánh giá tiền khả thi, người ta sẽ nghiên cứu, đánh giá và có những kiến nghị cụ thể, làm cơ sở cho những chính sách khả thi. Ngoài chuyện lấy ý kiến, người ta còn phải xem xét, đánh giá tình hình thực tế ở mỗi vùng, mỗi cảnh huống, mỗi di tích, mỗi bối cảnh… Mỗi di tích có một bối cảnh khác nhau, không cái nào giống cái nào. Về nguyên tắc, không được kết luận. Ngay cả chuyên gia cũng phải xem xét tình huống rồi mới đưa ra đánh giá. Tránh trường hợp chúng ta cứ theo một khuôn mẫu nào đó rồi áp vào, dẫn đến có những cái không đúng, không phù hợp.

* Công tác quản lý văn hóa ở nước ta như thế nào, thưa ông?

- Hiện tại, khi triển khai một dự án nào đó, chúng ta đang bị thiếu tiếng nói đa năng, liên ngành về quy hoạch một vùng đất hoặc một vấn đề trên diện rộng. Ở các nước, trước mỗi dự án đều có nhiều tiếng nói, đại diện cho nhiều đối tượng khác nhau. Còn chúng ta lại đang nghe tiếng nói của nhà kinh tế, quy hoạch nhiều hơn mà thiếu tiếng nói của người dân.

Tiếng nói người dân là một phần của cộng đồng. Họ sẽ nói lên trải nghiệm, mong muốn thực tế của họ. Cộng đồng phải có người đại diện của cộng đồng ở cấp độ chuyên môn. Có những dự án phải có sự tham gia của các nhà xã hội học, nhân học, tâm lý học. Chẳng hạn, khi quy hoạch một vùng đất, nhà tâm lý học sẽ nghiên cứu về tâm lý của người dân gây ảnh hưởng như thế nào; yếu tố con người phải quan trọng nhất chứ.

Chung quy lại, sự phát triển là vì con người chứ không phải vì cái gì khác. Nếu có sự tham gia của các nhà nhân học, xã hội học, tâm lý học, lịch sử, nhà nghiên cứu văn hóa… họ sẽ đưa ra cái nhìn chuyên môn. Có sự tham gia của đa ngành như vậy thì lợi ích mới hài hòa được.

An Sơn (thực hiện)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng VĩƯu tiên cho văn hóa vẫn nằm sau những ưu tiên khác

 

Trach nhiem quan ly van hoa: Cu da nay, chung ta chang con gi cho tuong lai

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ

Với những danh thắng, di sản, bảo vật quốc gia, Luật Di sản đã quy định bảo vệ, không được xâm hại. Nhưng gần đây, nhiều di sản vẫn bị xâm hại ngang nhiên. Vấn đề đặt ra là vai trò quản lý của Nhà nước như thế nào? Hiện nay, chúng ta đang quản lý theo ngành dọc - từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đến sở, phòng văn hóa các tỉnh, đến địa phương. Vậy mà di sản vẫn cứ bị xâm hại. Họ bất chấp dư luận, bất chấp cả luật để phá bỏ, làm mới hoặc xâm hại di tích, có tiền là làm.

Tôi cho rằng, đó là lỗ hổng của thiết chế nhà nước. Những điều đó không phải không ai biết, nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà họ không xử lý. Rõ ràng chúng ta đang buông lỏng quản lý, tạo kẽ hở cho những kẻ lợi dụng, trục lợi trên di sản. Như di sản vườn Chuối, cần ngay quy hoạch rõ ràng, xây hàng rào bảo vệ, khi chưa khai quật được. Ở Nhật, họ làm điều đó rất tốt, tạo ra một không gian riêng của di sản, không ai được quyền xâm phạm, để giữ nguyên hiện trạng. Còn ở ta, cấp quản lý thờ ơ hay họ ưu tiên cho các việc khác chứ không ưu tiên cho văn hóa. Những người làm công tác quản lý thiếu hiểu biết hoặc tìm cách lảng tránh trách nhiệm, sợ trách nhiệm. Ở cấp cao hơn, Nhà nước đầu tư rất tùy tiện. Có nhiều lĩnh vực đầu tư nhanh, nhưng nhiều di sản lại bị thờ ơ, bỏ quên. Ưu tiên phát triển văn hóa, đặc biệt là di sản, vẫn nằm sau những ưu tiên khác. Sự đầu tư không cụ thể, chung chung, nên rất dễ bị các cán bộ thực thi lợi dụng, tắc trách.

Giải pháp để nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với việc bảo tồn di sản, theo tôi, các cơ quan quản lý cần đặt vấn đề bảo vệ di sản lên hàng ưu tiên 1, rốt ráo hơn; giao trách nhiệm rõ ràng và làm việc với từng địa phương có di sản. Việc này rất quan trọng, vì bây giờ chúng ta vẫn xử lý theo kiểu cha chung không ai khóc, không ai phải chịu trách nhiệm với những sai phạm đó cả. Những cán bộ làm công tác di sản phải nâng cao hiểu biết về văn hóa, về di sản. Có hiểu, có yêu thì mới bảo 
vệ được.

Việt Hà (ghi)

Nếu chỉ dựa vào pháp luật, để bảo vệ cái này cái kia, mà cán bộ ngành văn hóa không hiểu biết về giá trị của văn hóa, của di sản, thì không có ý nghĩa gì. Câu hỏi là: có phải chúng ta đang thờ ơ, vô cảm với di sản văn hóa hay không? Tôi cho rằng, sự thực còn nghiêm trọng hơn thế. Nói chúng ta thờ ơ và vô cảm là chúng ta còn hiểu được giá trị của di sản, chỉ là thái độ chưa đúng. Còn khi người ta không hiểu biết, không có trí tuệ và không thấu hiểu giá trị của di sản thì không thể nói họ vô cảm, vì họ không biết, không quan tâm.

Hiện nay, các chính sách bảo vệ di sản chúng ta nói nhiều rồi, hành lang pháp lý cũng có rồi, vai trò quản lý của Nhà nước cũng đã đặt ra rồi, nhưng không thể suốt ngày cứ nói chung chung được. Đòi hỏi vô cùng cấp thiết hiện nay đối với chuyện bảo tồn di sản, phát huy văn hóa là đào tạo nhận thức, chuyên môn của những người làm công tác văn hóa. Không phải cứ nắm luật là bảo vệ được đâu. Bản thân những người làm công tác di sản phải yêu và hiểu di sản mới bảo vệ được.
 

Giáo sư - tiến sĩ Trần Lâm Biền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI