Chị Thúy An cùng chồng (thứ 3 và 4 từ trái qua) và nhóm Phượng Ca
Phóng viên: Vì sao chị chọn tác phẩm Về với gia đình, thưa chị?
Nguyễn Thị Thúy An: Đây là tác phẩm Hector Malot viết về đề tài giáo dục gia đình, xuất bản lần đầu năm 1869. Quyển sách kể về cậu bé Romain Kalbris 9 tuổi mất cha, được gửi đến sống với người chú, một kẻ tham lam tàn nhẫn. Bị ngược đãi, bỏ đói, Romain bỏ trốn. Cậu sống đời hoang dã nguyên thủy, hái lượm trái cây, lần theo bờ biển để tìm kiếm cái ăn, chui trong hang động với nhiều hiểm nguy.
Trên hành trình của mình, Romain được một ẩn sĩ già - ông De Bihorel, sống trên một hòn đảo, nhận nuôi và trở thành người bảo trợ. Cậu còn gia nhập một gánh xiếc rong và gặp gỡ cô bé Diélette cùng tuổi, cùng cảnh ngộ. Những cuộc phiêu lưu của 2 đứa trẻ dẫn chúng mở ra một bức tranh về tầng lớp nghèo khổ của Paris một thời. Qua từng tình huống, cuộc đời các nhân vật cho ra những bài học về cách làm người, về vai trò của giáo dục, về lòng nhân ái, tính tự cường … được tác giả khéo léo chuyển tải.
Giống như Không gia đình và Trong gia đình, qua tiểu thuyết này, chúng ta cảm nhận tinh thần nhân văn cao cả cùng sự vĩ đại của những con người bé nhỏ trong nghịch cảnh. Ngay khi đọc tác phẩm, tôi đã bị cuốn hút bởi cốt truyện và lối viết. Việc chuyển ngữ quyển sách là một nhu cầu được chuyển tải tinh thần nhân văn, cái hay, cái đẹp của câu chuyện giáo dục gia đình đến cùng độc giả của chính tôi.
Chị Nguyễn Thị Thúy An (đứng giữa) cùng bố và hai em gái
Năm 2024, tác phẩm Nàng Mireille của Frédéric Mistral do chị chuyển ngữ đã được Nhà xuất bản Văn học phát hành. Cuốn sách thật đẹp với phiên bản giới hạn. Phải chăng đó chính là chủ ý của chị vì sự tinh tế, sang trọng, sâu lắng của sách với nguyên bản của nó hay còn một lý do nào khác?
Nguyễn Thị Thúy An: Dịch tác phẩm của tác giả từng đoạt giải Nobel có lẽ là cơ duyên của tôi. Tất nhiên là tôi cũng phải làm thử trước khi bắt tay vào chuyển ngữ Nàng Mireille sang tiếng Việt. Tôi đã từng dịch tác phẩm của một nhà văn trước khi nhà văn đó đoạt giải Nobel.
Khi dịch những tác phẩm như Nàng Mireille cần phải nghiên cứu rất nhiều về ngôn ngữ Pháp và ngôn ngữ địa phương, về văn hóa vùng miền và tôn giáo để có thể truyền tải hết ý tưởng của nhà văn. Tôi rất vui vì tác phẩm có một vị trí xứng đáng, được trân trọng bởi đội ngũ thực hiện.
Chị bắt đầu dịch sách từ năm nào và cơ duyên nào khiến chị bắt tay vào công việc này?
Nguyễn Thị Thúy An: Tôi bắt đầu dịch sách năm 2013, lúc đó tôi đang học Cao học chuyên ngành Dịch thuật văn chương ở Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông INALCO tại Paris. Tôi đã chọn Tác phẩm La place của Annie Ernaux làm đề án vì văn phong độc đáo và lối viết tự sự chưa từng thấy của nữ nhà văn. Sau khi bảo vệ xong thì tôi gửi thử một chương và tác phẩm Một chỗ trong đời được Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản lần đầu năm 2016 và được tái bản năm 2022 sau khi nhà văn đoạt giải Nobel văn học.
Tác phẩm chị dịch chưa nhiều nhưng nhìn lại đều là sách, truyện văn học. Chị tự lựa chọn cho mình dòng sách, hay được đặt hàng?
Nguyễn Thị Thúy An: Khi nhìn lại những quyển đã dịch, cả quyển mà tôi chọn là Một chỗ trong đời và những quyển được đặt hàng như Nàng Mireille, Về với gia đình đều là những tác phẩm văn học. Thật là một cái duyên khi đó mới chỉ là mảng dịch thuật văn học. Tuy nhiên, tôi không hoàn toàn muốn đóng khung mình vào riêng văn học, nếu có cơ hội, tôi muốn dịch những chủ đề, lĩnh vực khác như văn hóa, môi trường, giáo dục...
Chị Nguyễn Thị Thúy An (bìa phải) và chồng cùng bạn bè ở ngày hội Áo dài Việt Nam ở Paris, tháng 9/2024
Chị có dự định dịch sách từ tiếng Việt sang tiếng Pháp không?
Nguyễn Thị Thúy An: Tôi đã dịch được một số truyện ngắn từ tiếng Pháp sang tiếng Việt cho tạp chí của các trường Đại học tại Pháp, không chỉ ở các trường tôi dạy mà còn ở các tạp chí liên quan đến Văn chương châu Á hay phương Đông. Tôi có dự định dịch một tiểu thuyết từ tiếng Việt sang tiếng Pháp. Hiện tại tôi có đơn đặt hàng viết giáo trình tiếng Việt cho một nhà xuất bản Pháp.
Chị có thể chia sẻ thêm về công việc giảng dạy tiếng Việt?
Nguyễn Thị Thúy An: Hiện công việc chính của tôi là giảng dạy tiếng Việt theo hệ chính quy tại Trường Đại học Paris Cité (Université de Paris Cité).
Lúc đầu tôi làm giảng viên thỉnh giảng trong 3 năm tại trường Paris Diderot. Bên cạnh đó tôi đã đi dạy tiếng Việt suốt 5 năm cũng ở vị trí giảng viên thỉnh giảng ở Đại học Rennes 2 (thuộc thành phố Rennes, vùng Bretagne). Trong thời gian này tôi có giảng dạy chính ở INALCO (2016-2020).
Để giảng dạy tiếng Việt nơi đất bạn, không chỉ nỗ lực học tiếng Pháp, tìm hiểu văn hóa nước bạn mà còn phải trau dồi kiến thức, văn hóa Việt Nam. Năm 2017, tôi từng về Việt Nam tham gia lớp tập huấn cho giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài do Bộ giáo dục và Đào tạo kết hợp với Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức. Sau khóa học, tôi được cấp chứng chỉ Teaching Vietnamese Training Course. Sau đó, tôi tiếp tục nghiên cứu về Ngôn ngữ tiếng Việt tại INALCO sau khi đã có bằng Cao học về Dịch thuật văn chương để có thể gắn bó lâu dài với công việc giảng dạy.
Giảng viên Nguyễn Thị Thúy An (bìa phải) tại Journées Portes Ouvertes – INALCO, giới thiệu ngành học và tiếng Việt
Ngoài giảng đường đại học, dường như chị còn giảng dạy tiếng Việt ở cộng đồng?
Nguyễn Thị Thúy An: Từ năm học 2023-2024, Foyer Vietnam (Ngôi nhà Việt Nam) ở quận 5 Paris có mời tôi dạy buổi tối cho các học viên có nhu cầu học tiếng Việt vì mục đích riêng tư hay công việc. Năm nay đã có 3 lớp học với 3 trình độ khác nhau, mỗi lớp hơn một chục học viên. Có thể nói từ 2015 đến nay tôi luôn gắn bó với việc giảng dạy tiếng Việt như nghề chọn người lúc ban đầu để rồi tìm thấy đam mê một phần vì đó là sợi dây liên kết mình với Việt Nam, với văn hóa gốc của mình.
Rất nhiều sinh viên có ông/ bà, cha/ mẹ là người Việt mà đăng kí học tiếng Việt. Các bạn rất tự hào khi có thể đọc, viết và hát những bài hát dân ca đã từng nghe từ thuở ấu thơ và giờ đây được hát những bài hát ưa thích của giới trẻ. Tôi được biết nhiều gia đình có các anh chị em lần lượt đăng ký học tiếng Việt. Đối tượng của những lớp học này còn là các bạn thích học tiếng Việt như một ngoại ngữ. Một số bạn Pháp không có huyết thống Việt Nam nhưng vì tình yêu sét đánh, vì một chuyến du lịch trong kỳ nghỉ với gia đình mà quyết tâm sau khi đỗ tú tài là đăng ký vào ban Việt học dù phải từ các thành phố khác đến Paris học. Một số bạn chuyên các ngành khác nhau như: kiến trúc, khảo cổ học, tôn giáo, âm nhạc, điện ảnh cũng học tiếng Việt để đi Việt Nam nghiên cứu.
Sinh viên quốc tế tại lớp tiếng Việt của cô giáo Nguyễn Thị Thúy An
Và chị hay nói, nước Pháp là quê hương thứ hai của chị…
Nguyễn Thị Thúy An: Gia đình tôi từ ông nội đến thế hệ thứ 3 là tôi đều có duyên với nước Pháp nên tôi coi nước Pháp là quê hương thứ hai của mình. Chồng tôi là người gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Pháp. Anh học tiếng Việt theo cách truyền khẩu nên vốn từ vựng của anh vừa đủ để giao tiếp. Anh rất hay hỏi tôi về lý thuyết để nắm vững hơn về ngữ pháp tiếng Việt. Chúng tôi có sở thích về nhạc cụ và võ dân tộc. Do văn hóa tương đồng và yêu thương, tôn trọng nhau nên cuộc sống của chúng tôi đơn giản và ấm áp.
Gia đình chồng tôi hay có các bữa ăn chung để tăng thêm sự gắn kết giữa mọi người trong gia đình. Còn gia đình tôi ở Việt Nam nên tôi luôn phấn đấu và thu xếp một năm về một lần thăm gia đình và đi du lịch Việt Nam. Chính sự kết nối này giúp tôi cân bằng trong cuộc sống.
Cảm ơn chị.
Dịch giả Nguyễn Thị Thúy An và chồng