Thi vào lớp 10: Đừng để học sinh tổn thương

14/05/2024 - 17:29

PNO - Quyền được chọn lựa là một trong những quyền chính đáng của người học và được triển khai mạnh mẽ trong các hệ thống giáo dục tiên tiến.

Trước mỗi kỳ tuyển sinh lớp 10 hàng năm lại xảy ra những dấu hiệu “định hướng”, “vận động” một số học sinh lớp 9 không thi vào công lập. Vì sao việc này đến nay vẫn chưa chấm dứt?

Học sinh thi vào lớp 10 - Ảnh minh họa
Học sinh thi vào lớp 10 - Ảnh minh họa

Cháu tôi học lớp 10, vừa có kết quả kiểm tra học kỳ 2. Tất cả các môn cháu đều đạt điểm 7 trở lên, trong đó có 2 môn đạt điểm 8,5. Vậy mà hồi năm ngoái, khi chuẩn bị đăng ký tuyển sinh lớp 10, cháu được cô chủ nhiệm “khuyên” không đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 công lập mà nên đăng ký học trường nghề vì “có thi cũng không đậu”.

Cha của cháu không làm theo ý cô giáo mà “cứ thi đã, không đậu sẽ tính sau”. Tích cực ôn luyện, kết quả, cháu thi đậu vào một trường công lập. Từ đó, cháu trở nên tự tin, siêng năng học hành, tin thần phấn chấn.

Tôi quá mừng vì sự thay đổi của cháu, bởi hai cha con cháu từng buồn lo, hụt hẫng khi tâm sự với tôi về lối rẽ trường nghề mà cô giáo chủ nhiệm vạch sẵn.

Mới đây, dư luận lại xôn xao bàn tán về thông tin giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn, TPHCM phát đơn "xin không thi tuyển sinh lớp 10" in sẵn cho phụ huynh học sinh điền tên.

Ngay sau đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định, không cho phép các trường THCS, giáo viên chủ nhiệm vận động, ép buộc phụ huynh học sinh không dự thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Quan điểm của sở là tạo mọi điều kiện cho học sinh tham gia dự thi tuyển sinh vào lớp 10 để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Thực tế cho thấy, bệnh thành tích, kỳ vọng “đạt 100%” học sinh thi đậu luôn ám ảnh nhà trường, đè nặng lên vai của trường học, giáo viên. Và, học sinh chính là nạn nhân của bệnh thành tích này. Việc phát đơn "xin không thi tuyển sinh lớp 10" in sẵn cho phụ huynh học sinh điền tên phải chăng là hành vi ngăn cản học sinh thi vào lớp 10 công lập? Nếu đúng, thì đây là hành vi xâm phạm, tước đi quyền chọn lựa của học sinh, tạo ra hệ luỵ tiêu cực, ảnh hưởng đến tinh thần và phát triển cá nhân học sinh. Các em có thể bị mặc cảm vì không được coi trọng.

Quyền được chọn lựa là một trong những quyền chính đáng của người học và được triển khai mạnh mẽ trong các hệ thống giáo dục tiên tiến.

Mỗi năm có bao nhiêu học sinh có tiềm năng học tập tốt nhưng chưa được khơi gợi đúng hay vì lý do nào đó mà điểm số chưa tốt trong một thời điểm nhất định, phải rẽ ngang vào lối mà trẻ không mong muốn?

Lê Đông Hường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI