Thí sinh Trung Quốc mặc áo dài Việt thi Hoa hậu Trái đất: Màn thua trông thấy từ sự chậm trễ

16/10/2020 - 06:27

PNO - Áo dài Việt là của người Việt, điều đó phải được chứng minh bằng văn bản, nhằm tránh sự “chiếm đoạt” văn hóa đến từ các quốc gia.

Trong một clip dài hơn một tiếng đồng hồ phát trên kênh YouTube của Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Trái đất năm 2020 (Miss Earth 2020) tối 14/10, ở phần thi Tài năng Khiêu vũ dành cho thí sinh thuộc khu vực châu Á - châu Đại Dương, một thí sinh người Trung Quốc mặc bộ trang phục giống hệt áo dài truyền thống của Việt Nam khiến nhiều người bất ngờ.  

Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 7 khai mạc tối 11/10 và kéo dài đến tháng 11
Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 7 khai mạc tối 11/10 và kéo dài đến tháng 11

Tất nhiên, lần này, không có ai “tuyên ngôn” trang phục đang mặc mang “phong cách Trung Quốc” như bộ sưu tập của thương hiệu Ne-Tiger tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc xuân - hè 2019 trước đây. Song, để tránh lập lờ trong nhận diện thương hiệu văn hóa của quốc gia, việc xây dựng quốc phục Việt Nam ngày càng trở nên bức thiết. 

Áo dài Việt là của người Việt, điều đó phải được chứng minh bằng văn bản, nhằm tránh sự “chiếm đoạt” văn hóa đến từ các quốc gia. Nhưng vài chục năm qua, kể từ khi đề án xây dựng quốc phục Việt Nam, được lập ra từ năm 1990 đến nay, áo dài Việt vẫn chưa có được danh xưng xứng tầm với giá trị, để rồi khi một quốc gia nào đó nhận vơ áo dài là trang phục của họ, chúng ta hô hào họ “vay mượn”, “ăn cắp”, nhưng thiếu bằng chứng để khẳng định lý lẽ của mình. 

Cuối tháng 6/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo quốc gia mang tên Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc. Tại hội thảo, một ý kiến nêu rằng cần sớm hoàn thành hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam, đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đệ trình ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO. 

Áo dài cần sớm được công nhận là quốc phục
Áo dài cần sớm được công nhận là quốc phục

Riêng ở TP.HCM, Bảo tàng Áo dài đã khánh thành từ năm 2014 sau mười năm được nhà thiết kế Sĩ Hoàng kỳ công chuẩn bị và thu thập tư liệu, hiện vật… Lễ hội Áo dài TP.HCM - được xác định là thương hiệu văn hóa của TP.HCM đang diễn ra từ nay tới tháng 11 - cũng đã qua bảy kỳ tổ chức.

Nhà thiết kế Minh Hạnh: 

Thôi nói miệng, cần cho áo dài một “nhân thân” rõ ràng

Điều tốt nhất Việt Nam có thể làm là đẩy nhanh tiến trình để áo dài được công nhận là di sản, trên giấy tờ. Chúng ta yêu quý áo dài là đúng, nhưng phải cho áo dài nhân thân rõ ràng chứ không thể nói miệng được.
Trong những năm qua Trung ương Hội LHPN Việt Nam cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn cố gắng để sớm đưa áo dài được công nhận là di sản. Ngày 20/10 tới đây, Trung ương Hội sẽ cho ra mắt bộ nhận diện mới và chúng cũng được in lên những mẫu áo dài để đánh dấu một bước tiến mới. Ngoài ra, tiến trình này đã đi được một chặng đường đáng kể, qua những hoạt động tại Hội An, Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội)… để góp phần hoàn thiện hồ sơ.

Trung ương Hội đã rất nỗ lực, nhưng họ cũng đang gặp khó về những thủ tục hành chính. Rõ ràng, áo dài là của người Việt, nhưng vẫn chưa được công nhận thì có uất ức cho người Việt hay không? Theo quy trình, hồ sơ phải trình qua Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Hồ sơ không phải là yêu cầu không chính đáng, ở đây vai trò của Cục Di sản văn hóa và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là vô cùng quan trọng. Nhưng bản thân họ khi hướng dẫn cũng không hiểu hết được vấn đề. Đó mới là điều quan trọng. Tôi cho rằng chuyên viên phải đầy đủ kiến thức và hiểu luật.

Thành Lâm (ghi

Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang thực hiện chuỗi hoạt động hưởng ứng sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”. Tất cả cho thấy chúng ta đang rất quyết tâm đưa áo dài trở thành Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. 

Đây không chỉ là nguyện vọng của người dân Việt Nam mà với giá trị tự thân của áo dài Việt, trang phục này cần có được một danh xưng đúng nghĩa. Nhưng, nghĩ mà ngao ngán khi nhiều hội thảo, lễ hội áo dài được diễn ra rình rang năm này qua tháng nọ, thì hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam mãi vẫn chưa hoàn thành, thậm chí việc công nhận áo dài trở thành quốc phục Việt vẫn còn bỏ ngỏ. 

Để tránh việc bị đánh cắp, “cho áo dài là trang phục của một quốc gia khác”, Việt Nam có thể mang áo dài đi đăng ký sở hữu trí tuệ tại Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO). Tuy nhiên, theo nguyên tắc, việc đăng ký phải thuộc về một cá nhân cụ thể. Do đó, để WIPO công nhận, áo dài phải được công bố là quốc phục Việt Nam, là một di sản của người Việt. Mọi bước đi khẩn cấp để bảo vệ áo dài Việt, tránh bị sao chép, ăn cắp đều quy về chỗ áo dài phải được công nhận là quốc phục. Vậy mà, câu chuyện cấp thiết được “đào xới” từ hàng chục năm qua đến giờ vẫn chưa đâu ra đâu. 

Ai cũng biết áo dài là của người Việt Nam nhưng thiếu sự công nhận chính thống tại quốc gia nơi nó được sinh ra thì lấy gì để khẳng định, bảo vệ di sản của chính mình? 

Phó giáo sư - tiến sĩ Đặng Văn Bài (nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam):

TP.HCM nên đi đầu đưa áo dài thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Chúng ta cần phân biệt hai khái niệm. Ở đây, nên hiểu áo dài là sản phẩm - một biểu hiện vật chất cụ thể, còn kỹ năng thiết kế, nghệ thuật may đo mới là Di sản văn hóa phi vật thể. Do đó, chúng ta không chỉ tôn vinh áo dài, mà cần tôn vinh những cá nhân góp phần làm nên tà áo dài từ người trồng dâu, nuôi tằm, người se sợi, thiết kế, may đo… Nói để thấy, áo dài là biểu trưng cho một đời sống xã hội, là trang phục của một bộ phận, tầng lớp tại Việt Nam. 
Áo dài được phụ nữ khoác lên từ nhiều thập niên nay trở thành hình ảnh quen thuộc, in sâu vào ký ức, đời sống của người dân, nên nói áo dài là quốc phục Việt, không ai có thể phủ nhận. Nếu có ai đó làm điều gì sai với trang phục truyền thống của phụ nữ Việt, thì đó là lỗi của họ, còn ở ta, việc đầu tiên cần làm để bảo vệ áo dài ngay lúc này là TP.HCM, Hà Nội hay Huế hãy đề xuất đưa áo dài trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. TP.HCM đi đầu trong công tác này là phù hợp nhất. Trong đó, tôi cho nhà thiết kế Sĩ Hoàng với Bảo tàng Áo dài là người xứng đáng cùng Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM trình hồ sơ xét áo dài trở thành Di sản văn hóa phi vật thể lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chúng ta phải thực hiện từng bước để áo dài được công nhận. Còn về chuyện chậm trễ nhiều năm qua, vì không thuộc thẩm quyền, chuyên môn nên tôi không rõ lý do cụ thể vì đâu.

Minh tú (ghi)

Diễm Mi

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI