"The Pianist": Hồi ức đau đớn về chiến tranh

29/08/2022 - 07:46

PNO - Cuộc đại chiến thế giới đưa nghệ sĩ dương cầm Ba Lan Szpilman vào nỗi khổ cùng cực. Bộ phim "The pianist" đã trở thành kinh điển về hoàn cảnh con người thời chiến.

The Pianist (Nghệ sĩ dương cầm) là bộ phim điện ảnh do Pháp, Anh, Đức, Ba Lan đồng sản xuất; do Roman Polanski đạo diễn và Adrien Brody đóng chính. Công chiếu năm 2002, tác phẩm giành ba giải Oscar cùng hàng loạt giải thưởng danh giá. Sau 30 năm, bất chấp những rắc rối đời tư của Polanski, The Pianist vẫn được xem là một kiệt tác điện ảnh thế giới. Bộ phim lấy bối cảnh Thế chiến thứ hai này lại càng thêm giá trị trong những ngày bóng ma chiến tranh vẫn đang đe dọa sự an lành của người dân.

Diễn xuất tuyệt vời của Adrien Brody đã mang lại linh hồn cho bộ phim The pianist
Diễn xuất tuyệt vời của Adrien Brody đã mang lại linh hồn cho bộ phim The Pianist

Thân phận con người thời chiến

Kịch bản The Pianist dựa trên cuốn hồi ký cùng tên của nghệ sĩ dương cầm Do Thái Władysław Szpilman (Adrien Brody đóng). Vào năm 1939, ông đang chơi nhạc ở Warsaw (Ba Lan) thì quân Đức tấn công, xâm lược đất nước này. Szpilman cho rằng chiến tranh sẽ sớm chấm dứt khi Anh và Pháp đã tuyên chiến với Đức. Tuy nhiên, viện trợ không đến kịp, Ba Lan nhanh chóng thất thủ. Warsaw rơi vào ách thống trị của Đức Quốc xã, còn những người Do Thái phải sống dưới chế độ hà khắc.

Tháng 11/1940, Szpilman cùng gia đình bị buộc chuyển đến một khu vực có điều kiện sống tệ hại. Nhiều người chết đói, sĩ quan Đức sẵn sàng xuống tay với bất kỳ người Do Thái nào. Nhiều người Ba Lan bắt đầu nghĩ đến việc nổi dậy nhưng phải đối mặt với quân đội tinh nhuệ và tàn nhẫn của kẻ thù.

Szpilman may mắn được một số người bạn giúp đỡ nên không bị sát hại. Anh có được một chỗ ẩn náu bí mật giữa lúc tình hình thành phố ngày càng bất ổn. Song, khi những cuộc đụng độ giữa quân Đức và lực lượng phản kháng nổ ra, chàng nhạc sĩ mất nơi ở và phải lang thang khắp nơi. Sức khỏe của Szpilman ngày càng suy yếu, thức ăn khan hiếm dần trong lúc anh phải đối diện nỗi sợ thường trực - bị lính Đức bắt gặp.

The Pianist mang cốt truyện đơn tuyến và dễ theo dõi với bất kỳ khán giả nào. Phim đi theo góc nhìn của nhân vật chính, kể lại những trải nghiệm chiến tranh từ con mắt của một nghệ sĩ. Szpilman không phải người hùng mà chỉ là một con người bình thường, đối mặt với nỗi đau và những ngày tháng chạy trốn vạ vật. Người nghệ sĩ ấy chỉ mong cuộc chiến mau kết thúc để có thể nhìn thấy lại những con đường thanh bình, được chơi nhạc.

The pianist nhận bảy đề cử tại Oscar lần thứ 75 và giành được ba giải
The Pianist nhận bảy đề cử tại Oscar lần thứ 75 và giành được ba giải

The Pianist chẳng phải một bản hùng ca mà giống như một khúc nhạc trầm buồn của một người đàn ông chịu quá nhiều đau khổ. Theo chân nhân vật chính, khán giả được trải qua một phiên bản rút gọn của các diễn biến lịch sử trong Thế chiến thứ hai. Qua đôi mắt của một người bình thường, chiến tranh càng thêm phần ám ảnh và đau thương đến tột cùng. Không có vinh quang hay những bài diễn văn hào hùng mà chỉ là những con đường đổ nát với xác người vương vãi.

Âm thanh và hình ảnh được đạo diễn sử dụng hiệu quả để truyền đạt các lớp ý về sự điêu tàn. Tiếng dương cầm của Szpilman đối lập với tiếng súng đạn hay tiếng la mắng của quân đội Đức. Âm thanh bom đạn trong phim có thể làm người xem sợ hãi, trong khi những tiếng kêu la thảm thiết lại khiến họ đau xé lòng. 

Thủ pháp để nhân vật quan sát qua ô cửa nhiều lần được sử dụng, như khẳng định tính chứng nhân của Szpilman với câu chuyện. Từ góc cửa sổ ở chỗ trốn, người nghệ sĩ nhìn ra đường và theo dõi dòng chảy lịch sử. Nhiều trận quyết chiến đã diễn ra bên dưới, tước đoạt mạng sống biết bao người và khiến góc phố nhỏ ngày càng điêu tàn, cho đến lúc chính Szpilman cũng không thể an thân ẩn náu.  

Nghệ thuật vượt lên đau khổ

Lớp nghĩa thứ hai của phim nằm ở thân phận đặc biệt của Szpilman - một nghệ sĩ. Một mặt, anh phải vật lộn với những nhu cầu đời thường như ăn, ngủ hay bảo toàn tính mạng. Mặt khác, anh duy trì tâm hồn nghệ sĩ với những rung động tinh tế. Một đôi tay sinh ra để chơi dương cầm giờ bị đẩy vào cuộc vật lộn giữa nơi khói lửa.

Suốt 2 giờ 30 phút phim, The Pianist cho thấy sức sống mãnh liệt của nghệ thuật, cả ở những thời điểm tưởng chừng nó đã bị dập tắt. Những bản nhạc Polanski chọn để đưa vào phim đều mang tính kể chuyện. Ở phần mở đầu phim, đó là bản Dạ khúc số 20 cung Đô thăng thứ (Nocturne No.20 in C-sharp Minor Op. post) của Chopin. Bài này được Chopin gửi gắm tâm sự của một người con xa xứ, mang tính báo hiệu cho hoàn cảnh thê lương sắp tới của Szpilman. Ngay cả khi bom nổ, Szpilman vẫn đắm chìm trong giai điệu ấy như minh chứng cho lòng yêu nghệ thuật vô bờ bến.

Sau nhiều phân cảnh đậm chất hiện thực, chủ yếu mô tả tội ác của phát xít Đức, âm nhạc tưởng chừng đã biến mất khỏi bộ phim. Nhưng, nó lại trỗi dậy ở một cảnh quan trọng, khi Szpilman bước vào một nơi trú ẩn có đặt chiếc đàn piano. Do đang chạy trốn, anh không được phép gây ra tiếng động. Chàng nghệ sĩ chỉ có thể tưởng tượng cảnh mình đang lướt các ngón tay trên những phím đàn. Bản nhạc vang lên lúc này là Grande Polonaise brillante Op. 22 của Chopin, mang âm điệu vui tươi như hy vọng của nhân vật chính cho tương lai.

Không khó hiểu khi âm nhạc của Frédéric Chopin được dùng nhiều trong The Pianist. Nhà soạn nhạc thiên tài ở thế kỷ XIX được xem là niềm tự hào của người Ba Lan với những tác phẩm bất hủ. Âm nhạc Chopin lại rộn ràng ở cảnh quay gay cấn và được nhớ đến nhiều nhất phim. Trong căn nhà bỏ hoang, Szpilman bị sĩ quan Đức Wilm Hosenfeld (Thomas Kretschmann) phát hiện. Anh đã chơi cho kẻ thù nghe bản Ballade cung Sol thứ Op.23 (Ballade No. 1 in G minor, Op.23) mang âm điệu cuồn cuộn và tinh thần mạnh mẽ. Szpilman đã đàn bằng tất cả nỗi niềm tích tụ mấy năm qua, như muốn trút nỗi căm hận vào cuộc chiến đã cướp đi của mình tất cả.

Trước đó, Szpilman từng nghe thấy Hosenfeld chơi bản Xô-nát Ánh trăng (Moonlight sonata) của Beethoven - nhà soạn nhạc lừng danh người Đức. Do đó, âm nhạc của Chopin vang lên như trong một “cuộc đấu” và thể hiện lòng kiêu hãnh của người Ba Lan. Không cần đến thoại, phân cảnh này đã trở thành kinh điển khi tô đậm tinh thần dân tộc lẫn tôn vinh nghệ thuật. Vượt lên sự tàn khốc của chiến tranh và bạo lực, tiếng đàn đó đã trở thành sợi dây kết nối hai kẻ vốn ở thế đối đầu. 

Trailer phim The Pianist: 

 

Ở cuối phim, âm nhạc một lần nữa vang lên trong niềm say mê của Szpilman, như bộc lộ lòng hoan hỉ rằng hòa bình đã trở lại. Dù vậy, trong ánh mắt người đàn ông đó, nỗi buồn vẫn phảng phất sau những đau khổ cùng cực thời chiến. Sự tiếc nuối của chàng nghệ sĩ khi không thể hội ngộ lần nữa cùng Hosenfeld, cũng sẽ đi theo anh suốt cuộc đời.

Không quá khi nói diễn xuất tuyệt vời của Adrien Brody đã mang lại linh hồn cho cả bộ phim. Để hóa thân nhân vật gầy ốm vì đói, anh phải giảm 14kg. Ngoài ra, anh còn khổ luyện đàn dương cầm nhiều tháng nhằm có những động tác chuẩn xác nhất trên khung hình. Để cảm nhận nỗi cô độc cùng cực của nhân vật, Brody thậm chí còn bán xe, dọn ra khỏi nhà. Cảm xúc đau đớn, tuyệt vọng của Szpilman được tài tử chuyển thể trọn vẹn trên màn ảnh. Sự cố gắng của Brody đã được tưởng thưởng bằng tượng vàng Oscar nam chính. Đến nay, anh vẫn là người trẻ nhất giành danh hiệu này (khi 29 tuổi).

The Pianist nhận bảy đề cử tại Oscar lần thứ 75, năm 2003 và thắng ba giải: Đạo diễn (cho Roman Polanski), Nam chính (Brody) và Kịch bản chuyển thể (Ronald Harwood). Tuy nhiên, nhân sự quan trọng nhất của bộ phim là Polanski không thể đến nhận Oscar vì đang bị truy nã. Công và tội của vị đạo diễn này lại là một câu chuyện khác và đến nay vẫn là đề tài gây tranh cãi ở làng nghệ thuật thế giới. 

Ân Nguyễn

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI