"The Intouchable": Mozart, Vivaldi hay rap và hip hop

30/11/2020 - 12:46

PNO - "The intouchable" (tựa tiếng Việt là Những kẻ bên lề hoặc Tình bạn và địa vị) là một trong những bộ phim Pháp thành công và nổi tiếng nhất thế kỷ XXI cho đến hiện tại.

Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới Chuyện con mèo dạy hải âu bay (tác giả: Luis Sepúlveda), có một câu nói rất hay rằng: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình nhưng để yêu thương ai đó khác mình, thực sự rất khó khăn…”. Trong câu chuyện đó, chú mèo béo Zorba đã vượt qua bản năng, vượt lên trên cả lòng tham giống loài để học cách yêu thương và chăm sóc cho “một cái trứng hải âu”, từ khi mới ra đời cho đến khi cô hải âu bé nhỏ ấy có thể bay lên...

Năm 2011, tại Pháp, một câu chuyện kỳ diệu tương tự đã xuất hiện trên màn ảnh: Phillippe và Driss, hai kẻ hoàn toàn xa lạ và khác biệt, như những chú mèo và cô hải âu nhưng đã dám dũng cảm bước qua “ngưỡng an toàn” của chính mình, để học cách tin tưởng và đón nhận. Gần một thập niên qua, câu chuyện về tình bạn tuyệt vời ấy vẫn không ngừng làm xao xuyến trái tim hàng chục triệu khán giả khắp thế giới.

Bộ phim nói tiếng Pháp thành công nhất trên toàn cầu

The intouchable (tựa tiếng Việt là Những kẻ bên lề hoặc Tình bạn và địa vị) là một trong những bộ phim Pháp thành công và nổi tiếng nhất thế kỷ XXI cho đến hiện tại. Đây là dự án phim thứ tư của bộ đôi đạo diễn và biên kịch người Pháp Olivier Nakache và Éric Toledano, những nhà làm phim ăn khách “chuyên trị” các giải thưởng nghệ thuật lớn nhỏ tại Pháp và thế giới.

The intouchable là câu chuyện về cuộc gặp gỡ “kỳ lạ” giữa Philippe Pozzo di Borgo (diễn viên François Cluzet)  - nhà quý tộc thuộc giới siêu giàu, liệt toàn thân sau một tai nạn nhảy dù - và chàng trai da màu trẻ tuổi Bakary "Driss" Bassari (diễn viên Omar Sy) từ khu ổ chuột, vừa mãn hạn tù, đang cố gắng xin trợ cấp thất nghiệp để sống qua ngày. 

Hai con người vốn trái ngược nhau hoàn toàn về địa vị xã hội, hoàn cảnh, quan điểm sống, văn hóa và thẩm mỹ ấy, vừa như tình cờ mà lại vừa như một lần muốn “thách thức” số phận tưởng như đã an bài của mình. Họ đã dám bước ra khỏi giới hạn của bản thân để làm những việc xưa nay chưa từng làm. Philippe quyết định “chơi lớn” bằng việc giữ Driss - một con người đầy nguy hiểm, như người thân của ông cảnh báo - ở lại bên mình, thay vì lựa chọn “một ai đó an toàn” trong hàng loạt ứng viên chuẩn mực cho vị trí người chăm sóc thường trực. 

Tất nhiên, mọi thứ không tốt đẹp ngay từ đầu. Rất nhiều tai nạn, rất nhiều chuyện bi hài đã xảy ra tạo nên không ít tiếng cười cùng những khoảnh khắc lắng đọng rơi nước mắt suốt gần 120 phút của bộ phim.

Ngay từ khi mới công chiếu, The intouchable đã tạo nên một cơn địa chấn mạnh mẽ trên toàn nước Pháp. Trong vài tuần đầu tiên, bộ phim đã lập kỷ lục doanh thu phòng vé lớn thứ hai ở Pháp, chỉ sau Welcome to the Sticks năm 2008. Cho đến hiện tại, đây cũng trở thành bộ phim nói tiếng Pháp được xem nhiều nhất trên thế giới với tổng doanh thu 51,5 triệu USD tại 34 nước trên toàn cầu - một con số “siêu ấn tượng” của nền điện ảnh Pháp đang dần mất vị thế tại Hollywood. The intouchable cũng trở thành phim nói tiếng Pháp có doanh thu cao thứ tư kể từ năm 1980 tại Mỹ.

Nói về thành công “ngoài sức tưởng tượng” của bộ phim, phần lớn khán giả cho rằng họ bị ấn tượng bởi lối diễn tự nhiên và duyên dáng của cả hai diễn viên chính, cùng những lát cắt về cảm xúc và tính nhân văn đầy tình người trong kịch bản. Mặc dù vậy, bên cạnh đó, một bộ phận khán giả và nhà phê bình lại cho rằng thành công của The intouchable là một điều khó hiểu bởi bộ phim đưa ra những tình huống quá hóc búa nhưng lại giải quyết bằng những cách ngô nghê.

Tuy nhiên, bất chấp những nhận xét trái chiều, cũng không cần đến chiến lược quảng bá tốn kém, chỉ với lối gây cười duyên dáng và tinh tế đặc trưng của điện ảnh Pháp, nhờ câu chuyện tưởng như lãng mạn nhưng lại vô cùng chân thực và đầy tình người, khán giả sẵn sàng bỏ qua mọi sự “thiếu logic” trong kịch bản. Để trong gần một thập niên qua, sức lôi cuốn của bộ phim vẫn không ngừng lan tỏa. Không chỉ thành công tại quê nhà, The intouchable còn giữ vững kỷ lục phòng vé tại hàng chục quốc gia khác (Đức, Ý, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Bỉ, Áo, Canada, Nhật Bản…). Hàng chục triệu người đã bỏ tiền để xem The intouchable ngoài rạp, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra thời điểm đó.

Năm 2017, Hollywood quyết định làm lại bộ phim với tựa đề The Upside (Trợ lý hết ý) với sự tham gia của Kevin Hart, Bryan Cranston và Nicole Kidman. Một phiên bản khác của Hàn Quốc có tên gọi Man of Men (Ông bạn găng-tơ) cũng mới ra rạp vào năm 2019. Tuy nhiên, tất cả phiên bản sau này đều không thể so sánh với bản The intouchable của Pháp gần như đã trở thành kinh điển.

“Tôi không muốn ai thương hại”

Ngay từ đầu, mối quan hệ giữa Philippe và Driss (có vẻ) được xây dựng dựa trên hứng khởi mới lạ từ những khác biệt nơi địa vị xã hội. Philippe cô đơn trên xe lăn, tìm niềm vui với những bản nhạc của Mozart hay Vivaldi, những bức tranh trừu tượng hay những bức thư tay đầy điển tích, thơ ca… Driss xuất hiện, mang đến luồng gió mới của cách nói chuyện đường phố, của rap và hip hop, của việc đề cập trực tiếp đến nhu cầu con người một cách tự nhiên, như việc hít thở, việc yêu, việc tìm cách đạt được khoái cảm, đôi khi lại là thể hiện sự giận dữ và bất bình mà không cần kìm nén... Đó là những điều một nhà quý tộc có lẽ khó có được.

Nhưng cũng từ những khác biệt tưởng như không thể hòa hợp nổi, Philippe dần biết cách dũng cảm đối diện với những cảm xúc của mình hơn. Driss cũng được học những bài học lớn về trách nhiệm và kỷ luật. Họ bù đắp cho nhau bởi sự đồng cảm một cách tự nhiên và dễ chịu.

Bộ phim thành công phần lớn nhờ cách đặt vấn đề và góc nhìn vô cùng nhân đạo, văn minh, khi mô tả những người khuyết tật như Philippe theo cách hoàn toàn bình thường, như cách Driss đưa điện thoại cho Philippe khi quên rằng Philippe bị liệt hay việc Driss sắp xếp cuộc hẹn cho Philippe với người phụ nữ mà ông tương tư… Với Driss, Philippe là một người đàn ông, một người bạn. Suy nghĩ của anh chàng da màu ấy hoàn toàn không có chút định kiến hay kỳ thị nào. Đó là sự tôn trọng một cách tuyệt đối.

Bộ phim đã bứt phá ra khỏi quan điểm cổ hủ trước đây của người Pháp về vấn đề chủng tộc nhuốm màu thương hại và tự mãn, để tìm đến những sự đồng cảm và bao dung hơn.

Ở một khía cạnh nào đó, Philippe và Driss đều là những con người cô độc đang đấu tranh với những vấn đề riêng. Xa hơn, đây còn là câu chuyện phổ biến của những tầng lớp điển hình trong xã hội Pháp hiện đại. Đó là câu chuyện của những người Pháp gốc Phi nhập cư đang chật vật mưu sinh, những con người sống “ngoài lề xã hội” với nguy cơ thất nghiệp, tù tội, trộm cắp, bạo lực… mà Driss là minh chứng rõ ràng nhất. Hay Philippe, một đại quý tộc đang phải sống với hào quang của quá khứ, không dám đối diện với thực tại. Những gì ông mong muốn là: “Tôi không muốn ai thương hại!”.

Một câu chuyện bật cười nhưng đầy thấm thía, khiến người xem mơ hồ liên tưởng đến những vở hài kịch kinh điển của Molière, với những người hầu tầng lớp bình dân nhưng luôn biết cách giải quyết những khúc mắc của gia chủ một cách khéo léo, nhẹ nhàng, toát lên những bài học triết lý sâu sắc. 

Bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật về tình bạn của Philippe Pozzo di Borgo và người chăm sóc cho ông, Abdel Sellou. Isabelle Cottenceau, đạo diễn phim tài liệu À la vie, à la mort, đã phát hiện ra họ. Năm 2013, Abdel Sellou đã xuất bản cuốn tự truyện Tu as changé ma vie (Anh đã làm thay đổi cuộc đời tôi) dành cho Philippe.

Phim đã giành giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo và giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho cả François  Cluzet và Omar Sy vào năm 2011. Tại lễ trao giải César 2012 (giải thưởng điện ảnh lớn nhất tại Pháp), phim nhận được tám đề cử, Omar Sy nhận được giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai Driss và là diễn viên người Pháp gốc Phi đầu tiên nhận được vinh dự này.

Cùng trong năm 2012, The Intouchable được chọn là Bộ phim nói tiếng Pháp hay nhất tại lễ trao giải Oscar.

Lan Anh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI