Thay đổi nếp nghĩ, hỗ trợ hơn 7.000 phụ nữ vùng cao sinh con an toàn

20/05/2025 - 10:01

PNO - Đây là kết quả nổi bật được Hội LHPN Việt Nam ghi nhận tại 10 tỉnh có tỉ lệ sinh con tại nhà cao sau khi thực hiện Dự án 8.

Dự án 8 đang góp phần cải thiện tỉ lệ sinh c
Dự án 8 đang góp phần nâng cao tỉ lệ bà mẹ sinh con an toàn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa - Ảnh minh họa

Tăng tiếp cận y tế với bà mẹ ở vùng cao

Là huyện miền núi của (tỉnh Sơn La), Thuận Châu có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 18,16%, giao thông đi lại còn khó khăn. Những hủ tục, tập quán lạc hậu, địa hình hiểm trở... là những lý do khiến tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế, đặc biệt là 2 dân tộc thiểu số chính sống ở vùng sâu, vùng xa là Thái, Mông.

Trước thực tế này, Hội LHPN huyện Thuận Châu đã phối hợp cùng ngành y tế tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe và làm mẹ an toàn. Đây cũng là nội dung nằm trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam chủ trì.

Trong đó, Hội tập trung triển khai 4 gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn tại ở 27 xã, 309 thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Qua 3 năm, việc triển khai 4 gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em đã mở ra một bức tranh mới tại Thuận Châu.

Tính đến ngày 30/12/2024, 1.084 phụ nữ đã được hỗ trợ đi khám thai và sinh đẻ tại cơ sở y. Bên cạnh đó, các bà mẹ nuôi con cũng được hỗ trợ lương thực, dinh dưỡng. Tổng kinh phí toàn huyện chi trả 4 gói hỗ trợ gần 2,5 tỉ đồng.

Sau khi triển khai các gói chính sách hỗ trợ, tỉ lệ phụ nữ đến cơ sở y tế khám thai và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em đã tăng lên. Năm 2021, số lượt phụ nữ được khám thai tại cơ sở y tế là 6.615, trong đó số phụ nữ dân tộc thiểu số khám thai/3 kỳ là 781, số phụ nữ sinh đẻ được cán bộ y tế đỡ là 1.032, số phụ nữ sinh đẻ tại nhà 327 ca.

Đến năm 2023-2024, số lượt phụ nữ được khám thai tại cơ sở y tế là 10.844, trong đó số phụ nữ dân tộc thiểu số khám thai/3 kỳ 1.445; số phụ nữ sinh đẻ được cán bộ y tế đỡ là 1.708, số phụ nữ sinh đẻ tại nhà còn trên 200 ca.

Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương
Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ những kết quả nổi bật của Dự án 8 - Ảnh: H.Anh

Sáng 20/5, tại Hội nghị tổng kết Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, dự án thuộc chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Sau 5 năm thực hiện giai đoạn I (2021-2025), dự án đã tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới, những tập tục văn hóa có hại cho phụ nữ và trẻ em.

Dự án cũng đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng, tăng cường giám sát và phản biện,hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị.

Kiến thức kỹ năng thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng cũng được triển khai.

Kết quả, đã có 8/9 chỉ tiêu cốt lõi của Dự án 8 đã đạt và vượt kế hoạch đặt ra. Đặc biệt, trong giai đoạn này, đã có hơn 7.000 bà mẹ tại 10 tỉnh có tỉ lệ sinh con tại nhà cao (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Nghệ An, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai) được thụ hưởng chế độ từ 4 gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn.

Trung ương Hội đã đề xuất bổ sung mới chính sách hỗ trợ đi lại cho bà mẹ và 1 người nhà chăm sóc khi đến khám thai tại cơ sở y tế đủ 4 lần trong suốt thai kỳ. Hỗ trợ bà mẹ gói vật tư chăm sóc khi sinh trong trường hợp sinh từ 2 bé trở lên trong một lần sinh, với mức thêm 300.000 đồng/bé.

Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các nội dung, giải pháp tham gia thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030 theo hướng tác động đến đa dạng đối tượng, nâng cao nhận thức, khơi dậy sự chủ động “tiên phong thay đổi” trong nhận thức, hành động của phụ nữ, cộng đồng, các cấp, các ngành...

Từ đó, dự án góp phần thực hiện bình đẳng giới và chung tay giải quyết những vấn đề xã hội cấp thiết, chú trọng những vấn đề xã hội cấp thiết mới nảy sinh, vấn đề còn tồn tại dai dẳng…

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI