Phụ nữ và nỗi sợ trong việc nuôi con
Bà Trần Thị Ngọc Yến - Trưởng phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM - cho biết, TPHCM là một trong những tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước với tổng tỉ suất sinh 1,32 con (năm 2023) và 1,39 con (2024) so với 1,91 con của cả nước và 2,1 con mức sinh thay thế hiện nay. Số liệu cũng cho thấy, từ năm 2000 đến nay, TPHCM luôn có mức sinh rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,1 con. Ghi nhận trong 10 năm gần đây, tổng tỉ suất sinh của TPHCM chưa bao giờ đạt 1,8 con/phụ nữ và cũng chưa bao giờ xuống dưới 1,2 con/phụ nữ - con số rất khó để khôi phục.
 |
Quang cảnh tọa đàm |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mức sinh thấp, nhưng theo bà Trần Thị Ngọc Yến, tốc độ phát triển đô thị cao của TPHCM đặt ra nhiều áp lực về mức sống khiến các cặp vợ chồng có xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn và chỉ sinh 1 con. Theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, năm 2023, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người trẻ dao động từ 30-31 tuổi. Độ tuổi kết hôn quá trễ dẫn đến xu hướng phụ nữ ngại sinh con hoặc chỉ sinh 1 con.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Toàn Thắng - Trưởng bộ môn công tác xã hội, Học viện Cán bộ TPHCM - khẳng định, nguyên nhân dẫn đến mức sinh thấp xoay quanh chữ “sợ” và nỗi sợ đó xuất phát từ việc họ mang trên mình gánh nặng kép giữa việc làm và việc chăm sóc gia đình. Theo bà Nguyễn Thị Toàn Thắng, hiện nay TPHCM có chính sách sinh đủ 2 con trước 35 tuổi sẽ nhận được 3 triệu đồng hỗ trợ, nhưng nỗi sợ của phụ nữ không phải ở chỗ sinh con mà là nuôi con.
“Khi được đề cập đến vấn đề sinh, nuôi và chăm sóc con, phụ nữ lo sẽ chăm sóc con như thế nào sau khi sinh, nguồn tài chính liên quan đến công việc có đủ để nuôi con… Thậm chí, điều kiện nuôi dạy con là một trong những vấn đề khiến họ lo lắng nhất, bởi công việc khiến sự kết nối giữa người mẹ với đứa con hiện nay rất hạn chế. Không chỉ chuyện kinh tế, họ còn trăn trở chuyện đồng hành cùng con trong quá trình trưởng thành, giải quyết những tâm tư, tâm lý của con trong việc học, trong quá trình tương tác xã hội và cả những rủi ro xã hội mà đứa con phải đối diện” - tiến sĩ Nguyễn Thị Toàn Thắng chỉ ra.
Từ góc độ người làm công tác bình đẳng giới, bà Trần Kim Thanh - Phó phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ TPHCM - nhấn mạnh, công việc chăm sóc không lương trong gia đình là rào cản khiến phụ nữ e ngại việc sinh con. Thống kê cho thấy, ngoài việc vừa làm kinh tế, vừa thực hiện chức năng sinh sản, thì thời gian phụ nữ phải đảm trách thêm những công việc không lương cao gấp 2 lần so với nam giới.
Trong 2 năm thí điểm thực hiện mô hình 1 cửa hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bạo hành, bà Trần Kim Thanh và đội ngũ hỗ trợ 224 đứa trẻ, trong đó có 86% trẻ em sinh ra trẻ em. Thông tin này đặt ra các vấn đề về an toàn cho phụ nữ và trẻ em từ trong gia đình đến ngoài xã hội, để người phụ nữ cảm thấy được an tâm trong quá trình sinh và nuôi dưỡng đứa con.
Linh hoạt phương thức làm việc trong bối cảnh sáp nhập
Tiến sĩ Nguyễn Thị Toàn Thắng nhận định, những gánh nặng mà người phụ nữ đang “đeo mang” không thể tự họ hay gia đình họ có thể “gỡ bỏ” mà cần sự huy động nguồn lực của toàn xã hội. Thời gian qua, TPHCM nói nhiều đến việc hỗ trợ phụ nữ trông con nhỏ bằng hệ thống các trường mầm non nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi. Nhưng trớ trêu là hầu hết các trường mầm non công lập chỉ giữ trẻ đến 4g chiều, trong khi đó là thời điểm công nhân chưa tan ca, chưa kể công nhân phải tăng ca mới có nguồn thu nhập đủ sống.
“Thông qua trải nghiệm thực tế, tôi nhận thấy chị em phụ nữ vẫn chưa được cung ứng các dịch vụ về chăm sóc, giáo dục con cái ở cấp mầm non chứ đừng nói ở lứa tuổi lớn hơn. Trong khi hiện nay, định kiến xã hội đổ lên đầu phụ nữ bao nhiêu là trách nhiệm. Họ không chỉ sinh con, chăm con, mà còn phải chăm sóc cả gia đình, ba mẹ ruột, ba mẹ chồng… Hàng loạt vấn đề đang đặt ra và chúng ta đang thiếu hệ thống chính sách trong xây dựng mạng lưới cung ứng dịch vụ xã hội cho phụ nữ” - bà Nguyễn Thị Toàn Thắng nói.
Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng gợi ý giải pháp phát huy nguồn lực xã hội trong việc xây dựng một mạng lưới các dịch vụ để cung cấp, hỗ trợ nhu cầu của phụ nữ trong quá trình sinh con, chăm sóc và nuôi con chứ không phải chỉ là chuyện hỗ trợ tiền. Theo đó, cần phải có những dịch vụ xã hội, đặc biệt là dịch vụ công, giúp phụ nữ giải phóng những gánh nặng, như chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người lớn tuổi, các dịch vụ hỗ trợ để phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội nhưng vẫn yên tâm rằng gia đình, người thân của họ vẫn được chăm sóc tốt.
Từ góc độ người trẻ, anh Lê Thanh Bình - Phó ban Mặt trận an ninh quốc phòng, địa bàn dân cư Thành đoàn TPHCM - đề cập đến việc cần thiết phải thay đổi tư duy về hình thức làm việc tại nhà, làm việc từ xa trong bối cảnh hiện nay. Theo anh Lê Thanh Bình, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia. Song song đó, việc sáp nhập tỉnh thành đang được khẩn trương thực hiện và sắp tới, cả nước sẽ tiến tới đánh giá cán bộ, công chức theo KPI, tiệm cận với phương thức đánh giá của khối doanh nghiệp và tư nhân đã làm.
 |
Bà Trần Kim Thanh - Phó phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ TPHCM - phát biểu tại tọa đàm |
“Việc sáp nhập tỉnh thành dự báo khả năng cán bộ, công chức phải đi làm xa rất cao. Việc di chuyển vất vả và mất nhiều thời gian khiến cán bộ, công chức không còn nhiều thời gian cho cá nhân, con cái, gia đình, trong khi đây là nhóm đối tượng có mức sinh rất thấp hiện nay. Do đó, tôi đề nghị mạnh dạn tận dụng bối cảnh chuyển đổi số để làm việc từ xa, làm việc trực tuyến. Làm việc tại nhà có KPI sẽ giúp cho mỗi cán bộ, công chức, đặc biệt là lực lượng trẻ - những người có khả năng thích ứng rất nhanh trước những thay đổi của khoa học công nghệ - vừa có thể đảm bảo công việc cơ quan, vừa có thể dành nhiều thời gian cho gia đình cũng như đời sống cá nhân. Đây sẽ là một giải pháp có tác động đến dân số và xây dựng gia đình hạnh phúc” - anh Lê Thanh Bình đề xuất.
Tâm đắc với giải pháp trên, bà Đào Thị Vi Phương - Phó ban Chính sách - Luật pháp, Hội LHPN Việt Nam - cũng chỉ ra, Nhà nước đã đặt ra vấn đề đảm bảo an sinh cho lực lượng cán bộ, công chức khi phải chuyển địa bàn làm việc xa bằng việc cố gắng xây dựng các khu lưu trú công vụ.
Tuy nhiên, việc phụ nữ hiện nay đang đảm trách quá nhiều công việc không lương và đặt trong bối cảnh phụ nữ đã có con và có con nhỏ, với khoảng cách di chuyển, làm việc xa như vậy, sự ưu tiên công việc sẽ dành cho nam giới. Và nếu lựa chọn giữ lấy công việc, phụ nữ sẽ không sinh thêm con. Điều đó sẽ tác động rất nhiều đến các vấn đề dân số trong nhóm đối tượng cán bộ, công chức. Do đó, theo bà, giải pháp làm việc từ xa cần được quan tâm.
Với mức sinh thấp, TPHCM đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông liên quan trong suốt 5 năm trở lại đây với khẩu hiệu “Mỗi cặp vợ chồng hãy sinh đủ 2 con”. Các cuộc thi ảnh “Gia đình hạnh phúc” cũng hướng đến sự tôn vinh các cặp vợ chồng có đủ 2 con. Ngoài ra, cuối năm 2024, HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết 40/2024/NQ-HĐND nhằm khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật về chính sách dân số. Trong đó có 2 chính sách trực tiếp dành cho phụ nữ, đó là hỗ trợ 3 triệu đồng cho những phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Đây là mức hỗ trợ cao nhất cả nước đến thời điểm này. |
Nhân An