Tháo gỡ điểm nghẽn cản trở logistics TPHCM phát triển

30/09/2022 - 18:31

PNO - Tại diễn đàn Logistics TPHCM lần 1 năm 2022 do Sở Công thương TPHCM tổ chức chiều 30/9, bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng, hạ tầng logistics và phát triển nguồn nhân lực là hai điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển logistics TPHCM.

 

Hạ tầng logistics và phát triển nguồn nhân lực là hai điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển logistics TP.HCM, bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM
"Hạ tầng và nguồn nhân lực là hai hạn chế lớn cản trở sự phát triển logistics TPHCM", bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch UBND TPHCM - phát biểu tại diễn đàn Logistics chiều 30/9

TPHCM có thế mạnh về vị trí địa lý khi nằm giữa các trục giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho khu vực các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của TP, đặc biệt là các tuyến đường vành đai kết nối TP với các tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ triển khai còn chậm. Do đó, giao thương hàng hóa hai chiều giữa TP với các tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Về phát triển các trung tâm logistics, hiện chỉ mới có Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao (6ha) đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư để triển khai xây dựng. Các trung tâm logistics còn lại chủ yếu ở giai đoạn lập quy hoạch phân khu. Trong khi đó, cũng trên địa bàn TPHCM, các dự án “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng.

"TP xác định phải trở thành trung tâm đào tạo, cung cấp nhân lực logistics cho khu vực phía Nam và cả nước. Tuy nhiên, khi đánh giá về hiện trạng công tác đào tạo thì mối liên kết giữa hệ thống các trường đào tạo với các doanh nghiệp logistics còn chưa chặt chẽ, thiếu sự tương tác, kết nối để nắm bắt nhu cầu từ đào tạo đến đầu ra; mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực logistics cũng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của TP", bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch UBND TPHCM - nhấn mạnh.

Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công thương, TPHCM chiếm 31% doanh nghiệp logistics cả nước (hiện cả nước có 699.566 doanh nghiệp logistics). Nhu cầu nhân sự logistics mỗi năm tăng khoảng 7,5%. Riêng TPHCM cần 63.000 lao động logistics/năm giai đoạn 2021-2025; trong đó cần hơn 8.400 lao động logistics chuyên nghiệp.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành logistics, TPHCM xác định hai nhiệm vụ chiến lược là đẩy nhanh đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ để bổ sung lượng lao động đang thiếu hụt; đồng thời tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu để ngang bằng trình độ quốc tế. Cần đẩy mạnh liên kết với các tỉnh để đào tạo lao động.

TPHCM đặt mục tiêu phải phát triển logistics trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TPHCM đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030. Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TPHCM đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%.

Đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, thông qua diễn đàn lần này sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý và tham mưu UBND TP các giải pháp để thực hiện ngay, phát huy đúng mức vai trò của ngành logistics TPHCM trong tăng trưởng kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và TPHCM nói riêng.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI