Thái sư Trần Thủ Độ: Đáng xem!

30/10/2013 - 17:35

PNO - PN - Với lý do đặc biệt là được “tặng không”, bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ đã tạo nên một tiền lệ “vô tiền khoáng hậu”: cùng lúc phát sóng trên ba đài là Đài Truyền hình VN (VTV1), Đài PT-TH Hà Nội (HN1), Đài PT-TH Bình...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trước mỗi tập phim, nếu để ý khán giả sẽ thấy dòng chữ “Lịch sử phụ thuộc vào những góc nhìn”. Sau nhiều phen tranh cãi của các nhà sử học, chân dung về vị công thần nhà Trần lộ diện qua từng tập phim. Công hay tội đều do cái nhìn của từng người, từng thời đại nhưng thông qua phim, khán giả sẽ có cái nhìn khác về Trần Thủ Độ. Cuối đời Lý mục rã, thối nát, nếu nhà Trần không mưu đồ việc lớn, dân chúng càng điêu đứng vì các phe phái nổi loạn. Nhân vật Trần Thủ Độ là điểm bắt đầu của câu chuyện để người xem có thể hiểu hơn về lịch sử, về công cuộc chuyển giao quyền lực từ nhà Lý qua nhà Trần.

Thai su Tran Thu Do: Dang xem!

NSND Hoàng Dũng (trái) vai vua Lý Cao Tông

Bộ phim có cái nhìn khách quan, toàn diện, không chỉ đề cao nhân vật chính là Trần Thủ Độ mà còn làm bật lên được những nhân vật có vai trò quan trọng liên quan đến hai triều đại Lý, Trần. Không phủ nhận Trần Thủ Độ là người có công gây dựng nên triều Trần hùng mạnh, nhưng các tập đầu của phim cũng cho thấy người đặt nền móng đầu tiên cho nhà Trần chính là Trần Lý. Xuất thân từ nghề chài lưới truyền thống của gia đình nhưng tư tưởng của Trần Lý đã vượt xa vùng đất Hải Ấp, hướng về Thăng Long với một mục đích chính trị rõ ràng. Nhìn được thời cuộc và biết dùng đúng người tài, Trần Lý trao trọn niềm tin vào người cháu Trần Thủ Độ, dùng con gái Trần Thị Dung “trói chân” thái tử Sảm - vua Lý Huệ Tông sau này, một ván cờ cao tay để tránh tiếng soán ngôi nhà Lý.

So với các phim lịch sử trước đó, có thể nói Thái sư Trần Thủ Độ là bộ phim khá hay, được làm chỉn chu với sự đầu tư và tìm hiểu về lịch sử một cách nghiêm túc. Qua biên kịch chắc tay của tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn, những tình huống đưa ra đều được lý giải thuyết phục, hợp tình hợp lý. Phim kỹ đến từng chi tiết về phục trang, đạo cụ, thế võ. Vốn hay so sánh phim lịch sử Việt với các phim cổ trang Trung Quốc, lần này, khán giả tương đối hài lòng về bối cảnh. Có thể thấy Thái sư Trần Thủ Độ đậm chất Việt qua từng cảnh quay, từng đạo cụ như giáo mác, cung tên, xe kéo…, ngay cả trang phục - vấn đề dễ phát sinh nhiều tranh cãi, cũng thể hiện được sự gần gũi với văn hóa của người Việt.

Kịch bản tốt, đạo diễn tâm huyết và tiền đầu tư lớn (gần hai tỷ đồng/tập phim) cộng với diễn xuất của dàn diễn viên gạo cội như NSND Hoàng Dũng trong vai vua Lý Cao Tông, NSND Lan Hương trong vai Đàm hoàng hậu, NSƯT Bùi Bài Bình vai Tô Trung Từ…, cho đến thời điểm này, phim được công chúng đón nhận khá tốt. Trong phim có nhiều trường đoạn xúc động, đặc biệt là các cảnh diễn nội tâm của nhân vật vua Lý Cao Tông, Trần Lý, Trần Thủ Độ. Tuy nhiên, bộ ba diễn viên Thiên Bảo - Lã Thanh Huyền - Hứa Vĩ Văn trong vai Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, thái tử Sảm chỉ dừng ở mức tròn vai. Thêm một điều đáng tiếc cho phim là ở phần âm thanh và tiếng động, không đẩy được kịch tính phim lên cao trào.

Với những gì thể hiện, hy vọng bộ phim sẽ là một khởi đầu tốt để việc đầu tư cho đề tài phim lịch sử VN được chú ý hơn.

 Thanh Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI