Tết mong chờ ở ‘làng Trường Sa’

18/01/2020 - 12:58

PNO - Khi nhà nhà rạo rực dọn dẹp đón tết, nhiều gia đình ở “làng Trường Sa” Nghệ An vẫn đang bồi hồi chờ tin về tết của những người con, người chồng nơi đảo xa.

“Tết này con bận trực, lại lỡ hẹn đón Tết đoàn viên cùng cả gia đình rồi”, tin nhắn của con trai Trần Nguyên Hồng (công tác tại Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân, đóng quân ngoài đảo Trường Sa) gửi về khiến bà Doãn Thị Oanh (trú tại xóm 9, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) bỏ dở việc dọn nhà cửa.

Gương mặt đượm buồn ấy cũng nhanh chóng biến mất. Bà chặc lưỡi “đó là công việc, là nhiệm vụ của con”, rồi tiếp tục công việc của mình, xem đó là chuyện quá đỗi thường tình mỗi dịp tết.

Bà Oanh tranh thủ lau lại những món đồ kỷ niệm của con trai đưa từ đảo xa về
Bà Oanh tranh thủ lau lại những món đồ kỷ niệm của con trai đưa từ đảo xa về

Trời trở lạnh, bà Oanh lấy chiếc áo khoác của con trai tặng, mặc vào cho chồng - ông Trần Nguyên Ty. Từng là bộ đội đặc công ở chiến trường Quảng Trị, ông Ty bị thương rất nặng sau một trận chiến ác liệt rồi trở về nhà khi nửa người bị bại liệt, cánh tay bên trái không cử động được, một mắt bị mù.

Hiểu rõ những khó khăn, vất vả của người lính, lại đang phải ngày ngày chiến đấu với những cơn đau tê buốt người do vết thương cũ để lại, song ông Ty vẫn khuyến khích và động viên cậu con trai tiếp bước nghiệp bố.

Ít năm trước, ông Ty bị bệnh tai biến phải nằm liệt một chỗ nên mọi sinh hoạt cá nhân hằng ngày đều do một tay bà Oanh chăm sóc.

“Mỗi lúc rảnh, Hồng lại gọi điện về hỏi thăm sức khỏe bố, động viên và nói nhờ mẹ chăm sóc bố giúp con. Mỗi lần như vậy, tôi lại đùa, con chỉ cần chu toàn công việc, còn việc chăm bố mày là của mẹ” - bà Oanh kể.

Ông Thương vẫn luôn hãnh diện và kể lại những ký ức đón tết ngoài đảo cùng gia đình mỗi dịp xuân về
Ông Thương vẫn luôn hãnh diện và kể lại những ký ức đón tết ngoài đảo cùng gia đình mỗi dịp xuân về

Hơn 20 năm công tác ở Trường Sa, nhưng số lần anh Hồng đón Tết cùng gia đình chỉ đếm được trên đầu một bàn tay. “Gần tết năm trước, ông nhà tôi nguy kịch, thằng Hồng xin phép về thăm bố được chục ngày sau đó lại lên đường tiếp tục nhiệm vụ chứ không thể ở nhà đón tết” - bà Oanh nói.

Cách đó không xa, cô giáo mầm non Vương Thị Hoài cũng đang tất bật dọn dẹp nhà cửa. Không biết chồng chị là anh Lê Hồng Tuấn (công tác tại Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải Quân) có về ăn Tết hay không nhưng năm nay chị cũng chuẩn bị nhiều bánh chưng, thịt đông... hơn những năm trước.

Chục năm nên duyên vợ chồng, đối với nữ giáo viên này, làm vợ lính khó khăn nhiều vô kể mà tự hào cũng vô biên. Tròn ba năm chưa thấy mặt chồng, cận ngày tết năm ngoái, mẹ con chị bất ngờ nhận được tin báo “Năm nay cả nhà đón tết đoàn viên nhé”. Ngày nhận được tin báo, cậu con trai đầu của hai vợ chồng chạy khắp làng chỉ để khoe với mọi người Tết nay bố về đón Tết cùng ba mẹ con.

Cận tết, biển trở nên hiền hòa, vỗ từng đợt sóng lăn tăn vào bờ. Phúc Thọ đang chuẩn bị đón tết với nỗi nhớ và niềm tự hào khi ngoài khơi xa, hàng trăm người con của Phúc Thọ đang vững vàng tay súng canh giữ biển trời quê hương.

Ông Thương nhận lời chúc tết sớm của con trai qua điện thoại
Ông Thương vui vẻ nhận lời chúc tết sớm của con trai qua điện thoại

Vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển gần 900 năm này còn được biết đến là nơi có nhiều người con đã, đang chiến đấu và bảo vệ vùng biển đảo. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ huy Quân sự xã Phúc Thọ, có chừng 170 người ở xã này đã và đang công tác ở các đảo chìm, đảo nổi tại Trường Sa.

Lý giải về việc có nhiều người trong xã làm nhiệm vụ tiền tiêu nơi đầu sóng ngọn gió, ông Nguyễn Hữu Thương (64 tuổi, trú tại xóm 16, xã Phúc Thọ) cho rằng đó là truyền thống của quê hương Phúc Thọ, nối nghiệp cha ông để bảo vệ vững chắc quê hương.

Từng có hơn chục năm công tác tại đảo Thổ Chu (Kiên Giang), hơn ai hết, ông Thương thấu hiểu nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, gia đình vẫn luôn thường trực trong lòng người lính đảo. Bởi thế, ông luôn động viên cậu con trai cả Nguyễn Hữu Trung - hiện đang công tác tại Đoàn Kiểm ngư, Bộ Quốc phòng yên tâm công tác.

Kiểm ngư nên gần như năm nào anh Trung cũng đón tết lênh đênh ngoài khơi xa. “Tết có thể không về quê ăn tết với bố mẹ được, nhưng tôi vẫn luôn tự hào và hãnh diện khi con trai đã tiếp bước mình canh giữ biển trời quê hương” - ông Thương nói.

Phan Ngọc

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI