Tết Bình Định: Chợ Gò vẫn họp, duy trì dòng chảy văn hoá trăm năm

01/02/2022 - 16:28

PNO - Trước khi được ghi nhận là một trong những phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam, Chợ Gò đã tồn tại mấy trăm năm trong tâm thức văn hóa của người dân Tuy Phước - Bình Định.

Chợ chỉ họp một lần vào buổi sáng đầu năm, phải một năm nữa mới được đi chợ, nên Chợ Gò đã trở thành nỗi mong ngóng của bao người, để từ sớm mai chưa tỏ mặt người, mọi người đã nô nức rủ nhau họp chợ.

Gọi là họp chợ, nhưng tính chất bán mua đã nhường chỗ cho mục đích… chơi xuân. Bởi kể ra những thứ bán không phải thuộc loại thiết yếu mà người mua nhất định phải mua.

Chợ Gò rực rỡ cờ phướn trong tiết xuân
Chợ Gò rực rỡ cờ phướn trong tiết xuân

Này nhé, còn cách chợ hàng trăm mét, bạn đã thấy màu sắc sặc sỡ tươi vui của những cây nêu được dựng từ mấy hôm trước với những cành lá phất phơ và những vật trang trí vô cùng bắt mắt. Những chiếc bong bóng đủ màu, mà chủ yếu là màu đỏ rực đứng thành dãy dài hai bên đường làm cho không gian càng rực rỡ thêm. Những hàng đồ chơi la liệt chờ các bạn nhỏ đến lựa chọn. Các bà, các chị ngồi san sát nhau với những trầu, cau, sung, muối, đu đủ… chờ người đến mua về.

Đi sâu vào chợ là những chiếc chòi được dựng lên vang vọng tiếng hô hào sảng, những quầy ăn uống, những khu trò chơi vui nhộn… Chỉ có thế mà tấp nập, mà xôn xao, mà chen chúc vui vẻ tưng bừng, từ cụ bà chít khăn nâu đến nam thanh nữ tú xúng xính áo màu, các em bé mặc quần áo mới đi chơi Tết. Đủ cả nam phụ lão ấu giai thanh gái lịch, rộn ràng trong một buổi sáng rồi… tan. Để tiếc mà thèm, tôi nghe em bé cầm bong bóng trên tay bảo mẹ năm sau lại đi Chợ Gò chơi mẹ nhé.

Chợ họp trên một vùng đất bằng phẳng rộng rãi, tựa lưng vào núi Trường Úc, bên dòng sông hữu tình lững lờ trôi. Cái tên Trường Úc gắn liền với nghề nung vôi, để lại câu ca dao nổi tiếng đằm thắm ân tình:

 Bao giờ Trường Úc hết vôi

Thì em hết đứng hết ngồi trông anh.

Quả thật, cho tới giờ, Trường Úc chưa khi nào hết vôi cả. Vôi cùng với trầu, cau đã trở thành thông điệp văn hóa thắm thiết tình nghĩa của người dân Việt nói chung và người dân nơi đây nói riêng. Trầu, cau, vôi được người dân địa phương gọi là lộc bà, được mang ra chợ bán cho khách mua rước lộc cầu may.

Trong mâm cúng tết nhà đầu năm, không thể thiếu lộc bà như một niềm biết ơn và cả cầu nguyện những điều tốt lành cho năm mới. Tính chất rước lộc cầu may còn thể hiện ở cả những sản vật được mang ra chợ bán, từ sung, đủ, muối, rau muống… mua về sẽ được sung túc, đủ đầy, đậm đà, muốn(g) gì được nấy. Có cả mớ tôm đất vừa được vớt lên từ sông còn búng tanh tách, ấy là cầu một năm mua bán đắt như tôm tươi. Kẻ bán người mua nhộn nhịp, người bán không thách, người mua cũng không trả giá, vui vẻ thuận hòa trong không khí chung cầu may mắn tốt đẹp đầu năm.

Rước tài lộc về nhà thường là các bà, các cụ lớn tuổi, dành mối quan tâm cho gia đình, mua xong còn phải về bày mâm cúng. Nhưng xuân còn là mùa của tuổi trẻ thích chơi, ham chơi, thì ra chợ để… chơi xuân là chính.

Thanh niên rủ nhau đi chơi, ngồi ở quầy ăn uống tám chuyện và ngắm nhìn không khí đông vui mà cảm nhận cho hết cái nô nức xuân về. Các bạn nhỏ thì sà vào quầy đồ chơi, mắt sáng lên thèm thuồng.

Này nhé, những thanh kiếm dài bằng nhựa nhìn thật oách, những chiếc xe biết nhào lộn, khẩu súng nước thích mê… Bong bóng thì khỏi cần phải nói, đủ hình thù các con vật bay lượn trong gió như mời gọi. Đầu năm, quần áo xênh xang, túi ấm lì xì, còn chần chừ gì nữa mà không chọn một món đồ chơi về nhà. Nếu mải chơi, nắng lên, khát nước thì ghé vào làm một ly nước mía hay thưởng thức ly kem mát lạnh. Trong khi đó, tiếng hô bài chòi vẫn vang vang rộn ràng, các chú các ông mê mải với trò chơi dân gian, như gọi về một nét đẹp văn hóa xa xưa.

Trầu cau là món chính được bán tại chợ
Trầu cau là món chính được bán tại chợ

Năm nay, mẹ sai tôi đi Chợ Gò mua lộc bà về cúng tết nhà. Quãng đường này tôi đi đã thuộc từ thuở ấu thơ, từ khi mặc bộ quần áo mới tinh xúng xính đạp xe đến chợ chỉ để rước về một chiếc bong bóng cột vào ghi đông xe, có lần dây bị tuột chiếc bong bóng bay lên bầu trời xuân trong xanh, mỏi cổ ngước theo mà lòng tiếc hùi hụi.

Tôi cứ ngỡ năm nay chợ họp sẽ không đông vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng hóa ra không phải thế. Từ xa vẫn là những cây nêu phấp phới, bong bóng đủ màu, vẫn tấp nập bán mua vui vẻ đông đúc như không có gì xảy ra. Ừ thì ngăn sao được lòng người mãi tết. Rồi cũng về với cuộc sống bình thường, chỉ khác là năm nay kẻ bán người mua đều đeo một chiếc khẩu trang.

Như dòng mạch văn hóa vẫn chảy chưa bao giờ đứt quãng, Chợ Gò vẫn họp, vẫn lưu dấu ký ức đẹp về một phiên chợ xuân.

  An Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI