Tây Ban Nha thận trọng thử nghiệm trí tuệ nhân tạo

17/05/2025 - 10:38

PNO - Sau khi Tây Ban Nha trở thành một trong những quốc gia đầu tiên tại châu Âu soạn thảo luật về AI, giới làm phim nước này đang thận trọng thử nghiệm AI.

Tháng 3/2025 , chính phủ Tây Ban Nha đã phê duyệt dự thảo luật về trí tuệ nhân tạo, đúng 1 năm sau khi Đạo luật Trí tuệ nhân tạo của Liên minh châu Âu được thông qua, nhằm tạo ra một khung pháp lý chung cho việc phát triển, thương mại hóa và sử dụng hệ thống AI trên toàn khu vực.

'The Great Reset' được coi là bộ phim đầu tiên của Tây Ban Nha được tạo ra hoàn toàn bằng AI.
The Great Reset - bộ phim đầu tiên của Tây Ban Nha được tạo ra hoàn toàn bằng AI

“AI mang lại cú hích đáng giá cho một ngành vốn quen sống trong khó khăn - từ kinh phí sản xuất cao đến bộ máy hành chính cồng kềnh” - đạo diễn Beatriz Pérez de Vargas chia sẻ. Bà là người đứng sau series tài liệu AI Alter Ego, Trí tuệ vô hình trên kênh RTVE, loạt phim đã giành giải thưởng cho việc ứng dụng AI trong sản xuất.

Đạo diễn Daniel H. Torrado cũng đồng tình. Ông là người thực hiện bộ phim The Great Reset - phim truyện đầu tiên ở Tây Ban Nha (và có thể cả châu Âu) hoàn toàn do AI tạo ra . “Rất nhiều dự án bị bỏ xó vì không đủ vốn hoặc gặp trục trặc sản xuất” - ông nói - “AI giúp chúng tôi mô phỏng các phương án phức tạp ngay từ đầu và thử nghiệm mà không cần mạo hiểm về ngân sách”.

Tuy nhiên, Torrado nhấn mạnh: “Mọi quyết định nghệ thuật, nội dung, cảm xúc đều do tôi đưa ra. AI chỉ là công cụ, không thể thay thế người sáng tạo”.

Đó cũng là tinh thần chung của nhiều nhà làm phim đang thử nghiệm AI. “Chúng ta nên đón nhận AI, nhưng không được để nó thay thế nghệ thuật” - đạo diễn Paco Torres, người giảng dạy về AI tại nhiều doanh nghiệp và tổ chức chính phủ - khẳng định. “Chúng ta không thể đánh mất nghệ sĩ, những cảm xúc thật, sự bất toàn và cả những thất bại, đó mới là thứ tạo nên cảm xúc”.

Luật pháp và ranh giới

Tây Ban Nha hiện đối mặt một bài toán nan giải: vừa phải bảo vệ xã hội khỏi rủi ro AI, vừa tránh tụt hậu so với thế giới. “Nếu muốn giữ vị thế, châu Âu cần mạnh tay hơn trong việc điều tiết AI. Nhưng càng siết chặt, chúng ta càng có nguy cơ bị bỏ lại phía sau” - chuyên gia dữ liệu José Enrique Lozano nhận định.

Ông Manuel Cristóbal - Giám đốc Liên hoan phim châu Âu Seville - cũng cảnh báo: “Nếu mỗi quốc gia đặt ra những luật riêng, sáng tạo sẽ bị bóp nghẹt”.

Chính vì thế, cần có một cuộc thảo luận toàn cầu, không chỉ về công nghệ, mà cả triết lý con người. “Chúng ta cần biết mình đang ở đâu, muốn đi về đâu với công nghệ này” - Torres nói.

Những bước đi cụ thể

Luật mới của Tây Ban Nha đặt mục tiêu sử dụng AI “một cách đạo đức, toàn diện và vì lợi ích chung”. Các hành vi vi phạm có thể bị phạt từ 7 đến 35 triệu USD, hoặc từ 2% đến 7% doanh thu toàn cầu hàng năm (áp dụng thấp hơn cho doanh nghiệp nhỏ). Luật sẽ do Cơ quan Giám sát trí tuệ nhân tạo Tây Ban Nha (thành lập năm 2023) giám sát thực thi.

Phim The Great Reset
Phim The Great Reset

Viện Phim Tây Ban Nha cũng đề xuất không trợ cấp cho các dự án dùng AI tạo nội dung. Học viện Điện ảnh Tây Ban Nha đã cấm nhạc nền do AI tạo ra tranh giải Goya, giải thưởng điện ảnh danh giá nhất nước này.

Torrado đã trình chiếu bộ phim The Great Reset tại European Film Market ở Berlin, và sẽ tiếp tục giới thiệu tại chợ phim ở Liên hoan phim Cannes. Dự án sử dụng AI xuyên suốt: từ viết kịch bản, thiết kế hình ảnh, dựng cảnh, hậu kỳ đến chỉnh sửa. Tổng chi phí chưa đến 230.000 USD, phần lớn là mua bản quyền và thuê AI, trong khi nếu làm theo cách truyền thống, có thể tốn 8 triệu USD ở Tây Ban Nha, hoặc 50 triệu USD tại Mỹ.

“AI như một đội ngũ trợ lý sáng tạo không bao giờ mệt mỏi” - Torrado nói. Nhưng anh cũng khẳng định, anh chỉ dùng AI ở khâu tiền kỳ, phần còn lại do con người thực hiện. “Quyền tác giả vẫn thuộc về người sáng tạo. AI không có khả năng sáng tạo hay sự độc đáo, nó chỉ lặp lại những gì đã có”.

Tuấn Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI