Tại sao hoa đào chữa được bệnh còn hoa mai thì không?

29/01/2020 - 06:34

PNO - Hoa đào ở miền Bắc và hoa mai vàng ở miền Nam là loài hoa đặc trưng của của mùa xuân; thế nhưng chỉ hoa đào mới có công dụng chữa bệnh.

 

Hoa mai vàng
Hoa mai vàng

Tiến sĩ bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan - Viện phó Viện Y Dược học dân tộc TPHCM - phân tích: Trong đông y có bài thuốc nói về công dụng của hoa mai (bạch mai hoa, với tên khoa học là Prunus armeniaca L.) chứ không phải hoa mai vàng (Ochna integerrima Lour) dùng chưng cảnh ngày xuân. Vị thuốc bạch mai hoa ở đây cũng không là hoa mai trắng mà chính là hoa của cây mơ. Hoa mơ có màu trắng nên vị thuốc có tên bạch mai hoa, hay còn được gọi là lạp mai, bạch mai, lạp mộc, hương mai, hoàng lạp, tuyết lý hoa...

Riêng hoa mai vàng thường được trồng ở miền Nam thì đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học hay kinh nghiệm trong dân gian dùng để trị bệnh.

Hoa mơ
Hoa mơ

Còn về hoa đào, thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nga - Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Quận 2 TPHCM - chia sẻ: Hoa đào có vị đắng, tính bình, không độc được sử dụng chữa các bệnh táo bón, sỏi thận, liệt dương… hiệu quả.

Hoa đào
Hoa đào

Một số bài thuốc chữa bệnh nhờ hoa đào

Chữa sỏi thận: Hoa đào, hổ phách mỗi vị 6gam, hoa đào nghiền thành bột trộn với hổ phách. Mỗi lần sử dụng 6g hòa với nước và đun trong nửa giờ đồng hồ. Tiếp theo lọc qua rây để uống. Uống ngày 2 lần sẽ cải thiện được bệnh sỏi thận đáng kể.

Chữa bế kinh: Hoa đào 25gam, rửa sạch ngâm với 250ml rượu gạo. Sau 1 tuần có thể uống, mỗi lần lấy 10ml hòa với nước ấm. Hoặc hoa đào 50gam, trộn với cơm rượu sau đó hấp cho tới khi hoa đào chín. Ăn 1 lần/ngày, ăn liên tục trong 1 tuần.

Chữa liệt dương: Tổng hợp hoa đào, hoa hồng, hoa tường vi, hoa mai, hoa hẹ, trầm hương, mỗi vị 30g, 240g nhân hạt đào. Tất cả ngâm với 2,5 lít rượu. Sau 1 tháng có thể sử dụng, mỗi lần uống 20ml, có thể pha với nước ấm nếu khó uống, uống ngày 2 lần.

Lan Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI