Tái cấu trúc lực lượng lao động quốc gia

23/03/2022 - 06:54

PNO - Muốn tái cấu trúc lực lượng lao động quốc gia, vẫn phải quay lại vấn đề giáo dục, đào tạo.

Năm ngoái, TPHCM chứng kiến làn sóng “di dân ngược” xảy ra trong giai đoạn cách ly toàn xã hội để phòng, chống dịch COVID-19. Bấy giờ, đã có dự báo về xu hướng chuyển hoạt động sản xuất về các tỉnh. Đầu năm 2022, xu hướng đó đang diễn ra với hàng loạt doanh nghiệp (DN) di dời hoặc mở thêm nhà máy ở các tỉnh để dễ tuyển nhân công hơn, giảm áp lực trong bối cảnh lao động phổ thông ở thành phố đang thiếu hụt.

Có thể thấy, trải qua đại dịch, TPHCM và cả nước cần tái cấu trúc lực lượng lao động quốc gia. Với chiến lược phát triển các “thành phố vệ tinh” và xây dựng hệ thống đô thị bền vững, việc dịch chuyển các ngành cần nhiều lao động phổ thông về các tỉnh hoặc “thành phố vệ tinh” sẽ là một chuyển động tích cực cho nhiều phía.

Sinh viên các chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Ngân hàng TPHCM (ảnh minh họa)
Sinh viên các chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Ngân hàng TPHCM (ảnh minh họa)

Theo đó, người lao động có thể giảm bớt áp lực cuộc sống nơi các thành phố lớn như tiền thuê nhà, không gian sống hạn hẹp, phí sinh hoạt cao, đồng thời dễ dàng cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhờ sống gần gia đình. Các tỉnh cũng cần nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ Chính phủ trong việc kêu gọi đầu tư, giúp người lao động an tâm làm việc ngay tại quê nhà, đồng thời qua việc này, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế ở các tỉnh cũng tốt hơn lên. Đối với TPHCM sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng công nghệ, chất xám cao, thu hút và thúc đẩy sự phát triển nguồn lao động chất lượng cao. 

Theo bà Phạm Thị Huyền Ngân (Học viện Cán bộ TPHCM), nguồn nhân lực chất lượng cao là một hạn chế trong thu hút đầu tư của TPHCM, chỉ xếp sau hạn chế về ngân sách. TPHCM có nhiều viện, trường cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho thị trường nhưng kỹ năng làm việc của sinh viên ra trường vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của các DN. Tình trạng này kéo dài do chúng ta chưa có một thị trường lao động hoàn chỉnh. Sự biến đổi, vận hành không ngừng của nền kinh tế thị trường dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi không ngừng đã tạo ra khoảng cách khá xa giữa kỹ năng được đào tạo và nhu cầu tuyển dụng. 

Bà Phạm Thị Huyền Ngân cho rằng, cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh đàm phán, hợp tác, chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến của thế giới nhằm hướng đến đào tạo nhân lực có chuyên môn và kỹ năng phù hợp thực tiễn, cần khuyến khích và đẩy mạnh kết nối giữa các viện, trường với các DN theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tiễn của DN. 

Như vậy, muốn tái cấu trúc lực lượng lao động quốc gia, vẫn phải quay lại vấn đề giáo dục, đào tạo. Đối với lao động phổ thông ở các tỉnh, cần thay đổi nhận thức xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, cơ sở đào tạo, người sử dụng lao động và cộng đồng phải thấy vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, tầm quan trọng của kỹ năng lao động bởi đó là cơ hội để người trẻ có việc làm, thu nhập ổn định. 

Đối với lao động chất lượng cao, cần thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành nghề và trường đại học trong hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D). Thậm chí có thể thương mại hóa hoạt động này. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI