Sử dụng vật dụng inox sao cho an toàn?

26/10/2019 - 11:30

PNO - Chất lượng inox trong sản phẩm kém là yếu tố gây độc hại đối với sức khỏe người sử dụng. Nhưng hơn hết, một phần là do người dân đang sử dụng các sản phẩm này sai cách.

Bình giữ nhiệt có chứa chất “kịch độc”?

Mới đây, trên các mạng xã hội chia sẻ thông tin bình giữ nhiệt có chứa chất “kịch độc” gây ung thư. Kết quả cuộc thí nghiệm trên do viện Nghiên cứu và Kiểm định chất lượng thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc phối hợp với các đơn vị cùng lĩnh vực tiến hành. Kết quả thí nghiệm cho thấy, bình giữ nhiệt Trung Quốc sản xuất có chứa amiăng cực kỳ độc hại đối với sức khỏe con người. 

Trung Quốc là nước gia công sản xuất bình giữ nhiệt của rất nhiều hãng trên thế giới, vì thế thông tin này khiến người tiêu dùng lo lắng. Kim loại nặng có thể thoát ra khi sử dụng bình giữ nhiệt nói chung (kể cả loại tốt). Nhiều người cho rằng nước trái cây mang tính a-xít dễ làm kim loại thoát ra hơn.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư (City of Hope, California, USA), lập luận này mới nghe thì thuyết phục nhưng không chính xác. TS Vũ dẫn một nghiên cứu năm 2013, người ta khảo sát sự thoát ra các kim loại nặng từ các bộ phận trong bình nước cho chuột uống (trong đó có vòi nước bằng kim loại không gỉ). Kết quả cho thấy ở điều kiện nước a-xít (pH = 2) để trong vòng một tuần, lượng kim loại thoát ra từ vòi nước vào nước rất thấp (trong mức an toàn), không đủ để gây độc. Do vậy, người tiêu dùng đừng quá lo lắng khi sử dụng các sản phẩm này.

Bên cạnh đó, năm 2016, tại Việt Nam, khi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia kiểm tra 9 mẫu bình giữ nhiệt nhập chính ngạch đã có công bố tiêu chuẩn chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thì không ghi nhận hiện tượng thôi nhiễm các kim loại nặng như đồng, asen, thủy ngân.

Su dung vat dung inox sao cho an toan?
Bình giữ nhiệt chỉ có chức năng giữ nhiệt nước đun sôi hoặc nước đá, nước lạnh

“Bình giữ nhiệt hầu hết được làm từ inox. Giữa hai lớp inox, nhà sản xuất thường nhồi bông amiăng với mục đích cách nhiệt và giữ nhiệt tốt. Nếu amiăng không bị phát tán ra ngoài môi trường thì không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Amiăng chỉ gây nguy hiểm nếu phát tán ra ngoài; trở thành các mảnh gãy, vụn. Lúc này, các sợi amiăng có thể chui vào phế quản gây ung thư phổi và các bệnh nguy hiểm khác. Riêng về inox trong bình, nếu được tạo ra từ những vật liệu tốt thì sẽ an toàn, gần như không ảnh hưởng” - Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho hay. 

Không nên dùng bình giữ nhiệt đựng nước có vị chua

Hiện nay, người tiêu dùng đang sử dụng bình giữ nhiệt nhiều hơn chức năng cho phép của bình, đây là nguyên nhân gây hại cho sức khỏe do sử dụng không đúng cách. 

Bình giữ nhiệt chỉ có chức năng giữ nhiệt nước đun sôi hoặc nước đá, nước lạnh. Tuy nhiên nhiều người lại sử dụng bình giữ nhiệt để đựng nước trái cây, nước trà, cà phê, canh, cháo… 

Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, những loại nước trái cây có vị chua, tính a-xít như nước cà chua, nước cam, nước chanh, nước bưởi, nước sấu, nước mơ… không nên đựng trong bình giữ nhiệt quá lâu, kể cả bình đạt chất lượng của thương hiệu uy tín. Riêng về vấn đề kim loại nặng trong bình inox tăng đột biến khi đựng nước trái cây, các chuyên gia của Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, các kim loại nặng có thể phản ứng với các a-xít hữu cơ có trong nước trái cây và tạo muối kim loại. Các muối này tan được trong nước và đi vào cơ thể gây ảnh hưởng xấu đến 
sức khỏe…

Không nên dùng chai lọ, bình giữ nhiệt bằng inox để đựng các loại nước chứa nhiều a-xít như nước trái cây, trà bởi các loại nước này sẽ kích thích quá trình giải phóng kim loại nặng trong inox, dẫn tới những phản ứng hóa học tạo nên các chất gây ung thư. 

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ cũng nhấn mạnh trong quá trình sử dụng, không được tự ý đập bình, tháo rời các loại bình giữ nhiệt vì có thể làm amiăng phát tán ra ngoài. Ngừng sử dụng ngay nếu phát hiện bình có dấu hiệu gỉ sét.

Tràn lan bình giữ nhiệt không rõ nguồn gốc

Chi cục Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn) vừa phát hiện 280 kiện hàng, bên trong chứa 8.400 chiếc cốc giữ nhiệt có dòng chữ “made in Thailand” mới 100% trên sản phẩm. Theo lời khai ban đầu, các bình giữ nhiệt này sẽ được tiêu thụ trong thị trường nội địa với giá cao và người mua rất khó phân biệt được đó là đồ giả nhãn mác, xuất xứ.

Thực tế này cho thấy, hiện các loại bình giữ nhiệt có dán nhãn “made in Thailand” và nhiều loại bình thương hiệu lớn được bày bán rầm rộ với giá rẻ gần đây có nhiều khả năng là hàng Trung Quốc đội lốt. 

Dọc lề đường, các sạp đồ gia dụng trong chợ, trên các trang thương mại điện tử đang tràn ngập loại bình giữ nhiệt “made in Thailand”. Loại bình này được nhiều người ưa chuộng vì thiết kế giống ly nước, có dung tích lớn (gần 1 lít), được tặng kèm ống hút bằng kim loại, cọ rửa ống hút, túi đựng… nhưng giá chỉ từ 72.000-250.000 đồng/sản phẩm. Tất cả đều không có thông tin, nguồn gốc, ngoài dòng chữ “made in Thailand” được in vụng trên bình. 

Tại nhiều cửa hàng, trang thương mại điện tử hiện đang tràn ngập các loại bình giữ nhiệt có in logo Versace, Burberry, Starbucks được bán chỉ với giá từ 69.000-99.000 đồng/sản phẩm. Người bán cam kết tất cả đều là sản phẩm chính hãng, do nhân viên các thương hiệu này tuồn ra thị trường nên có giá rẻ. Tuy nhiên, người mua khó phân biệt được đâu là hàng chính hãng, đâu là hàng nhái bởi trên sản phẩm chỉ duy nhất logo in mực của các thương hiệu này. 

Việc mua và sử dụng bình giữ nhiệt trôi nổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia từng tiến hành kiểm tra 5 mẫu bình giữ nhiệt trôi nổi, phát hiện 5/5 mẫu đều thôi nhiễm các kim loại nặng như đồng, asen, chì, thủy ngân. 

Rước bệnh từ vật dụng bằng inox rẻ tiền

Không chỉ bình giữ nhiệt, hiện nay, nhiều vật dụng nhà bếp như chén, muỗng, nồi, đũa… cũng được làm bằng inox. Với inox chất liệu tốt như inox 304, khi sử dụng không có hiện tượng gỉ sét, khả năng thôi nhiễm kim loại ra đồ ăn rất thấp. Nhưng nếu sản phẩm được sản xuất từ inox 201, 202, khả năng thôi nhiễm mangan hay nhiều kim loại nặng khi nấu nướng rất cao. Mangan vào cơ thể sẽ rất khó đào thải ra ngoài, theo thời gian, nếu tích lũy nhiều có thể dẫn tới ngộ độc phổi, thận, tim mạch, thần kinh, gây ra hội chứng manganism tương tự như bệnh Parkinson. 

Khi mua bình giữ nhiệt và sản phẩm inox nói chung, cần xem xét chất liệu. Với bình giữ nhiệt, nên chọn sản phẩm có thương hiệu, nhãn mác, nhập chính ngạch. Riêng các vật dụng khác, nên sử dụng inox 304. Không nên dùng vật dụng bằng inox để đựng các loại thực phẩm có tính a-xít trong thời gian dài. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI