Soy Cuba - Viên ngọc bằng tay

28/05/2016 - 11:27

PNO - Nếu điện ảnh Mỹ tự hào vì có Citizen Kane tuyệt phẩm ra đời năm 1941thì nền điện ảnh Nga tự hào vì Soy Cuba.

Soy Cuba - Vien ngoc bang tay
Dẫu chỉ mang hai màu đen - trắng, Soy Cuba vẫn khiến giới làm phim và khán giả choáng ngợp

Nếu điện ảnh Mỹ tự hào vì có Citizen Kane (Công dân Kane), tuyệt phẩm ra đời năm 1941 luôn vững vàng ngôi vị số 1 trong các cuộc bầu chọn nhiều năm qua; thì nền điện ảnh Nga tự hào vì Soy Cuba (Tôi là Cuba).

Không chỉ chứa đựng ngôn ngữ điện ảnh đầy tính cách tân, hai bộ phim còn có điểm giống nhau là cùng chịu cảnh lận đận và bị lãng quên suốt vài thập kỷ. Cho đến khi được đem ra ánh sáng trở lại, như những viên ngọc quý, dẫu chỉ mang hai màu đen - trắng, Soy Cuba vẫn khiến giới làm phim và khán giả choáng ngợp.

Sau thành công vang dội với phim đoạt Cành cọ vàng Khi đàn sếu bay qua (năm 1957), đạo diễn Mikhail Kalatozov trở thành cái tên đáng chú ý nhất của điện ảnh Xô Viết. Điều này giúp ông được giao thực hiện bộ phim đánh dấu sự hợp tác đầu tiên về điện ảnh của hai nhà nước Nga và Cuba - là Soy Cuba.

Tuy nhiên, cùng quay phim Sergey Urusevsky, đạo diễn Kalatozov đã tạo nên một tác phẩm từ nhãn quan của chính họ, chứ không phải một sản phẩm thực hiện từ “mệnh lệnh”. Vì không tạo được thiện cảm với những người “đặt hàng” nên sau khi ra đời, Soy Cuba không được phổ biến ra bên ngoài đất nước Xô Viết. Bộ phim chịu số phận “đắp chiếu” hẩm hiu cho đến khi có những con mắt xanh để ý.

Sau hơn 30 năm, viên ngọc của điện ảnh Nga - Cuba được hai đạo diễn nổi danh của Mỹ là Martin Scorsese vàbFrancis Coppola tìm mọi cách đem ra khỏi lớp băng bao phủ. Cuối cùng, Soy Cuba được phát hành chính thức ở rạp chiếu của Mỹ chứ không phải Nga hay Cuba. Khi ấy, Martin Scorsese từng tuyên bố: “Nếu phim được chiếu từ năm 1964 thì bộ mặt của điện ảnh thế giới đã thay đổi”.

Soy Cuba - Vien ngoc bang tay
Cảnh phim mang vẻ đẹp thuần khiết của điện ảnh trong Soy Cuba

Soy Cuba là một bộ phim đẫm chất thơ, đậm đặc ngôn ngữ điện ảnh; ở đó, sự tinh tế đầy tính “thủ công” thổi hồn cho từng khung hình, từng nhân vật. Về cơ bản, đó vẫn là bộ phim có tính tuyên truyền trong một giai đoạn cách mạng ở đất nước Cuba thời kỳ chống lại chế độ độc tài Batista. Tuy nhiên, sức truyền cảm và cách kể chuyện chân thành khiến Soy Cuba vẫn chạm đến trái tim và ám ảnh tâm trí người xem. Nếu có cắt rời bộ phim thì mỗi tấm hình vẫn là một tác phẩm. Điều đáng kinh ngạc là những hình ảnh này được tạo nên từ lối quay phim lạ lùng, ngay cả với hôm nay.

Ở thời điểm cách đây hơn 50 năm, Urusevsky đã “làm xiếc” với hình ảnh bằng góc máy siêu rộng, ống kính mở tối đa 9mm và từ đầu đến cuối, như thể người quay phim vác một chiếc máy nặng trịch duy nhất đặt dưới gót chân mình, để trên cao và cả chìm dưới nước. Không những thế, suốt bộ phim, đạo diễn liên tiếp dàn cảnh dài, để máy trôi trong không gian. Sự đối lập về mỹ cảm mà bộ phim tạo ra với sáng và tối, cao và thấp, đen và trắng còn giúp làm bật lên sự đối lập của những kiếp người cùng sự đối lập của những không gian sống giữa thời đàn áp và nổi dậy, tự do và nô dịch.

Chính bởi vẻ đẹp trong lành, thuần khiết, đậm chất điện ảnh ấy của Soy Cuba mà vào tối 21/5, Salon điện ảnh của Cà phê thứ bảy ở Hà Nội đã kỳ công tạo nên buổi chiếu mang không khí đặc sánh màu cổ điển. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chủ trì và kể về số phận long đong của bộ phim, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, người cầm máy của phim điện ảnh cách mạng Việt Nam Bao giờ cho đến tháng Mười, “giải mã” những bí mật hình ảnh của Soy Cuba.

Trong không gian với hoa loa kèn và mùi tinh dầu thoảng bay, có người thuyết minh - chị Kim Thanh - ngồi bên ô cửa để đọc phần dịch phim, vốn là bốn khổ thơ, đưa khán giả về với cách xem phim của hàng chục năm trước. Thêm một phần đặc biệt không kém, đó là sự xuất hiện của vợ chồng anh Đặng Hùng, chị Cẩm Tú - những người vừa có mười ngày sống trên đất nước Cuba, trở về mang theo những hình ảnh về một Cuba đương đại đẹp như trong phim để giới thiệu với khán giả sau buổi chiếu.

Cảm xúc từ bộ phim, từ không khí chiếu phim dồn tụ khiến có khán giả đã thốt lên: "Làm thế nào để những nhà làm phim người Nga có thể tạo nên một tác phẩm kỳ lạ và kỳ công như thế?". Bao năm qua, đã có nhiều lý giải cho “bí mật” này; nhưng có lẽ còn một cách giải thích khác: đạo diễn và quay phim của Soy Cuba chỉ làm việc họ cần làm, bằng thôi thúc tự thân, bằng những gì mà họ thấu suốt và “ngộ” ra rằng đã gọi là điện ảnh thì đương nhiên phải thế!

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI